Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
“Nếu ASEAN muốn tồn tại, mô hình ASEAN-X (cơ chế linh hoạt không cần có sự đồng thuận của 10 nước ASEAN trong cam kết chung) cần phải áp dụng cho cả lĩnh vực an ninh..”
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM-49) tổ chức từ ngày 23 đến ngày 26/7 tại Lào được coi là sự kiện quan trọng nhất trong năm của ASEAN với các chương trình nghị sự bao trùm mọi lĩnh vực hợp tác từ chính trị – an ninh tới kinh tế và văn hóa – xã hội.
Bên cạnh các vấn đề trên, các hội nghị đã thảo luận về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm như chủ nghĩa khủng bố, kinh tế, biến đổi khí hậu, an ninh, tác động của việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu, tình hình bán đảo Triều Tiên và đặc biệt là vấn đề biển Đông.
Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith gặp mặt các ngoại trưởng ASEAN tại Vientiane, Lào. |
Theo nguyên tắc của ASEAN, trước mọi vấn đề chung của khu vực được bàn luận trong hội nghị, mọi quyết định cuối cùng được đưa ra theo tuyên bố chung phải đạt được sự đồng thuận của các nước thành viên. Điều này đồng nghĩa với việc bất kỳ quốc gia nào cũng có quyền phủ quyết để cản trở một tuyên bố đại diện tiếng nói chung của ASEAN.
Ngày 25/7, tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 (AMM 49) trong đó đề cập đến sự đồng nhất chung giữa các nước trong nhiều vấn đề từ kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh của khu vực đã được công bố.
ASEAN bày tỏ “quan ngại sâu sắc về hoạt động cải tạo đất và các hoạt động leo thang căng thẳng, có thể đe dọa đến an ninh, ổn định và hòa bình trong khu vực”.
Tuyên bố chung ASEAN đưa ra không đề cập trực tiếp đến Trung Quốc hay phán quyết hôm 12/7 của PCA về “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc, nhưng theo các nhà ngoại giao nó đã đề cao tầm quan trọng của việc tôn trọng phán quyết của PCA trong vụ kiện Biển Đông.
Wall Street Journal nhận định, trước việc tiếng nói chung trong khối chưa thể đồng nhất trong một số vấn đề, các nhà ngoại giao từ một số nước ASEAN đang muốn thay đổi những luật lệ cốt lõi trong việc bắt buộc phải có sự đồng thuận khi đưa ra các quyết định lớn.
Một trong những ý tưởng táo bạo được đưa ra đó là cho phép tạo ra các liên minh đa số có thể đưa ra quyết định về các vấn đề gây tranh cãi.
“Nếu ASEAN muốn tồn tại, mô hình ASEAN-X (cơ chế linh hoạt không cần có sự đồng thuận của 10 nước ASEAN trong cam kết chung) cần phải áp dụng cho cả lĩnh vực an ninh giống như đang áp dụng trong vấn đề thương mại trong thời gian qua”, ông Euan Graham, giám đốc Chương trình an ninh quốc tế tại Viện chính sách quốc tế Lowy nhận định, “ASEAN không thể bị ràng buộc chỉ vì một vài thành viên có quan điểm riêng”.
Với điều này, ASEAN hoàn toàn có thể đưa ra một tuyên bố chung theo đa số mà không vấp phải bất cứ sự phản đối nào thuộc phe thiểu số. Điều này tạo sự thuận lợi trong việc giải quyết các vấn đề tranh cãi ở nhiều lĩnh vực khác trong tương lai.
Tuy nhiên, giới quan sát đánh giá rằng dù ASEAN muốn thay đổi luật lệ cũng là điều khó, bởi các quốc gia trong Hiệp hội sẽ cần bỏ phiếu đồng thuận về vấn đề này.
Đọc thêm>>> Chuyên gia Ấn Độ: ‘Giấc mộng Trung Hoa’ tan vỡ trên Biển Đông
Minh Vũ
2016-07-26 02:00:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/bao-my-asean-nen-doi-luat-choi-ve-nguyen-tac-dong-thuan-a251780.html