Nguyên nhân chính là sự sụt giảm doanh thu quảng cáo và số lượng báo phát hành. Sự dịch chuyển của mục rao vặt sang web gây tác động tiêu cực lớn tới tờ New York và nhiều tờ báo của Mỹ khác. Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại một yếu tố kinh tế cơ bản có tác động tiêu cực và cản trở nỗ lực của chuyển sang báo mạng của các tờ báo in truyền thống. Yếu tố này được gọi là “Luật Baumol” do nhà kinh tế William J. Baumol thuộc Đại học New York tạo ra.
Baumol và William Bowen đưa ra luật này cách đây 50 năm. Luật Baulmol được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, nghệ thuật biểu diễn, và hầu hết các dịch vụ xã hội. Luật này có thể được điều chỉnh để áp dụng đối với một số tạp chí và báo chí danh tiếng. Trong cuốn sách mới nhất The Cost Disease, Baumol nêu ra sự khác biệt giữa lĩnh vực tiến bộ và trì trệ của nền kinh tế. Trong lĩnh vực tiến bộ, chẳng hạn như sản xuất, tăng năng suất sẽ giúp trang trải các chi phí do tiền lương tăng lên, do đó, khi tiền lương tăng, chi phí sản xuất không tăng. Trong lĩnh vực trì trệ, chẳng hạn như chăm sóc sức khỏe, năng suất tăng quá chậm để có thể bù lại tốc độ tăng của tiền lương, do đó chi phí sản xuất tiếp tục đi lên. Đây là chính là sự khác biệt căn bản giữa 2 lĩnh vực.
Về lĩnh vực tiến bộ, với sự hỗ trợ của các công nghệ mới, năng suất lao động của công nhân trong nhà máy sản xuất ôtô có thể tăng gấp 2 lần. Tiền lương của công nhân cũng tăng gấp đôi, nhưng chi phí sản xuất mỗi chiếc xe không đổi.
Trong lĩnh vực sản xuất “trì trệ” như âm nhạc, chi phí cho các nhạc sĩ trong nhóm tứ tấu đàn dây có thể tăng gấp đôi theo thời gian. Mức lương nói chung phản ánh trình độ đào tạo của người lao động và vị trí xã hội của họ. Tuy nhiên quãng thời gian để các nhạc sĩ để tạo ra một tác phẩm âm nhạc (năng suất) lại không thay đổi. Vì vậy, chi phí sản xuất tiếp tục đi lên.
Tương tự với trường hợp trong ngành y tế, hiện nay bác sĩ khám và điều trị cùng một lượng số bệnh nhân như cách đây 10 năm. Thậm chí, giáo viên mẫu giáo hiện nay có ít học sinh hơn so với trước đây. Nếu mức lương của những người này tăng đồng nghĩa với việc chi phí sản xuất tăng lên. Trong lĩnh vực trì trệ, chủ doanh nghiệp hoặc chính phủ có thể áp dụng công nghệ giúp tăng năng suất lao động. Ví dụ việc dạy học có sự hỗ trợ của máy tính có thể giảm bớt chi phí, tuy nhiên năng suất trong các lĩnh vực này vẫn thấp hơn năng suất của các lĩnh vực tiến bộ.
Cần phải xem xét 2 tác động trực tiếp của Luật Baumol. Đầu tiên, sự gia tăng chi phí dịch vụ trong lĩnh vực trì trệ, được chuyển sang việc tăng giá do vậy chi phí sẽ tăng nhanh hơn so với tốc độ trung bình. Đó là lý do tại sao chi phí chăm sóc sức khỏe và giáo dục đại học tăng nhanh hơn so với tỷ lệ lạm phát.
Điều này có thể không ảnh hưởng nhiều tới người lao động có thu nhập tăng tương ứng và những người phải trả chi phí thấp hơn cho các sản phẩm thuộc lĩnh vực tiến bộ. Tuy nhiên nó lại ảnh hưởng tiêu cực tới người lao động có thu nhập thấp. Lương của những người này không những không tăng mà thậm chí còn giảm. Nguyên nhân là do họ phải chi nhiều tiền hơn cho giáo dục đại học và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Thứ hai, sự gia tăng chi phí của các dịch vụ công làm tăng chi ngân sách của chính phủ. Sẽ không có gì nghiêm trọng xảy ra nếu nguồn thu thuế tiếp tục tăng tương ứng với mức tăng của thu nhập. Tuy nhiên, suy thoái kinh tế làm giảm bớt thu nhập, hoặc việc cắt giảm thuế sẽ khiến nguồn thu từ thuế giảm. Kết quả là khủng hoảng tài chính sẽ bùng nổ. Những người bảo thủ thường cho rằng sự tham lam hoặc lười biếng của công chức chính phủ là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Sở dĩ họ suy nghĩ như vậy là do thiếu hiểu biết về Luật Baumol. Vậy làm thế nào để áp dụng luật này vào thị trường tạp chí và báo in?
Tạp chí và báo in bao gồm các bộ phận thuộc cả lĩnh vực tiến bộ và lĩnh vực trì trệ. Từ việc các nhà sư sao chép ra bản kinh cho tới việc in ấn trên máy vi tính và thiết kế sản phẩm phục vụ cho sản xuất là một bước tiến dài của ngành xuất bản.
Tuy nhiên, việc sản xuất tin bài, dù được hưởng lợi từ máy tính và điện thoại di động, vẫn thuộc nhóm lĩnh vực trì trệ. Sẽ phải mất hàng tháng để các phóng viên viết bài phân tích và điều tra. Phải mất nhiều tháng để các biên tập viên và cộng tác viên sản xuất ra những bài báo nổi bật (features – đặc ký, ký sự đặc biệt). Điều này không thay nhiều trong 1 thế kỷ qua. Một phóng viên giống một nghệ sĩ trình diễn hơn là một công nhân trong nhà máy sản xuất xe hơi.
Nếu doanh thu chỉ dựa vào số lượng độc giả, tạp chí và báo in có thể sẽ phải chịu chung số phận như các ngành dịch vụ thuộc lĩnh vực trì trệ. Tuy nhiên, tạp chí và báo in có thể dựa vào nguồn doanh thu từ các hãng quảng cáo muốn tiếp cận độc giả. Với khoản thu nhập này, tạp chí và báo in có thể tăng lương cho các cộng tác viên và biên tập viên mà vẫn có được nhiều lợi nhuận. Khi doanh thu quảng cáo bắt đầu giảm, chi phí phát hành tin bài gia tăng khiến cho lợi nhuận bị sói mòn. Nhiều tạp chí và báo in vẫn có lợi nhuận, nhưng ở mức thấp hơn so với các doanh nghiệp khác. Họ bắt đầu mất dần các cổ đông và đối tác quảng cáo. Một số tờ báo không có lợi nhuận và chỉ có thể duy trì hoạt động với nguồn tiền của những nhà tài trợ có hoặc các công ty lớn sẵn sàng duy trì sự tồn tại của các tạp chí và báo in cho dù bị thua lỗ.
Làm thế nào để giải quyết vấn đề này? Đầu tiên, nhiều tờ báo in đã cắt giảm mạnh các phòng tin tức (newsroom) và văn phòng của mình. Một thập kỷ trước, bất kỳ ai cũng có thể kể tên ít nhất năm tờ báo uy tín bao gồm – New York Times, The Washington Post, The Los Angeles Times, The Chicago Tribune, và The Boston Globe. Hiện nay có một tờ báo duy nhất – tờ The New York Times. Đối thủ duy nhất của tờ báo này trên thị trường báo in là tờ The Wall Street Journal. Tóm lại, việc cắt giảm chi phí sản xuất hưởng tới chất lượng chung của các tờ báo.
Thứ hai, tạp chí và báo in đã chuyển sang báo điện tử. Một lợi thế rõ ràng khi chuyển sang báo điện tử là chi phí sản xuất và phát hành thấp. Tuy nhiên, chuyển sang báo điện tử không đồng nghĩa với việc giải quyết vấn đề doanh thu quảng cáo đang sụt giảm. Các bài báo mạng tập trung vào các tin tức ngắn chứ không phải là các bài báo dài hoặc các câu chuyện báo chí (features) mà trước đây các báo in tập trung vào.
Politico, một trong những tờ báo mạng thành công nhất, về cơ bản tương tự như tạp chí People nhưng tập trung vào chủ đề chính trị. Về lâu dài, số lượng máy tính bảng gia tăng có thể làm tăng số lượng các bài báo dài mà các tạp chí và báo in đã từng tập trung vào. Tuy nhiên, sự phổ biến của máy tính bảng sẽ không giúp giải quyết vấn đề chi phí. (Tôi ngạc nhiên trước cụm từ mới “báo chí thời lượng dài” (longform journalism). Cụm từ này được tạo ra để phân biệt các bài viết đặc trưng của tạp chí và báo in với các bài báo của báo mạng).
Ấn phẩm chuyên ngành hướng tới một số ít độc giả và hãng quảng cáo vẫn còn tồn tại sau quá trình chuyển đổi của báo in lên báo điện tử. Vì vậy, có các tờ báo chuyên về chính trị có lượng phát hành thấp phụ thuộc vào các nhà tài trợ để bù đắp cho thua lỗ. Các tạp chí uy tín, hướng tới tất cả độc giả như New York hay Time, nếu tiếp tục tồn tại, sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các bài báo nổi bật (features) hướng tới người tiêu dùng đã giúp cho US News còn tồn tại tới thời điểm này.
Một điều đáng lo ngại là các bài báo nổi bật (features) hoặc bài ký sự (report) sẽ trở thành sản phẩm phụ trợ, giống như các tạp chí thời trang hãng hàng không cung cấp cho khách hàng trên các chuyến bay. Tình trạng của các tờ báo in uy tín đáng lo ngại hơn. Ai sẽ tài trợ cho những bài báo điều tra tham nhũng tại địa phương, ai sẽ trả tiền cho các phóng viên viết bài về cuộc cách mạng ở Jakarta có nguy cơ lây lan sang toàn bộ châu Á?
Hiện không có một giải pháp rõ ràng nào cho vấn đề này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thu nhập của các cộng tác viên như tác giả bài báo, mà còn tác động tiêu cực tới sự tiến bộ của nền văn minh mà nghề báo là một bộ phận không thể thiếu. Không chỉ vậy, sự tồn tại của nền dân chủ còn phụ thuộc vào việc người dân có được tiếp cận với nguồn thông tin đáng tin cậy hay không.