Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Bà Thủy cho biết, sẽ cân nhắc lại việc tất toán và sẵn sàng chuyển nhượng lại cuốn sổ cho những ai có nhu cầu sở hữu nó.
Sau khi VietinBank thông báo số tiền gốc và lãi khoản tiền gửi tiết kiệm gần 30 năm của bà Lê Thị Bích Thủy là 4.385 đồng, dù giá trị ban đầu tương đương 2 chỉ vàng, đã có hàng ngàn ý kiến bạn đọc chia sẻ với chủ nhân cuốn sổ tiết kiệm trên.
Một số ý kiến cho rằng, ngân hàng đã làm đúng trách nhiệm khi đã lục lại dữ liệu và tính cả gốc lẫn lãi quyển sổ tiết kiệm có thời gian hơn 30 năm của bà Thủy.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, số tiền nhận lại quá ít ỏi và đề nghị bà Thủy nên bán đấu giá hoặc chuyển nhượng cho những người muốn sở hữu nó với giá cao hơn chứ không nên đem đi tất toán.
Hai cuốn sổ tiết kiệm từ năm 1983 của bà Lê Thị Bích Thủy – Ảnh: T.T.D.
Bạn đọc Khánh Hòa (hoank90@…) cho biết, sẵn sàng mua cuốn sổ với giá gấp 1.000 lần tương đương 4.385.000 đồng. Bạn đọc Nguyễn Phúc (banqlda.licogi19@…) cũng muốn có cuốn sổ tiết kiệm này để bổ sung bộ sưu tập kỷ vật thời bao cấp của mình. Không nói mức giá cụ thể nhưng bạn đọc Dương Thanh Hiền (ngocbichspano2@…) nói sẵn sàng mua với một “giá đẹp”.
Tất cả ý kiến đều cảm thông với số tiền bà Thủy nhận được. Trước thông tin trên, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 28/11, bà Thủy cho biết sẽ cân nhắc lại việc tất toán và sẵn sàng chuyển nhượng lại cuốn sổ cho những ai có nhu cầu sở hữu nó.
Trong khi đó, không ít bạn đọc cho biết, trong gia đình cũng đang giữ những cuốn sổ tiết kiệm có thời gian gửi lâu năm hoặc công trái chính phủ, nhưng không biết liệu có được ngân hàng xử lý.
Chị Võ Thị Thanh Tùng (tung9902993@…) cho biết: “Ngày 22/8/1990, mẹ tôi (nay đã mất) có gửi 10.000 đồng vào Hợp tác xã tín dụng Tân Định, Q.1 (thuộc Ngân hàng Nhà nước VN khu vực 1). Bây giờ tôi có được nhận số tiền này, và có được tính lãi suất theo thời gian hay không? Nếu được nhận, chúng tôi sẽ liên hệ ngân hàng nào?”.
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Minh – phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM – cho biết từ năm 1988 trở đi, những hồ sơ của khách hàng ở quỹ tiết kiệm thuộc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh cấp quận thì được bàn giao sang VietinBank, nếu khoản tiền gửi ở cấp huyện thì giao Agribank xử lý.
Chẳng hạn trường hợp của bà Thủy, khoản tiền gửi ở Quỹ tiết kiệm chi nhánh Bà Chiểu nên được giao VietinBank. Người dân gửi tiền ở đâu thì liên hệ trực tiếp ngân hàng đó để tra cứu, tất toán sổ tiền gửi một cách thuận lợi.
Theo Tuổi Trẻ
Theo : tuoitre.vn
2014-11-29 18:08:28
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/co-nguoi-muon-mua-gap-1000-lan-tien-ngan-hang-tra-ba-thuy-a164489.html