Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Ông Trump quyết định lựa chọn nhà kinh tế học có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc Peter Navarro làm Giám đốc Thương mại Quốc gia Nhà Trắng.
Mới đây, nhóm tiếp quản quyền lực của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã công bố, ông Trump quyết định lựa chọn nhà kinh tế học có quan điểm cứng rắn với Trung Quốc Peter Navarro làm Giám đốc Thương mại Quốc gia Nhà Trắng. Theo các nhà quan sát, bổ nhiệm ông Navarrvo trở thành người “dẫn dắt” thương mại Nhà Trắng như một minh chứng cho thấy sự “cứng rắn” của Tổng thống đắc cử đối với chính quyền Bắc Kinh.
Chuyên gia kinh tế Peter Navarro, người được ông Trump bổ nhiệm chức Giám đốc Hội đồng Thương mại quốc gia. |
Phát biểu trước truyền thông, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump khẳng định: “Việc thành lập Hội đồng Thương mại Quốc gia là minh chứng mạnh mẽ cho thấy quyết tâm của Tổng thống đắc cử đưa ngành công nghiệp của Mỹ vĩ đại trở lại và trao cơ hội cơ hội việc làm với mức thu nhập tốt cho mọi người dân Mỹ”.
Từ nhiều năm nay, chuyên gia kinh tế Peter Navarro không ít lần lên tiếng phê phán gay gắt Trung Quốc “chơi không đẹp” trong lĩnh vực thương mại bằng những hành động như thao túng tiền tệ, ăn cắp bản quyền và sử dụng lao động rẻ mạt và không quan tâm đến ô nhiễm môi trường.
Đội ngũ chuyển giao quyền lực ca ngợi ông Peter là một nhà kinh tế “biết nhìn xa trông rộng” và sẽ giúp phát triển các chính sách thương mại giúp hạn chế thâm hụt, mở rộng tăng trưởng. Việc bổ nhiệm này cho thấy ông Trump có ý định nghiêm túc trong việc thực hiện các lời hứa của mình với cử tri về mục tiêu hồi sinh ngành công nghiệp sản xuất và tạo ra nhiều việc làm trong lĩnh vực trên.
Theo Financial Times, ông Peter là một nhà kinh tế, cố vấn đầu tư giỏi được đào tạo tại đại học Harvard. Đặc biệt, ông khẳng định tầm ảnh hưởng của mình trong giới kinh tế học bằng cuốn sách nổi tiếng Chết bởi Trung Quốc, ghi chép việc Trung Quốc đã “thâm nhập” việc ngành công nghiệp của Mỹ như thế nào.
Không những vậy, tác phẩm Nước Mỹ đã mất cơ sở sản xuất của mình như thế nào? được chuyển thành phim tài liệu vào năm 2012. Bộ phim đã mô tả mối đe dọa của Trung Quốc đối với nền kinh tế Mỹ cũng như tham vọng của Bắc Kinh trong việc trở thành nền kinh tế và quân sự lớn tại châu Á.
Lý giải về quyết định của mình, ông Trump nói: “Tôi đã đọc một cuốn sách của Peter viết về thương mại Mỹ cách đây nhiều năm, tôi thật sự ấn tượng với những số liệu chắc chắn, luận giải chắc chắn, sắc sảo của ông ấy. Peter đã chỉ ra những tác động tiêu cực của quá trình toàn cầu hóa đối với người dân Mỹ và đưa đến một giải pháp để khôi phục kinh tế như hiện nay”.
The Guardian (Anh) thông tin thêm, trong một bài phân tích đăng trên Tạp chí Đối ngoại hồi tháng 11, Peter và một cố vấn khác của Tổng thống đắc cử Trump là Alexander Gray tái khẳng định quan điểm của ông Trump phản đối các thỏa thuận thương mại lớn, trong đó có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (FAFTA) là đúng đắn.
Ông Peter Navarro từng chia sẻ quan điểm trong các công trình nghiên cứu của mình rằng, ông nhận thấy sự yếu thế trong cuộc chiến kinh tế của Mỹ với Trung Quốc. Cố vấn kinh tế này bày tỏ lo ngại về môi trường liên quan đến nhập khẩu của Trung Quốc và nạn trộm cắp tài sản trí tuệ Mỹ. Ông Navarro là người từng có đề xuất về việc hợp tác với Đài Loan bao gồm một hợp tác về chương trình phát triển tàu ngầm. Móc nối với sự kiện gần đây nhất, Tổng thống đắc cử Trump cũng vừa khiến Bắc Kinh “nóng mặt” khi nhận điện thoại của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn sau khi chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Bìa cuốn sách Chết bởi Trung Quốc của ông Demetri Sevastopulo. |
Bàn luận về việc thành lập Hội đồng Thương mại Quốc gia Nhà Trắng, chuyên gia Demetri Sevastopulo của Financial Times cho rằng, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có một văn phòng dành riêng cho thương mại bên trong “dinh” Tổng thống. Cơ quan này cùng với Hội đồng An ninh Quốc gia, Hội đồng Kinh tế Quốc gia và Hội đồng Chính sách trong nước sẽ giúp ông Trump thực hiện những “lời hứa” mà ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Song nhiều nhà kinh tế cũng quan ngại, việc đặt ưu tiên giảm thâm hụt thương mại sẽ nhiều khả năng dẫn đến các chính sách thương mại bảo hộ. Nếu đúng như vậy “tác dụng phụ” của những chính sách kinh tế của ông Trump sẽ dẫn đến việc tháo chạy vốn khổng lồ khỏi Mỹ, mất các thị trường xuất khẩu lớn và thậm chí là khủng hoảng kinh tế. Từ năm 2000, ngành công nghiệp Mỹ đã mất 5 triệu việc làm. Thâm hụt thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc năm 2015 là 366 tỉ USD.
Li Yonghui, trưởng khoa Quan hệ quốc tế thuộc trường đại học Ngoại ngữ (Bắc Kinh) cho biết: “Dù biết rằng, việc bổ nhiệm Peter hay những tuyên bố của ông Trump sẽ khó làm “lung lay gốc cây” quan hệ Mỹ – Trung. Song, chắc chắn ông Trump sẽ đặt những áp lực chưa từng có vào Trung Quốc trong thời gian tới đây”.
Phương Anh
2016-12-22 17:00:22
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/trump-bo-nhiem-nguoi-cung-ran-voi-tq-nam-hoi-dong-thuong-mai-a310188.html