Profile image
Tác giả: ZeroEnergyVN
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Xã hội chủ nghĩa ư? Chẳng phải kiếm đâu xa. Hãy đến Israel và đi thăm các Kibbutz.
Thursday, October 2, 2014 17:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
0
KIBBUTZ – MÔ HÌNH LÀNG CỘNG ĐỒNG TRONG SỰ NGHIỆP KIẾN QUỐC CỦA ISRAEL
Trần Thị Thu Hương*
Gần một thế kỷ nay, nhiều học giả đã dày công luận giải tính khả thi của một mô hình xã hội trong đó mỗi thành viên được “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”. Thực tế, mô hình ấy đã tồn tại từ những năm đầu thế kỷ XX trong lòng dân tộc Do Thái, trên đất nước Israel. Mô hình xã hội ấy được thể hiện thu nhỏ trong hình thức làng cộng đồng có tên là Kibbutz theo tiếng Do Thái. Kibbutz là một cộng đồng nông thôn độc nhất vô nhị trên thế giới hiện vẫn còn tồn tại ở Israel, một hệ thống kinh tế xã hội dựa trên nguyên tắc sở hữu chung tài sản, bình đẳng và hợp tác trong mọi mặt của đời sống; thực hiện lý tưởng một xã hội công bằng.

 

B4INREMOTE-aHR0cDovLzEuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy1SR2FlRkIwVlFCTS9WQ3hDY2hNOEQ5SS9BQUFBQUFBQVJPWS8tYlVLS1JzajRKSS9zMTYwMC9LaWJidXR6LmpwZw==

Bài viết này sẽ làm rõ quá trình hình thành và phát triển Kibbutz tại Israel, cơ chế tổ chức hoạt động và những đánh giá về vai trò của nó trong sự nghiệp kiến quốc của đất nước Do Thái này cũng như triển vọng phát triển của Kibbutz trong tương lai.

1. Sự hình thành và phát triển của Kibbutz

 

Có lịch sử hơn 2 ngàn năm vong quốc, người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trong nhiều thế kỷ qua đều có chung nỗi khao khát, mong mỏi sẽ có một ngày trở lại quê hương – mảnh đất Israel. Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa Phục quốc Do Thái (Sionism) đã phát triển thành phong trào dân tộc với mục tiêu chống lại ách áp bức và ngược đãi người Do Thái khi đó vẫn đang tiếp diễn ở Đông Âu và sự giải phóng chỉ mang tính hình thức ở Tây Âu. Trong khi đó, việc phân biệt đối xử cũng như việc người dân Do Thái không có được cơ hội hòa nhập vào các xã hội ở các quốc gia mà họ sinh sống ở khắp nơi trên thế giới vẫn không hề chấm dứt. Tại Hội nghị Phục quốc Do Thái lần thứ nhất (diễn ra từ 29/8 đến 31/8/1897) do Theodor Herzl triệu tập và chủ trì tại Basel (Thụy Sĩ), phong trào Phục quốc Do Thái đã chính thức trở thành một tổ chức chính trị kêu gọi người Do Thái quay về mảnh đất Israel và khôi phục đời sống của dân tộc trên quê hương cha ông để lại.

Thủ tướng đầu tiên của nhà nước Do Thái – Ben Gurion là một người rất thực tế. Ông cho rằng công việc trước hết cần phải làm là có một khu đất định cư. Giữa bao lý thuyết về lập quốc, ông Ben Gurion cho rằng: Hàng ngàn bài diễn văn, hàng trăm đại hội bàn về các cách phục hưng đất nước cũng không bằng lập được một làng cộng đồng Kibbutz.
 

Những đợt hồi hương đã manh nha từ cuối thế kỷ thứ XIX, nhưng phải kể từ thập kỷ đầu của thế kỷ XX, một lớp người trẻ có học và đầy chí hướng mới đẩy mạnh kế hoạch lập làng Kibbutz kiếm đất để định cư. Được khích lệ bởi lý tưởng của chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, hàng ngàn người Do Thái đã bắt đầu tới mảnh đất này, khi đó còn ít người sinh sống và là một bộ phận bị lãng quên của Đế chế Ottoman. Những người tiên phong đã chinh phục đầm lầy, cải tạo đất hoang, phủ xanh đồi trọc, thành lập các ngành công nghiệp và xây dựng các đô thị, làng mạc.Kibbutz đầu tiên có tên là Degania, nằm ở phía tây nam của biển Galilee được lập ra vào năm 1909 nhưng cho tới những năm 1930 – 1940, không lâu trước khi nhà nước Israel ra đời vào năm 1948, hàng loạt các Kibbutz được thành lập. Những người sáng lập ra Kibbutz là những người Do Thái mang trong mình tư tưởng xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu. Họ quay về vùng đất mà ngày nay là đất nước Israel, từ bỏ chủ nghĩa tư bản, nỗ lực tạo ra một xã hội bình đẳng dựa trên các nguyên tắc của chủ nghĩa Mác – nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Kibbutz sơ khai là những nông trại cộng đồng, nghĩa là các nông dân cùng làm việc và phân chia tài sản thu được theo nguyên tắc bình quân. Khi Israel bước vào công nghiệp hóa đất nước vào những năm 1950 -1960, các nông trại này đã bắt nhịp với sự phát triển công nghiệp đi liền với nông Nghiệp. Một lượng lớn các sản phẩm nông nghiệp của Israel sản xuất tại các Kibbutz,song công nghiệp mới là thế mạnh của các Kibbutz. Sản phẩm từ các Kibbutz thời kỳ này chiếm tới 80% sản lượng công nghiệp (chủ yếu là công nghệ thực phẩm và máy móc thiết bị) và chiếm khoảng 20% sản lượng nông nghiệp toàn quốc gia. Trên thực tế, mức sống ở các Kibbutz đã cao hơn rất nhiều so với mức sống trung bình của người dân Israel trong nhiều năm.
Bảng 1: Dân số trong Kibbutz giai đoạn 1910 – 2000
 

Năm
Số lượng Kibbutz
 
Tổng số dân trong các Kibbutz (người)
1910
1
   
1920
12
 
805
1930
29
 
3.900
1940
82
 
26.550
1950
214
 
67.550
1960
229
 
77.950
1970
229
 
85.100
1980
255
 
111.200
1990
270
 
125.100
2000
268
 
117.300

Nguồn: Amnon Rubinstein (2007), Return of the Kibbutzim, Jerusalem Post, July 10.
[next]

Không những thế, dân số tại các Kibbutz cũng tăng lên rất nhanh kể từ khi chúng được thành lập. Số dân trong Kibbutz bùng nổ từ năm 1950. Lượng dân cư của Kibbutz tăng lên từ năm 1950 cho tới năm 1990, nhưng quãng thời gian sau đó, con số này giảm đi đáng kể. Lý giải cho điều này có thể là do những thế hệ đầu tiên tham gia Kibbutz là những đợt người nhập cư thứ 2 và thứ 3 của người Do Thái từ khắp nơi trên thế giới ồ ạt trở về quê hương diễn ra trong hai quãng thời gian từ 1904-1914 và 1919-1923. Kể từ đó trở lại đây, nguồn chính để tăng dân số của Kibbutz là những người được sinh ra và lớn lên trong các Kibbutz của mình và những thành viên mới ngoài Kibbutz có ý muốn gia nhập. 
Tính đến năm 2013, có tới hơn 273 Kibbutz nằm rải rác khắp đất nước Israel với số dân lên tới gần 152,9 ngàn người1. Doanh thu từ các Kibbutz vượt quá 32 tỷ (Shekel NIS), với hơn 70% là từ sản lượng của 350 nhà máy sản xuất và các tập đoàn công nghiệp, xuất khẩu vượt 12 tỷ NIS2. Các cơ quan dịch vụ dành cho cộng đồng được thiết lập. Ngôn ngữ Hebrew, trước kia chỉ được dùng hạn chế trong nghi lễ tôn giáo và văn học nay đã được hồi sinh, được coi là ngôn ngữ của cuộc sống thường nhật. 
2. Cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của Kibbutz 
a. Cơ cấu tổ chức 
Đại diện cao nhất của tất cả các Kibbutz trên cả nước là một tổ chức có tên là Cơ quan điều hành (KibbutzThe Kibbutz Movement). Cơ quan này là trụ sở trung ương, đại diện cho tất cả các Kibbutz trong việc giải quyết với chính phủ và chính quyền địa phương mọi vấn đề của các Kibbutz thông qua các bộ phận thuộc cơ quan và các phòng ban hành chính. 
Các hoạt động của Cơ quan điều hành Kibbutz hướng tới tăng cường sức mạnh của các Kibbutz ở mọi miền khác nhau và phát triển các cộng đồng Kibbutz cả về kinh tế, xã hội và tư tưởng, trong đó tập trung vào vấn đề phúc lợi xã hội, đảm bảo tương lai của các thành viên và tăng trưởng dân số cho cộng đồng. Tăng trưởng dân số thậm chí còn là một trong những ưu tiên hàng đầu, gắn liền với phương châm một cộng đồng mạnh là một cộng đồng phát triển hài hòa mọi mặt giáo dục, văn hóa, phúc lợi xã hội và đảm bảo được tính liên kết chặt chẽ, hiệu quả. 
Cơ quan điều hành Kibbutz gồm Tổng thư ký, Giám đốc điều hành, các phòng và các ban. Đứng đầu là Ban quản lý có trách nhiệm đề ra kế hoạch phát triển Kibbutz, đại diện cho lợi ích của các Kibbutz trên toàn quốc về các vấn đề cấp quốc gia; đồng thời làm việc với từng Kibbutz về các vấn đề cơ bản, theo sát hoạt động của các phòng ban và đưa ra nội dung cho các cuộc họp lãnh đạo Kibbutz. Mỗi lãnh đạo của một Kibbutz là một đại biểu nói lên tiếng nói cho Kibbutz của mình, thực chất những cuộc họp của Kibbutz giống như cuộc họp Quốc hội của một nhà nước bất kỳ. Cơ quan điều hành Kibbutz có đầy đủ các phòng, ban phụ trách mọi mặt của đời sống, gồm các ban như Ban Kinh tế, Ban Điều phối khu vực và Ban Công tác quốc gia, Ban Hợp tác xã, Ban Tăng trưởng nhân khẩu, Ban Y tế và Phúc lợi, Ban An ninh Kibbutz và các phòng như Phòng Giáo dục, Phòng Nhân sự, Phòng Pháp chế, Phòng Phát triển cá nhân, Phòng Xúc tiến sự tiến bộ của phụ nữ, Phòng Văn hóa và Phòng Phụ trách các tình nguyện viên đến từ nước ngoài. 
Ở cấp độ từng Kibbutz, việc hoạch định và đưa ra chính sách, bầu cán bộ, ủy quyền quản lý ngân sách của Kibbutz hay phê duyệt thành viên mới đều phải thông qua đại hội của tất cả các thành viên. Đại hội này không chỉ là nơi đưa ra các quyết định mà còn là một diễn đàn để các thành viên có thể bày tỏ ý kiến và quan điểm của họ. Những vấn đề xảy ra thường nhật như nhà ở, tài chính, kế hoạch sản xuất, y tế, và văn hóa được các ủy ban dân bầu xử lý. Mỗi ủy ban đó bao gồm người đứng đầu Kibbutz, các thư ký, thủ quỹ, các điều phối viên phụ trách từng lĩnh vực cụ thể trong đời sống của Kibbutz và những nhân viên hỗ trợ khác.
Có thể nói, cơ cấu tổ chức của hệ thống Kibbutz chính là mô hình tổ chức của một nhà nước thu nhỏ theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác. Tính chặt chẽ trong cơ cấu tổ chức giúp cho mô hình này tồn tại và phát triển thịnh vượng trong suốt hơn một thế kỷ qua dù cũng có những giai đoạn thăng trầm.
b. Phương thức tổ chức hoạt động của Kibbutz
Kibbutz là cộng đồng hợp tác chủ yếu về nông nghiệp. Tài sản như đất đai, nhà cửa và trang thiết bị, nhà máy và các công cụ đều thuộc sở hữu của Kibbutz, tức là thuộc sở hữu chung của cả cộng đồng. Không có tài sản tư nhân vì khi gia nhập Kibbutz các thành viên chuyển tất cả tài sản của họ cho cộng đồng. Các Kibbutz đáp ứng tất cả các nhu cầu của các thành viên và gia đình của họ thông qua việc tổ chức một mạng lưới các dịch vụ như các nhà ăn cộng đồng, các tổ giặt ủi chuyên trách, các dịch vụ và cơ sở vật chất khác. Toàn bộ lương của các thành viên đều được nộp tất cả cho Kibbutz để góp cho các hoạt động chung, bất kể thành viên đó làm việc tại Kibbutz hay có công việc bên ngoài, họ là giám đốc hay thợ giặt là. Mỗi thành viên của Kibbutz đều được chăm sóc tất cả mọi mặt từ khi ra đời. Kibbutz sẽ lo hết cho các nhu cầu của cộng đồng, từ ăn mặc đến đi lại.
B4INREMOTE-aHR0cDovLzMuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy02TjhqQmN0TDdVZy9WQ3k2Q1dUQ1F2SS9BQUFBQUFBQVJPNC9wMDZEdy1xMmV1US9zMTYwMC9LaWJidXR6JTJCTWFzaGFiYmUlMkJTYWRlLmpwZw==
Bếp ăn tập thể ở giữa làng Kibbutz Mashabbe Sade 
Nguồn: http://itrade.gov.il 
Về đi lại, ai cần đi xa có thể lấy ô tô của Kibbutz, đổ xăng miễn phí rồi đi. Các xã viên Kibbutz không cần phải mua xe ôtô riêng. Mỗi Kibbutz đã mua khoảng 60 ôtô con các loại để tại một bãi xe có người trông coi. Nếu xã viên nào cần dùng xe, chỉ việc vào website của Kibbutz rồi tìm chọn những xe nào còn rỗi thì tới bãi xe lấy chìa khoá ôtô mình cần để dùng theo nhu cầu. Xăng xe, phí sửa chữa và các chi phí khác cho xe do Kibbutz chịu trách nhiệm. Trường hợp cần xe lớn hơn những chiếc xe có sẵn, xã viên có thể yêu cầu ban quản lý xe đi thuê theo yêu cầu của mình, Kibbutz sẽ thanh toán khoản tiền thuê đó.
Về ăn uống, nhà ăn tập thể cung cấp ngày hai bữa sáng và trưa cho tất cả các thành viên. Riêng bữa tối, các gia đình tổ chức ăn ở nhà để gắn bó tình cảm giữa các thành viên trong gia đình mình. Nhà ăn được tổ chức hiện đại và sang trọng với đầy đủ các món ăn, bao gồm cả các món ăn cao cấp, không khác mấy so với các phòng ăn ở khách sạn hạng sang. Sau khi ăn xong, mỗi người tự mang bát đĩa, khay, thìa, dĩa đến những chỗ qui định để cho “tổ bếp núc” rửa.
[next]
Về giặt là, trong tất cả các Kibbutz, việc giặt quần áo cho gia đình các xã viên do một tổ chuyên phục vụ giặt giũ đảm nhiệm. Tất nhiên, công việc này được làm bằng máy từ khâu giặt đến sấy khô. Chỉ mỗi khâu phân loại là phải do công nhân thực hiện bằng tay. Tại các Kibbutz, mỗi gia đình đăng ký một số thứ tự. Số này sẽ in lên phía trong quần áo của các thành viên gia đình mình. Các gia đình chỉ việc bỏ quần áo bẩn vào một thùng đựng quần áo có đánh số của gia đình. Tổ giặt giũ của Kibbutz sẽ có trách nhiệm thu gom chúng vào các ngày nhất định trong tuần. Sau khi phân loại các loại quần áo được giặt riêng theo màu sắc, chất liệu nhằm tránh hư hỏng rồi đưa sang máy sấy khô. Tiếp theo, quần áo của gia đình nào được trả về số thùng quần áo sạch dành cho gia đình đó vào các ngày còn lại trong tuần.
B4INREMOTE-aHR0cDovLzIuYnAuYmxvZ3Nwb3QuY29tLy0zU1JITXh6NHdJdy9WQ3k2WWJTbVA3SS9BQUFBQUFBQVJQQS9Kbmh0cWQweWhLYy9zMTYwMC9OaCVDMyVBMCUyQiVFMSVCQiU5RiUyQmMlRTElQkIlQTdhJTJCeCVDMyVBMyUyQnZpJUMzJUFBbiUyQktpYmJ1dHolMkIuanBn
Nhà ở của xã viên Kibbutz Mashabbe Sade 
Về nhà cửa, Kibbutz xây dựng và cấp miễn phí nhà ở cho các gia đình xã viên. Khi cần xây dựng mở rộng và cải tạo nhà theo ý mình, chủ nhà trao đổi với ban quản trị, sẽ có đội xây dựng đến thực hiện theo yêu cầu của chủ nhà, Kibbutz thanh toán chi phí. Kibbutz cấp miễn phí hoặc trả toàn bộ tiền điện, nước, gas cho các gia đình xã viên. Mỗi căn nhà giống như một biệt thự cao cấp, đầy đủ tiện nghi theo nhu cầu của chủ nhà. 
Về giáo dục, trong thời kỳ đầu khi Kibbutz mới thành lập, trẻ em của các hộ gia đình được tập trung lại để giáo dục theo lối giáo dục sớm của người Do Thái. Chúng có thể về với cha mẹ vào những buổi chiều hay những ngày cuối tuần. Sau này, trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ tình cảm gia đình bền chặt, nhiều Kibbutz đã để trẻ nhỏ ngủ tại nhà với cha mẹ cho tới tuổi đi học. Ở mẫu giáo, trẻ em được các bảo mẫu chăm sóc và giáo dục chu đáo tại nhà trẻ tập trung. Khi đến cấp học cao hơn, các trẻ được chỉ định làm việc phù hợp với khả năng: Nhỏ làm những việc đơn giản, vừa sức; lớn hơn phải làm một số việc trong Kibbutz và ở cấp trung học, mỗi tuần chúng phải dành một ngày làm một công việc trong một ngành nào đó của nền kinh tế Kibbutz. Ngoài ra, Kibbutz còn có sự hỗ trợ nhất định cho những trẻ em có tài năng nổi trội cần một môi trường đặc biệt để phát triển. 
Phương thức hoạt động tại các Kibbutz thực sự đem lại cuộc sống thoải mái cho thành viên. Được hỗ trợ từ cộng đồng, các Kibbutz đã hình thành và phát triển ngày càng thịnh vượng. Tuy nhiên, hiện phần lớn các Kibbutz đã được tư hữu hóa và không còn duy trì mô hình sản xuất cộng đồng như thuở mới thành lập. 
3. Vai trò của Kibbutz trong sự phát triển kinh tế-xã hội Israel 
Kibbutz có một vị trí đặc biệt trong việc xây dựng và phát triển Nhà nước Israel. Các Kibbutz đóng vai trò chủ đạo trong các quyết định mang tính quốc gia, thậm chí là cả trước khi nhà nước Israel ra đời trong các lĩnh vực như: định hướng tư tưởng cho thanh niên, hỗ trợ những người mới nhập cư mới. Đáng chú ý nhất là việc một số lượng lớn những người dân Kibbutz đã và đang phục vụ trong các ngành khác nhau trong lực lượng quốc phòng Israel kể từ khi thành lập Nhà nước với một tỷ lệ phần trăm lính tình nguyện cao, phục vụ trong các đơn vị quân sự có uy tín. Các Kibbutz cũng đã rất xuất sắc trong sáng tạo, đổi mới, kết hợp văn hóa truyền thống của người Do Thái với những yếu tố mới giúp thăng hoa những điểm độc đáo và danh tiếng của đất nước Israel.(3)
Trong lịch sử, vai trò của Kibbutz chưa bao giờ bị lu mờ. Sự đối đầu của các nước Arab tăng lên sau tuyên bố Balfour và khi làn sóng người định cư Do Thái đến Palestine bắt đầu làm ảnh hưởng đến cơ cấu dân số trong khu vực. Đến cuối những năm 1930, cuộc chiến giữa thế giới Arab và người Do Thái càng trở nên khốc liệt. Trong hoàn cảnh đó, các Kibbutz bắt đầu thể hiện vai trò quân sự quan trọng của mình. Họ trở thành những người lính kiên cường trong lực lượng quốc phòng Israel. 
Các Kibbutz cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xác định đường biên giới của nhà nước Do Thái. Cho tới cuối những năm 1930, khi vùng đất Palestin thực sự được phân chia giữa những người Arab và người Do Thái, các Kibbutz đã được thành lập ở những vùng xa xôi để chắc chắn rằng vùng đất đó sẽ thuộc sở hữu của nhà nước Do Thái. Vào năm 1946, ngay sau ngày Yom Kippur (ngày Chuộc tội – là ngày thiêng liêng nhất trong năm của người Do Thái), có tới 11 Kibbutz nhanh chóng được dựng lên ở phía Bắc vùng Negev, giúp Israel khẳng định chủ quyền tại vùng đất này. (4)
[next]
Vào năm 1948, trong cuộc chiến tranh Arab – Israel, những người dân Kibbutz cũng đã chiến đấu rất kiên cường. Thành viên của Kibbutz Degania có vai trò đắc lực trong việc ngăn các xe tăng của Syria tiến vào Galilee với những quả bom xăng tự chế. Nhà máy sản xuất đạn dược bí mật Maagan Michael đã sản xuất đạn cho loại súng Sten giúp Israel giành chiến thắng trong chiến tranh. Nhà máy này sau đó đã được tách ra khỏi Kibbutz và phát triển thành ngành công nghiệp quốc phòng Israel – TAAS (Israel Military Industries). 
Kibbutz cũng đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong bộ máy quốc phòng Israel. Trong những năm 1950 – 1960, rất nhiều các Kibbutz được các lực lượng quốc phòng có tên là Nahal thành lập. Không ít trong số đó nằm trong vùng biên giới còn chưa ổn định của quốc gia. Trong cuộc chiến Sáu Ngày, khi Israel thiệt hại 800 quân nhân thì 200 trong số đó là các thành viên của Kibbutz. Những đặc ân đặc lợi mà các thành viên Kibbutz được hưởng trong những năm 1960 phản ánh rõ trong thành phần cơ cấu Quốc hội Israel (The Knesset). Khi đó, chỉ 4% dân số Israel là người thuộc các Kibbutz nhưng có tới 15% số ghế Quốc hội thuộc về họ. 
Trong quá trình xây dựng đất nước hậu chiến tranh, từ cuối những năm 1970, Kibbutz dường như phát triển mạnh về mọi mặt và có những đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội quốc gia. 
Trong buổi đầu sơ khai của Kibbutz, nông nghiệp được coi là nền kinh tế chủ lực. Ngày nay, các Kibbutz đã đa dạng hóa các ngành sản xuất của mình, mở rộng cơ sở sang các ngành công nghiệp và dịch vụ khác nhau. Mặc dù chỉ với số dân chiếm hơn 2% dân số Israel (trong 273 Kibbutz) nhưng đóng góp của người dân Kibbutz cho nền sản xuất trong nước lại vượt xa tỉ lệ này bởi vì họ đã tạo ra khoảng 38% sản phẩm nông nghiệp và sản xuất khoảng 8,4% sản lượng công nghiệp (không kể đến kim cương)5. Các cơ sở du lịch, các nhà kho nhà máy, các nơi giao dịch bán hàng gần đây trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế Kibbutz cũng như nền kinh tế quốc gia. 
4. Đánh giá triển vọng của Kibbutz 
Ellis Shuman đã đánh giá, Kibbutz chính “là ví dụ thành công nhất thế giới về lối sống xã hội chủ nghĩa, một điều gần như không tưởng của nền dân chủ và chủ nghĩa quân bình”6. Hơn một thế kỷ đã qua, Kibbutz vẫn tiếp tục tồn tại sau những thăng trầm của lịch sử. Tuy nhiên, người dân Kibbutz cũng như những người ngoài Kibbutz đã đặt ra nhiều câu hỏi về tương lai của mô hình xã hội có một không hai trên thế giới này, đặc biệt là từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng vào những năm 1980 và những thay đổi sâu rộng về mặt thế chế vào những năm 1990. 
Về mặt kinh tế, trong những thời điểm khủng hoảng kể trên, đa số các Kibbutz đều phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế cũng như sự suy giảm về nhân khẩu. Số người dời bỏ Kibbutz ngày càng nhiều hơn số người gia nhập. Cho đến đầu thế kỷ XX, một kế hoạch phục hồi tài chính toàn diện mới được thực hiện nhằm giải quyết những khoản nợ khổng lồ của rất nhiều Kibbutz. Thiểu số các Kibbutz còn lại vẫn tiếp tục phát triển mạnh cả về kinh tế lẫn số lượng nhân khẩu. Sự bất bình đẳng giữa các cộng đồng Kibbutz hiện tại ngày càng sâu sắc hơn so với trước đây. Điều này cũng dẫn tới việc vai trò lãnh đạo của các ủy ban liên Kibbutz bị suy giảm, trong khi trước đây các tổ chức này là nhân tố chủ chốt giúp cộng đồng Kibbutz liên kết chặt chẽ và phát triển mạnh mẽ. 
Tương lai của Kibbutz còn liên quan tới những thay đổi về mặt thể chế. Bàn về cải cách nhằm đem lại sự thịnh vượng trước đây của Kibbuz, người ta đưa ra hai xu hướng. 
Một là hướng tới sự chuyển dịch sâu rộng trong việc áp dụng cơ chế thị trường và nguyên tắc thứ bậc trong các Kibbutz. Theo đó, người ta sẽ tăng cường hiệu quả kinh tế của Kibbutz, thúc đẩy quyền tự chủ của các thành viên và thu hút được các thành viên mới từ bên ngoài Kibbutz. Ngược lại là xu hướng kết hợp giữa cả các nguyên tắc truyền thống của cộng đồng Kibbutz và các nguyên tắc mới, đối nghịch theo cơ chế thị trường và sự phân biệt thứ bậc. Mâu thuẫn trong cách cải tổ cơ chế và nguyên tắc hoạt động hiện vẫn tồn tại trong cộng đồng Kibbutz và nhu cầu lựa chọn một cách thức hoạt động thống nhất ngày càng được đề cao. 
Hiện Kibbutz cũng đang tìm cách đối mặt với những thách thức của cuộc sống hiện đại trong thời đại công nghệ, đồng thời vẫn đang cố duy trì cơ chế bình đẳng ban đầu của mình. Các hoạt động truyền thống của Kibbutz trước đây thể hiện ở nguyên tắc quân bình còn duy trì ở một số ít các Kibbutz. Thành viên của Kibbutz có nhu cầu kết nối nhiều hơn với thế giới bên ngoài cũng như có nhiều nhu cầu hơn về tư hữu tài sản. Vì thế, mọi điều chỉnh lúc này đều cần đến những thay đổi to lớn. Một số người lo ngại rằng những thay đổi đó đang khiến Kibbutz đi quá xa so với các nguyên tắc và giá trị ban đầu; trong khi đó một số khác tin rằng khả năng thích nghi và thỏa hiệp chính là chìa khóa cho sự tồn tại của Kibbutz. Dù có cải tổ thế nào thì Kibbutz cũng cần giải quyết được hai vấn đề lớn đang gặp phải về mặt kinh tế và phương thức hoạt động. Nói rõ hơn, cần phải có một sự bứt phá để có được một nền kinh tế phát triển ổn định, thịnh vượng và một thể chế chặt chẽ với các nguyên tắc hoạt động thống nhất, đồng thuận hợp với lòng dân. 
Chú thích: 
1 Bảng 1, Báo cáo số liệu về phân bố dân cư Israel, năm 2014 của Tổng cục thống kê Israel, đăng tải trên trang http://cbs.gov.il
2 http://www.kibbutz.org.il; NIS (shekel) – đồng tiền Israel (1 shekel ≈ 0.29 USD) Tỷ giá ngày 24/5/2014 
3 Phân tích này dựa trên đánh giá của Bộ ngoại giao Israel trong cuốn Facts about Israel do Nhà in Chính phủ Israel phát hành năm 2010 và của Michal Palgi & Shulamit Reinharz trong cuốn One Hundred Years of Kibbutz Life: A Century of Crises and Reinvention xuất bản năm 2013. 
4 Michal Palgi & Shulamit Reinharz, One Hundred Years of Kibbutz Life: A Century of Crises and Reinvention, Transaction Publishers, 2013. 
5 Cục thống kê Trung ương Israel, năm 2006 
6 Ellis Shuman, The Virtual Kibbutz, iUniverse Inc Publisher, 2012 
Tài liệu tham khảo 
1. Dan Leon (1969), The Kibbutz: A New Way of Life (The Commonwealth and international library, Pergamon Press Inc 
2. Ellis Shuman (2012), The Virtual Kibbutz, Universe Inc 
3. Israel Central Bureau of Statistics (2014), 
Statistical abstract of Israel 2013. 
4. Israel Ministry of Foreign Affairs (2010), 
Facts about Israel, Israel government printer 
5. Michal Palgi & Shulamit Reinharz (2013), One Hundred Years of Kibbutz Life: A Century of Crises and Reinvention, Transaction Publishers (News Brunswick (U.S.A) & London(U.K) 
6. Nguyễn Đại Phượng, Kibbutz – Mô hình kinh tế “made in Israel”, Báo Tiền phong online, đăng tải ngày 6/16/2005 
7. Amnon Rubinstein, Return of the Kibbutzim, Jerusalem Post, July 10, 2007 
8. Deborah Hart Strober & Gerald strober (2008), Israel at sixty – an oral history of a nation reborn, Turner Publishing Company 
9. Amitai Etzioni (1980), The organizational structure of the kibbutz, Arno Press
Tạp chí nghiên cứu CHÂU PHI & TRUNG ĐÔNG số 07 (107) tháng 7/2014
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us

BÌNH LUẬN

Lời bình của bạn
Question   Razz  Sad   Evil  Exclaim  Smile  Redface  Biggrin  Surprised  Eek   Confused   Cool  LOL   Mad   Twisted  Rolleyes   Wink  Idea  Arrow  Neutral  Cry   Mr. Green

Total 1 comment
  • b

    Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Không làm mà hưởng> Bị hoang tưởng. Cái lý thuyết cộng sản chỉ là thứ có thể đi lừa những thằng lưu manh muốn ăn bám thôi.

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story
Share This Story:
Print this story
Email this story
Digg
Reddit
StumbleUpon
Share on Tumblr
GET ALERTS:

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.