Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
TQ nuốt lời, trắng trợn xây nhà chứa máy bay quân sự ở Trường Sa (Việt Nam); Cựu Tổng thống Philippines đến Trung Quốc để ‘phá băng quan hệ’… là tin tức Biển Đông ngày 9/8.
Trung Quốc nuốt lời, trắng trợn xây nhà chứa máy bay quân sự ở Trường Sa
Hình ảnh các nhà chứa máy bay mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Xubi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh chụp ngày 24/7/2016. (Ảnh CSIS) |
Tờ SCMP dẫn báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, các hình ảnh vệ tinh chụp hồi cuối tháng Bảy cho thấy các công trình trái phép này đã được Bắc Kinh cho tiến hành xây dựng trên đá Chữ Thập, đá Xubi và đá Vành khăn thuộc quần đảo Trường Sa (Việt Nam), một trong số các công trình trái phép này đã được hoàn thành.
Theo CSIS, mặc dù chưa có sự xuất hiện hình ảnh của các máy bay quân sự được đưa vào sử dụng nhưng khu nhà chứa này dự kiến có thể phục vụ cho khoảng 24 máy bay chiến đấu cùng với 3 đến 4 máy bay cỡ lớn hơn.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy tiến trình xây dựng các nhà chứa máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ sớm hoàn thiện trong thời gian tới.
Cựu Tổng thống Philippines đến Trung Quốc để ‘phá băng quan hệ’
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos. |
Reuters dẫn nguồn tin từ ông Ernesto Abella, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines cho biết: “Chuyến thăm của ông Fidel Ramos có thể mở đường cho những cuộc đàm phán trong tương lai”. Ông Abella nói thêm rằng tới Hong Kong, ông Ramos sẽ “gặp một số người bạn cũ và có thể cùng tham gia một vài ván golf”.
Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos (88 tuổi) – được mô tả như “người phá băng”, đã nhận trách nhiệm đến Trung Quốc sau phán quyết của Tòa Trọng Tài thường trực (PCA) về vụ kiện Biển Đông.
Trung Quốc ngang nhiên điều tàu chính phủ và máy bay quân sự ra hai vùng biển tranh chấp
Trung Quốc tổ chức cuộc tập trận trong vùng biển tranh chấp trước phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực. (Ảnh: AFP) |
Tờ SCMP ngày 8/8 dẫn lời giới chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc điều tàu chính phủ và máy bay quân sự tới Biển Đông và Biển Hoa Đông nhằm thể hiện rằng Bắc Kinh có thể “ra đòn” bất kỳ lúc nào.
Tại Biển Đông, quân đội Trung Quốc đang tiến hành tuần tra trái phép trên không bằng máy bay chiến đấu. Còn tại Biển Hoa Đông, Bắc Kinh cũng tăng cường hiện diện ở vùng biển tranh chấp, đưa tàu chính phủ tuần tra ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Giới chuyên gia nhận định rằng Trung Quốc đang muốn phô trương năng lực nhằm duy trì sự hiện diện vững chắc ở hai vùng biển tranh chấp này.
Hôm 9/8, lần đầu tiên Ngoại trưởng Fumio Kishida trực tiếp trao công hàm phản đối cho Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa về việc tàu Trung Quốc tái diễn xâm nhập lãnh hải Nhật bản quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Ngày 7/8, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết tổng cộng 14 tàu của chính phủ Trung Quốc đã xâm nhập vào “vùng biển tiếp giáp” quần đảo tranh chấp Nhật Bản gọi là Senkaku và Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư, một động thái được Tokyo xem là “vi phạm lãnh hải” nước này trong những ngày gần đây.
Trước đó, ngày 6/8, Reuters dẫn lời Đại tá Thân Tiến Khoa của Không quân Trung Quốc cho biết, lực lượng này đã điều nhiều chiếc máy bay ném bom H-6 và chiến đấu cơ Su-30 tiến hành các cuộc tuần tra phi pháp trên không phận quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam và bãi cạn Scarborough mà Bắc Kinh đang có tranh chấp với Philippines.
Mỹ chỉ trích cuộc tập trận hải quân Trung Quốc-Nga trên Biển Đông
Vietnam+ dẫn AP đưa tin ngày 9/8, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift cho rằng phản ứng của Bắc Kinh và các nước khác đối với phán quyết hôm 12/7 của Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) bác bỏ những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông không gây ngạc nhiên, song cần phải tăng cường tính minh bạch quân sự nhằm giảm căng thẳng trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Swift cũng chỉ trích cuộc tập trận hải quân chung Trung-Nga dự kiến vào tháng Chín ở Biển Đông, cho rằng việc lựa chọn địa điểm này không có ích cho việc “tăng cường sự ổn định trong khu vực.”
Ông còn cho rằng bất kỳ quyết định nào của Trung Quốc nhằm tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên vùng biển chiến lược này sẽ “rất mất ổn định xét từ quan điểm quân sự.”
Ngoài ra, ông còn tin tưởng rằng hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi lại gần các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông trong hoạt động được gọi là sứ mệnh tự do hàng hải nhằm củng cố những quy định trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), mặc dù theo ông những quyết định như vậy do Washington đưa ra.
Ông Swift đang ở thăm cảng Thanh Đảo, miền Bắc Trung Quốc.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-09 13:24:07
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-98-a253726.html