Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Kinh tế Nga đã phục hồi sau cơn bão khủng hoảng và “vị cứu tinh” đứng đằng sau để giúp Moscow đó chính là nữ Thống đốc Ngân hàng Trung Ương Nga Elvira Nabiullina.
Theo The Economist, bà Nabiullina tốt nghiệp Đại học quốc gia Moskva chuyên ngành kinh tế vào năm 1986, từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và thương mại Nga trong giai đoạn 2007 – 2012.
Sau đó, bà được bổ nhiệm làm cố vấn kinh tế cho Tổng thống Putin. Tháng 3/2013, bà Nabiullina đã được Tổng thống Putin giới thiệu là ứng cử viên cho chức vụ Thống đốc của Ngân hàng Trung ương Nga (CBR).
Nữ Thống đốc Ngân hàng Trung ương thường xuyên trao đổi các vấn đề chiến lược với Tổng thống Putin. |
Một quan chức giấu tên trong chính phủ Nga cho biết, Tổng thống Nga thường xuyên sử dụng một đường dây nóng để điện đàm các vấn đề chiến lược với bà Nabiullina. Khi điện thoại từ Tổng thống gọi đến, tất cả nhân viên phải đi ra khỏi phòng để một mình Thống đốc Nabiullina nói chuyện.
Tổng thống Putin đã từng khen ngợi: “Nabiullina là người có ảnh hưởng sâu sắc nhất” đến những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Nga. Vào năm 2012, tạp chí danh tiếng Forbes đã bình chọn nữ Thống đốc Ngân hàng Nga là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất thế giới.
Nói về những thành tích của bà Nabiullina trong việc khôi phụ kinh tế Nga phải kể tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, khi giá dầu liên tục chạm đáy và nền kinh tế thế giới suy thoái. Kinh tế Nga đã bộc lộ những yếu điểm khi lệ thuộc mạnh mẽ vào các quỹ đầu tư nước ngoài không bền vững. Hậu quả là, GDP của Nga sụt giảm tới 8% trong năm 2009.
Chính lúc này bà Nabiullina xuất hiện như một người hùng cứu vãn sự khủng hoảng đó. Bà đã đề xuất Quốc Hội Nga ban hành hai bộ cải cách mang tính thay đổi bước ngoặt. Trước tiên, chính phủ đã đa dạng hóa các nguồn vay vốn. Thứ hai là chính sách liên quan đến nguồn dự trữ ngoại tệ.
Nhận xét về thành công này, Jan Dehn, chuyên gia tài chính Mỹ khẳng định: “Sự thông minh của bà Nabiullina khi đưa ra chính sách thu hút các nhà đầu tư, những người có xu hướng muốn xoay chuyển thị trường sẽ quay lại đầu tư vào Nga. Bên cạnh đó, nhờ giá dầu tăng trở lại, nước này đã tăng dự trữ từ 140 tỷ USD trong năm 2009 – 2013 lên tới hơn 500 tỷ USD (tương đương 1 phần 5 GDP)”, ông Dehn nói.
Oleg Vyugin, cựu Thống đóc Ngân hàng Trung Ương Nga cũng phải thốt lên ca ngợi những quyết sách của bà Nabiullina: “Bà ấy đã rất mạnh tay khi chỉ trong một thời gian ngắn, khoảng 200 giấy phép ngân hàng đã bị bãi bỏ kể từ năm 2014”.
Nhưng những nước cờ của bà Nabiullina cũng vấp phải sự chỉ trích của một số nhà quan sát, họ cho rằng chính sách thắt chặt tiền tệ của CBR là thủ phạm khiến nhà đầu tư nước ngoài e ngại hơn với thị trường Nga. Đáp lại bà Nabiullina nói: “những bước đi đó tuy đau đớn, nhưng cần thiết cho nền kinh tế Nga”.
Trong tương lai, điều bà Nabiullina lo ngại nhất không phải giá dầu giảm mà chính là việc tái cấu trúc nền kinh tế để Nga sẽ có một nền kinh tế mạnh, ổn định và bền vững.
Phương Anh