Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Phải chăng mục đích của người dân Mỹ khi bầu Donald Trump chính là để dẹp bỏ nhóm quyền lực ẩn sâu bên trong nền chính trị, đang kiểm soát một cách mờ ám đất nước họ?
Trong những ngày hè năm 2013, cuộc đảo chính bất ngờ diễn ra ở Ai Cập đã khiến chính quyền Tổng thống Mohamed Morsi sụp đổ, nhưng người Ai Cập lại gặp phải một thách thức lớn về kinh tế.
Ngành công nghiệp du lịch và các khoản đầu tư nước ngoài ngừng trệ, trong khi chính phủ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nợ công, thâm hụt ngân sách.
Tổng thống Trump đang “đơn thương độc mã” chống lại thế lực ngầm của nền chính trị Mỹ? |
Tất cả điều này không có trong tâm trí hàng triệu người Ai Cập một năm trước khi họ hy vọng kết thúc chế độ cựu Tổng thống Hosni Mubarak sẽ mang lại “bánh mì, tự do và công bằng xã hội”.
Một trong số các vấn đề kinh tế nhức nhối nhất lúc đó là tình trạng thiếu hụt nhiên liệu. Những chiếc ô tô thiếu xăng trên đường phố không thể di chuyển, những tiếng trách móc bực bội của những người tham gia giao thông đã vẽ lên một bức tranh thảm cảnh cho Cairo.
Thế nhưng mọi thứ bất chợt thay đổi một cách thần kỳ – cuộc khủng hoảng biến mất chỉ sau một đêm.
Một tuần sau cuộc đảo chính, hai phóng viên Ben Hubbard và David Kirkpatrick của New York Times báo lại về tòa soạn rằng xăng ở Ai Cập – đột nhiên có sẵn!
Đây chỉ là một sự trùng hợp hay đến từ quyền lực thần kỳ của một nhóm bí mật với tên gọi “nhà nước ngầm” – tập hợp các nhân vật có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong giới chức quân đội, tình báo và các quan chức cấp cao?
Theo Steven A. Cook nghiên cứu viên cao cấp về Trung Đông và châu Phi tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ, ý tưởng về cái gọi là “nhà nước ngầm” đã từng được nhắc đến nhiều lần và được gắn liền với nền chính trị Thổ Nhĩ Kỳ, hay gần đây nhất chính là Mỹ.
Đối với người Thổ Nhĩ Kỳ, những tin đồn về “nhóm chính trị bí mật” càng được củng cố sau vụ tai nạn bí ẩn vào ngày 3/11/1996, khi một chiếc Mercedes-Benz va chạm với một xe tải ở thị trấn nhỏ thuộc Susurluk, cách 150 dặm về phía tây nam thủ đô Istanbul.
Hành khách trên chiếc Mercedes bao gồm phó giám đốc sở cảnh sát Istanbul, một nghị sĩ quốc hội, người đàn ông lái xe và bạn gái. Trong đó các nạn nhân đều tử nạn, chỉ có duy nhất nghị sĩ cánh hữu Sedat Bucak sống sót.
Đối với nhiều người ở Thổ Nhĩ Kỳ, “scandal Susurluk” cho họ biết về sự tồn tại của cái gọi là “nhà nước ngầm” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Bởi câu hỏi đặt ra ở đây là vì sao một nghị sĩ quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ, một sĩ quan cảnh sát cấp cao lại chung hành trình với một kẻ giết người và buôn ma túy khét tiếng Abdullah Catli?
Những giả thuyết sau đó nói rằng đây có thể là một vụ thanh trừng. Phanh của chiếc Mercedes khi sắp va chạm với xe tải ở tốc độ cao đã bị vô hiệu hóa từ xa.
Catli cùng người bạn gái và quan chức cảnh sát Huseyin Kocadag vẫn sống sau vụ va chạm nhưng đã bị giết bởi một nhóm sát thủ tới hiện trường ngay sau đó, trước khi đội cảnh sát và xe cứu thương địa phương kịp có mặt.
Cho đến thời điểm hiện tại, có rất ít bằng chứng xác thực về sự tồn tại của “nhà nước ngầm” ở Thổ Nhĩ Kỳ – ngay cả khi nó đã được chấp nhận như một thực tế trong đời sống chính trị nước này.
Hệ thống “ngầm” ở Ankara là tập hợp đa ngành bao gồm lực lượng an ninh, tình báo quân đội, các phương tiện truyền thông lớn, cùng các viện hàn lâm và cộng đồng doanh nghiệp.
Không ai biết cách thức vận hành của nó ra sao, họ chỉ hiểu rằng các nhóm này đứng đằng sau thao túng quyền lực của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ để thúc đẩy lợi ích của mình trong xã hội.
Mặc dù cách gọi ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đối với lực lượng này có sự khác nhau nhưng về cơ bản nền tảng tạo nên “nhà nước ngầm” bắt nguồn từ những yếu tố tương tự – sự bất lực của công dân trong việc có tiếng nói trong các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội trong nước.
Người Ai Cập và người Thổ sống trong một hệ thống chính trị mà sự bất ổn, nhũng nhiễu và tham nhũng diễn ra một cách thường ngày. Điều này không có gì ngạc nhiên khi mọi người tin vào sự tồn tại của các nhóm bí mật đang thao túng chính trị đất nước.
Tuy nhiên việc nước Mỹ tồn tại một hình thái như vậy lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Ông Trump đang phải đối phó với “thế lực ngầm”?
Trong những tuần gần đây, các hãng tin Breitbart, Infowars, Intercept hay AlterNet bắt đầu đăng tải về sự tồn tại của cái gọi là “nhà nước ngầm” trong lòng nước Mỹ.
Đối với những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump, “nhà nước ngầm” chính là lực lượng đứng đằng sau điều khiển cuộc tấn công Nhà Trắng của giới truyền thông cũng như xúi giục các cuộc biểu tình phản ứng các chính sách mới trên cả nước. Hay về những diễn biến vừa qua về cái gọi là cuộc chiến giữa ông Trump và cộng đồng tình báo.
Từ một góc độ nào đó, các bài viết nói rằng lực lượng ngầm đang thông đồng với các phương tiện truyền thông và đảng Dân chủ để vây hãm chính quyền non trẻ của Tổng thống Trump.
Các phương tiện truyền thông lớn như CNN, Washington Post bị ông Trump nhiều lần gọi là “fake news”. |
Ngược lại, đứng trên quan điểm của phe chống đối, họ coi những lời chỉ trích trên báo chí vào chính quyền mới là hành động bảo vệ nền tư pháp công bằng và dân chủ của nước Mỹ, họ bắt đầu nêu ra những thuyết âm mưu về sợi dây liên kết giữa Nhà Trắng và chính phủ Nga, cùng những nỗ lực dường như mang mục đích gieo sự bất ổn trong nước để đợi thời cơ lấy lại quyền lực từ phe cầm quyền hiện tại.
Trên thực tế một số cố vấn cao cấp của tổng thống như chiến lược gia trưởng Nhà Trắng Stephen Bannon đã nói công khai về âm mưu của những phe nhóm đang cố tình “xé rách hệ thống” và phá hoại nền dân chủ Mỹ.
Nói cách khác, những lời phàn nàn cực đoan về kết quả một tháng làm việc của ông Trump đến từ sự phối hợp của các tổ chức quan liêu đang muốn làm suy yếu chính quyền Trump. Bản thân tổng thống cũng nhiều lần bóng gió về việc ông phải đón nhận ngày càng nhiều các cuộc tấn công của đến từ cộng đồng tình báo và tư pháp, Steven A. Cook diễn giải.
Sự từ chối bắt tay với giới tinh hoa truyền thống của Tổng thống Trump là một phản ứng tương phản hoàn toàn với cách các nhà lãnh đạo mới của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ lên nắm quyền. Họ bắt tay với những nền tảng cũ để ứng phó trước những thách thức mà đất nước đang phải đối mặt, thay vì đối đầu để khiến tình hình trở nên hỗn loạn hơn.
Theo chuyên gia Steven A. Cook, tư tưởng cốt lõi mà nhà nước ngầm ở Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập hay ở Mỹ (nếu nó tồn tại thực sự) có sự khác biệt.
Với Ankara, lý tưởng duy nhất chính là đảm bảo hệ thống cộng hòa mà người sáng lập Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, Mustafa Kemal Ataturk và các cộng sự thành lập vào năm 1923 được tồn tại vững bền.
Hướng tới mục đích đó, “nhà nước ngầm” này sẽ thủ tiêu những biểu hiện chủ nghĩa dân tộc của người Kurd, ngăn chặn tham vọng của người Hồi giáo, phủ nhận lịch sử của người Armenia tại Anatolia và trong kỷ nguyên trước đó là ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng.
Điều này giải thích cho những vụ ám sát chính trị thường xuyên xảy ra – điều tạo nên mâu thuẫn dai dẳng gần ba thập niên với đảng Công nhân người Kurd (PKK) cũng như là yếu tố gián tiếp cho bốn cuộc đảo chính nổ ra kể từ năm 1960.
Tại Ai Cập, mục tiêu “nhà nước ngầm” là để đảm bảo cái gọi là “trật tự tự nhiên” – sự tồn tại của hệ thống chính trị quân sự toàn trị mà cựu Tổng thống Gamal Abdel Nasser và Ủy ban tự do gây dựng từ những năm 1950.
Tuy nhiên người Ai Cập đã thành công hơn Ankara – đất nước thường xuyên phải dùng đến can thiệp quân sự và bạo lực để bảo vệ nhà nước cộng hòa thế tục.
Còn với Mỹ, khả năng tồn tại một nhà nước ngầm dường như quá xa vời. Sự phân cực chính trị vào thời điểm này là sự đối lập về cách nhìn của giới tình báo, tư pháp với chính quyền mới về chuẩn mực dân chủ.
Thay vì cố gắng thay đổi thể chế cộng hòa của Mỹ, lực lượng này đang nỗ lực đảm bảo rằng các cường quốc nước ngoài thù địch không thể thỏa hiệp với giới chức cấp cao của Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia “không nên nói dối phó tổng thống”.
Nhìn một cách tổng quát, các quan chức Mỹ đang làm một cái gì đó tương tự như các “nhà nước ngầm” ở Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ đã làm, đó là bảo vệ hệ thống tồn tại cố hữu của đất nước.
Theo Steven A. Cook, trong trường hợp của Mỹ, các quan chức chống đối đang bảo vệ thay vì muốn kiểm soát hệ thống.
Lý do nhóm phản ứng từ Nhà Trắng, Lầu Năm Góc, ngành Tư pháp, Quốc hội và cộng đồng tình báo rò rỉ thông tin cho báo chí là vì họ không có sự lựa chọn nào khác khi chính quyền hiện tại có những mối liên kết với Nga một cách khó hiểu.
Trong khi một loạt các xung đột lợi ích khác đã thúc đẩy sự đi lên của chủ nghĩa dân tộc từng bước tiệm cận chủ nghĩa phát xít, đe dọa những lý tưởng cơ bản của nền dân chủ Mỹ.
Sự tồn tại của cái gọi là “nhà nước ngầm” thâu tóm chính trường Mỹ vẫn lửng lơ trong cái gọi là thuyết âm mưu mà nhiều người đã bị ảnh hưởng từ những chính phủ nhiều bất cập ở Ai Cập hay Thổ Nhĩ Kỳ.
Người ta sẽ chờ đợi một động thái mới từ chính quyền Trump. Nếu ông tiếp tục những chính sách mang tính tranh cãi của mình, cuộc tấn công của “phe ngầm” sẽ còn tiếp diễn. Nhưng câu hỏi được đặt ra ở đây là: người dân Mỹ có biết gì về cái gọi là “nhà nước ngầm” đang đứng đằng sau chi phối họ hay không?
Và sẽ còn những giả thuyết nghi hoặc khác như phải chăng mục đích của người dân Mỹ khi bầu Donald Trump chính là để dẹp bỏ nhóm quyền lực ẩn sâu bên trong nền chính trị, đang kiểm soát một cách mờ ám đất nước họ?
Đọc thêm>>> Tổng thống Trump thắng cử nhờ những lá phiếu kỳ lạ?
Quốc Vinh
2017-02-27 15:40:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/ton-tai-nha-nuoc-ngam-ngoai-tam-kiem-soat-cua-ong-trump-a316792.html