Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
7/80 mẫu thịt lợn tại miền Bắc và miền Trung do cơ quan chức năng lấy trong tháng 10 để phân tích có nhiễm hóa chất kháng sinh vượt mức cho phép, trong đó có 2 mẫu thịt lợn nhiễm Salbutamol và 5 mẫu thịt lợn nhiễm Sulfadimidin.
Đây là kết quả được công bố tại cuộc họp giao ban công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) diễn ra chiều ngày 22/10, tại Hà Nội.
Theo đó, trong tháng 10/2014, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với cơ quan chức năng lấy 40 mẫu thịt gà, 80 mẫu thịt lợn để phân tích 6 chỉ tiêu dư lượng kháng sinh và chất cấm.
Kết quả phát hiện 7 mẫu thịt lợn nhiễm hóa chất kháng sinh vượt mức cho phép, trong đó có 2 mẫu thịt lợn nhiễm Salbutamol và 5 mẫu thịt lợn nhiễm Sulfadimidin.
Salbutamol là chất tạo nạc, yêu cầu không được dùng để chăn nuôi. Chất này bị cấm sử dụng vì nó thuộc nhóm gây ra độc hại khi sử dụng sản phẩm thịt còn dư lượng các chất này. Ảnh hưởng của chất Salbutamol là vô cùng nặng nề đối với người sử dụng. Đó là việc gây ảnh hưởng lên hệ thần kinh, hệ cơ và hệ timmạch.
Còn sulfadimidin là chất kháng sinh được chống chỉ định với người suy gan. Sulfadimidin không nằm trong danh mục kháng sinh được sử dụng trong chăn nuôi nhưng lại được phép sử dụng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Các tỉnh được lấy mẫu gồm miền Bắc và miền Trung: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Khánh Hòa.
Hiện Cục Thú y đang phối hợp với các cơ quan địa phương tại nơi phát hiện mẫu thịt lợn vi phạm để truy xuất nguồn gốc các mẫu vi phạm này, đồng thời giám sát chặt chẽ việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, kháng sinh trong chăn nuôi và thú y.
Đối với chương trình kiểm soát vệ sinh an toàn vùng thu hoạch nhuyễn thể hai mảnh vỏ, trong tháng 10/2014, Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với cơ quan địa phương lấy 50 mẫu nhuyễn thể để phân tích 250 lượt chỉ tiêu an toàn thực phẩm và 100 mẫu nước để phân tích chỉ tiêu tảo độc. Kết quả đã phát hiện 10 mẫu sò lông nguyên con và sò điệp nguyên con tại các vùng Phan Thiết, Tuy Phong và Hàm Tân thuộc Bình Thuận có độc tố Lipophilic. Cơ quan Chất lượng nam Bộ thuộc Cục đã hướng dẫn xử lý sau thu hoạch đối với các sản phẩm nhiễm thể theo quy hoạch.
Trước đó, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM, trong đợt kiểm tra an toàn thực phẩm những tháng đầu năm 2014, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều mẫu thịt có tồn dư kháng sinh vượt ngưỡng.
Cụ thể, khi lấy ngẫu nhiên 60 mẫu thịt (30 mẫu thịt heo, 30 mẫu thịt gia cầm) từ TP HCM và các tỉnh đem về giết mổ tại 2 cơ sở giết mổ lớn trên địa bàn thành phố, cơ quan chức năng phát hiện 13/30 mẫu thịt heo (tỉ lệ 43,33%) có nguồn gốc từ Bình Dương, Bến Tre, Bình Thuận, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và 1/30 mẫu thịt gia cầm (3,33%) có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt giới hạn cho phép.
Theo PGS-TS-DS Nguyễn Hữu Đức, Trường ĐH Y Dược TP HCM, việc dùng kháng sinh không phải để trị bệnh mà với mục đích thúc cho vật nuôi mau lớn là vấn đề nhức nhối trong chăn nuôi toàn cầu, không riêng đối với Việt Nam.
Đáng nói là việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi hết sức tùy tiện dẫn đến tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi. Người tiêu dùng ăn thịt này thì hấp thụ luôn kháng sinh nên rất có hại cho sức khỏe do dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh (lờn thuốc).
“Nguyên tắc sử dụng kháng sinh là phải đúng chỉ định (liều lượng, thời gian) thì mới giết được vi khuẩn sinh mầm bệnh nên khi kháng sinh được đưa vào cơ thể một cách tùy tiện thì không còn tác dụng giết chết vi khuẩn nữa. Người tiêu dùng sau này mắc các bệnh do nhóm vi khuẩn này gây ra mà sử dụng thuốc thông thường sẽ không có tác dụng” – ông Đức nói.
Đáng lo là thịt có tồn dư kháng sinh không dễ được nhận biết bằng mắt thường. Do đó, chỉ có cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi mới đủ công cụ để kiểm soát từ gốc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
Xem thêm video clip : Cam Trung Quốc giả mạo cam Hà Giang tràn ngập thị trường
2014-10-23 14:32:24