Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Thợ lặn trong tương lai chỉ cần một chiếc mặt nạ mỏng để thở dưới nước, không cần dùng đến bình oxy, nhờ một vật liệu mới có khả năng hấp thụ và lưu trữ một lượng lớn khí oxy.
Hai nhà nghiên cứu Christine McKenzie và Jonas Sundberg từ Đại học Nam Đan Mạch đã chế tạo thành công một loại vật liệu mới có khả năng hấp thụ oxy ra khỏi nước và không khí xung quanh. Trong tương lai, vật liệu này có thể thay thế bình dưỡng khí cồng kềnh của thợ lặn, Natureworldnews đưa tin.
Thợ lặn trong tương lai không cần dùng bình oxy để thở dưới nước như hiện nay. (Ảnh: Pixabay)
McKenzie cho biết vật liệu tổng hợp này ở dạng tinh thể, nó hoạt động giống như hemoglobin trong hồng cầu con người giúp lưu trữ và vận chuyển oxy đi khắp cơ thể. Thành phần quan trọng của vật liệu là coban bên trong một cấu trúc phân tử hữu cơ đặc biệt, cho phép hấp thụ oxy từ môi trường xung quanh. Chỉ cần một xô các tinh thể, khoảng 10 lít, là quá đủ để hấp thụ tất cả khí oxy trong một căn phòng.
Vật liệu có khả năng tái sử dụng nhiều lần, điều này tương tự như một miếng bọt biển ngâm trong nước, có thể ép nước ra và cho nó hút nước trở lại. Lượng oxy lưu trữ bên trong vật liệu được giải phóng bằng cách nhẹ nhàng làm nóng vật liệu hoặc chịu tác động của một áp suất thấp như trong chân không.
Các nhà khoa học đang tìm cách để chế tạo một mặt nạ lưu trữ oxy tinh khiết từ không khí. Vật liệu rất có giá trị đối với những người mắc bệnh phổi, những người thường xuyên phải mang theo bên mình bình dưỡng khí nặng nề. Một ngày nào đó thợ lặn có thể bỏ lại bình dưỡng khí ở nhà và thay vào đó sử dụng vật liệu ấy để hấp thụ oxy trong không khí hoặc từ nước.
Tinh thể có màu đen khi bão hòa khí oxy và chuyển sang màu hồng khi lượng oxy thoát ra. (Ảnh: University of Southern Denmark)
“Chỉ cần một vài hạt vật liệu cũng đủ tạo ra lượng oxy cần thiết cho một hơi thở, vật liệu sẽ hấp thụ oxy từ nước xung quanh thợ lặn và cung cấp lại cho thợ lặn”, McKenzie giải thích.
Tuy nhiên, những sản phẩm tuyệt vời như vậy còn một chặng đường dài để tiếp tục phát triển, và vật liệu hứa hẹn mang lại cho con người nhiều ứng dụng trong tương lai.
Trích nguồn: http://www.khoahoc.com.vn/congnghemoi/cong-nghe-moi/56559_mat-na-giup-con-nguoi-tho-duoi-nuoc.aspx
2014-10-12 21:26:10
Nguồn: http://www.chuyenla.com.vn/cong-nghe/14260-mat-na-giup-con-nguoi-tho-duoi-nuoc.html