Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Cho tới thời điểm hiện tại thì việc giảm giá xăng dầu chỉ mới dừng lại ở việc có lợi cho người mua xăng trực tiếp và lợi nhiều nhất là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cụ thể là Petrolimex.
Cao gấp đôi Singapore
Tin tức trên báo Tiền Phong, từ khi Nghị định 83 có hiệu lực (1/11/2014) đến nay, giá xăng dầu trong nước chỉ được điều chỉnh giảm nhỏ giọt và mức giá hiện nay vẫn cao hơn nhiều so với các nước.
Hiện, giá xăng RON 92 theo niêm yết của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có giá 20.250 đồng/lít (khu vực 1). Trong khi đó, theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, giá xăng dầu tại Mỹ, thị trường tiêu thụ xăng dầu lớn nhất thế giới, đang ở mức trung bình 2,74 USD cho mỗi gallon (khoảng 3,78 lít). Tức mỗi lít xăng tại Mỹ có giá 0,72 USD. Đem nhân với giá USD chuyển khoản Vietcombank công bố ngày 4/12 là 21.340, giá xăng bán lẻ tại Mỹ đang vào khoảng 15.468 đồng/lít.
Thậm chí, trang CNN Money còn đưa tin có cây xăng tại Mỹ đã giảm xuống dưới 2 USD/gallon. Trong khi đó, theo đánh giá của trang GasBuddy.com, khả năng nhiều cây xăng khác trên toàn nước Mỹ sẽ sớm giảm giá theo xu hướng này trong hai ngày cuối tuần sắp tới. Tức dự báo giá xăng tại Mỹ sẽ giảm còn khoảng 11.291 đồng/lít vào cuối tuần.
Tại Singapore, thị trường cung cấp phần lớn xăng dầu nhập khẩu của Việt Nam, cũng đang có giá xăng là 2,34 SGD/gallon, nhân giá SGD là 16.157 như niêm yết của Vietcombank ngày 4/12, giá xăng tại quốc đảo này đang rơi vào khoảng 10.000 đồng/lít. Như vậy, so với Việt Nam, giá xăng tại Singapore thấp hơn nửa.
Tại Indonesia, vốn được cơ quan quản lý nhà nước can thiệp vào giá xăng để bình ổn thị trường (khá tương đồng như ở Việt Nam), giá xăng cũng đã giảm còn 18.000 đồng/lít.
Có luồng ý kiến cho rằng, giá dầu thô thế giới đang xuống bằng với mức giá của năm 2010, nên giá xăng dầu thành phẩm cũng phải xuống theo mức 4 năm trước. Tức giá xăng dầu trong nước thay vì mức trên 20.000 đồng/lít như hiện tại, phải giảm xuống còn khoảng 16.000 đồng/lít như thời điểm cuối năm 2010.
Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo Bộ Tài chính, khó có thể so sánh theo kiểu mốc thời gian như vậy. Theo lý giải, tình hình kinh tế xã hội thời điểm này khác với thời điểm cách đây 4 năm. Ngoài ra, giá xăng dầu vào thời điểm hiện tại cũng chịu thuế cao hơn trước đây, thậm chí còn chịu thêm loại thuế mới là thuế môi trường.
Người tiêu dùng tiếp tục bị thiệt thòi do giá xăng dầu trong nước vẫn cao so với thế giới.( Ảnh minh họa).
Đồng quan điểm không thể so sánh giá theo mốc thời gian như vậy, nhưng chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long vẫn khẳng định giá xăng dầu phải tiếp tục giảm thêm nhiều nữa mới hợp lý. Theo ông Long, Việt Nam nhập khẩu xăng dầu phải chịu thêm các loại thuế mới, hay như tỷ giá ngoại tệ bây giờ cũng cao hơn nhiều so với 4 năm trước.
Tuy nhiên, ông Long lật ngược lại vấn đề rằng, các quy định của cơ quan nhà nước liên quan đến quản lý kinh doanh xăng dầu (Nghị định 83 của Chính phủ, Thông tư liên tịch 39 của liên Bộ Công Thương- Tài chính) đều muốn hướng đến mục tiêu điều hành diễn biến giá xăng dầu hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng thực tế không phản ánh đúng thị trường. “Thị trường ở đây là giá xăng dầu thế giới. Hãy lấy giá xăng dầu thế giới để soi vào mới biết giá xăng dầu trong nước có hoạt động theo thị trường hay không”, ông Long nói.
Ai được lợi và lợi thế nào?
Thông tin trên báo Đất Việt, trước tiên phải thừa nhận, giá xăng dầu tại Việt Nam thời gian qua cũng liên tiếp giảm, giảm tới 10 lần, tổng cộng giảm hơn 5.390 đồng/lít, tương đương hơn 20%. Đầu tiên theo ông Sơn là có lợi, người mua xăng có được lợi do mua xăng giá rẻ hơn trước.
Nhưng ở Việt Nam, chi phí xăng dầu đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế (chiếm tới 40% – 50% chi phí sản xuất, 10-15% chi phí giá thành sản phẩm hàng hóa).
Nhưng thực tế thời gian qua do cước phí vận tải không giảm dẫn tới chi phí vận tải không giảm. Việc giá cước vận tải không giảm gây ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng tiêu dùng khác bởi trong cơ cấu giá bán các mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng hàng ngày đều được các nhà sản xuất, nhà phân phối hạch toán giá cước vận chuyển vào chi phí bán hàng.
Do đó việc giảm giá xăng dầu nhưng chi phí vận tải không giảm gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, sản xuất của mỗi doanh nghiệp. Tức là, ngay cả người tiêu dùng vẫn phải mua hàng giá cao, gánh thêm phần chi phí trả cho cước vận chuyển.
Chính những bất cập đó khiến người tiêu dùng chưa được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng dầu.
Trước mắt có thể thấy người tiêu dùng có thể được lợi một chút, được mua xăng giá rẻ hơn, túi tiền tiết kiệm hơn. Nền kinh tế có thể dành được một phần chi phí đưa vào tiêu dùng chứ không phải để mua xăng. Ở góc độ này có thể nói người tiêu dùng đang được lợi.
Nhưng nhìn rộng ra, giá xăng dầu giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm, hàng hóa không giảm tức là sản xuất kém, không có khả năng kích thích nền kinh tế phát triển, chưa tạo ra sức lan tỏa với nền kinh tế. Nghĩa là nền kinh tế đang gặp phải bất lợi.
Cũng giống như đất đai, bất động sản, do quản lý kém nên chi phí đất đai bị đẩy giá lên mức cao quá mức, phí bôi trơn nhiều tất cả đều được tính vào giá nhà đó là lý do vì sao người dân nghèo mà vẫn phải chịu nhà giá cao.
Trên báo Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, lỗi ở đây chính là từ cơ quan quản lý. Mong muốn của Chính phủ và hai cơ quan phối hợp Bộ Công Thương và Tài chính điều hành thị trường xăng dầu lần lượt thông qua Nghị định 83 và Thông tư liên tịch số 39 xem ra không sát với thực tế. Theo ông Long, việc điều hành hiện tại để lại hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế.
Cho tới thời điểm hiện tại thì việc giảm giá xăng dầu chỉ mới dừng lại ở việc có lợi cho người mua xăng trực tiếp và lợi nhiều nhất là doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cụ thể là Petrolimex.
Vậy làm sao để người tiêu dùng và nền kinh tế có được lợi trực tiếp từ việc giảm giá xăng dầu?
Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn cho rằng, để nền kinh tế và người tiêu dùng có lợi thì kinh doanh xăng dầu phải theo hướng cạnh tranh. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay điều này gần như là không tưởng.
Theo vị chuyên gia này, hiện nay việc kinh doanh xăng dầu Petrolimex đang nắm quyền kiểm soát tới 70-80% thị trường nên việc áp giá thế nào, tăng giảm ra sao họ hoàn toàn nắm quyền chủ động, chi phối.
Ngọc Anh (Tổng hợp)
2014-12-04 18:08:17