Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đã tiến hành thanh tra tại siêu thị Metro Thăng Long và phát hiện siêu thị này bán mực ống cho nhiễm khuẩn gây tiêu chảy cho người sử dụng.
Theo đó, ngày 2/02/2015, đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia đã tiến hành thanh tra tại Trung tâm Metro Cash & Carry Thăng Long, Hà Nội (gọi tắt là Metro Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) lấy 2 mẫu sản phẩm để kiểm nghiệm.
Kết quả từ Viện Kiểm nghiệm ATVSTP quốc gia cho thấy mẫu sản phẩm mực ống nguyên con làm sạch của Công ty TNHH Hải Nam (địa chỉ số 27 Nguyễn thông, phường Phú Hải, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận), NSX: 13/9/2014; HSD: 12 tháng kể từ ngày sản xuất có nhiễm vi khuẩn Salmonela.
Vi khuẩn Salmonella là nguyên nhân thường gây ra các rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng quặn, tiêu chảy, sốt, buồn nôn và đôi lúc nôn mửa. Có thể mất đến ba ngày mới thấy các triệu chứng, nhưng thông thường các triệu bắt đầu từ 12 đến 72 giờ sau khi vi khuẩn được nuốt vào. Phần lớn mọi người sẽ hồi phục sau 4-7 ngày và không cần điều trị ngoài phương pháp tăng cường cung cấp chất lỏng. Trường hợp nghiêm trọng, có thể dẫn đến tử vong, thường rơi vào trẻ nhỏ, người già, người có hệ miễn dịch yếu.
Ngay sau khi nhận được kết quả kiểm nghiệm mẫu không đạt, ngày 12/02/2015 Thanh tra Bộ Y tế đã thông báo cho Trung tâm Metro Thăng Long biết, yêu cầu tạm dừng việc lưu thông lô hàng hoá nói trên và liên hệ với nhà cung cấp để thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục, sửa chữa.
Vi khuẩn Salmonella trong mực ông bán tại siêu thị Metro Thăng Long là nguyên nhân thường gây ra các rối loạn tiêu hóa. Các triệu chứng thường gặp là đau bụng quặn, tiêu chảy, sốt, buồn nôn và đôi lúc nôn mửa. (Ảnh minh họa).
Ngày 13/2/2015 Thanh tra Bộ Y tế đã nhận được báo cáo khắc phục của Trung tâm Metro Thăng Long. Theo báo cáo, Trung tâm Metro Thăng Long đã ngưng bán lô sản phẩm mực ống nguyên con làm sạch có nhiễm Salmonela nói trên và đã thông báo cho hệ thống siêu thị Metro trên toàn quốc thu hồi lô hàng không đạt; đã gửi công văn cho nhà cung cấp là Công ty TNHH Hải Nam yêu cầu giải trình về nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản phẩm bị nhiễm Salmonela; yêu cầu thực hiện các biện pháp kiểm soát quá trình sản xuất để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Đồng thời, Thanh tra Bộ Y tế đã thông báo tình trạng trên đến Sở Y tế Hà Nội và Sở Y tế Bình Thuận, đề nghị các địa phương thực hiện việc kiểm tra, giám sát ATTP tại nơi sản xuất, kinh doanh.
Hiện tại, Thanh tra Bộ Y tế phối hợp với Cục ATTP và các cơ quan chức năng, các địa phương đang thực hiện việc giám sát chặt chẽ, đồng thời yêu cầu hệ thống Metro trên toàn quốc, Công ty TNHH Hải Nam thực hiện nghiêm việc dừng bán lô sản phẩm không đạt; thực hiện các biện pháp khắc phục nhằm bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng; cơ sở chỉ được phép tiếp tục lưu thông lô sản phẩm này nếu đã thực hiện hành động khắc phục đạt yêu cầu, báo cáo với Thanh tra Bộ Y tế kèm theo bằng chứng khắc phục và được Thanh tra Bộ Y tế ra thông báo hàng hóa được tiếp tục lưu thông trên thị trường. Đối với việc xử lý các vi phạm sẽ được tiếp tục thực hiện theo đúng quy định của Pháp luật.
Lo ngại thực phẩm mất an toàn tràn ngập thị trường Tết
Để giảm 10% số vụ ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán tới đây, Trung ương đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành, đồng thời tăng số đoàn kiểm tra thực phẩm trên cả nước lên 10% so với dịp Tết năm trước. Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế thừa nhận, nguy cơ thực phẩm mất an toàn tràn ngập thị trường cuối năm là rất lớn.
Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục ATTP – Bộ Y tế cảnh báo, nếu không có biện pháp quản lý tốt thì nguy cơ các loại thực phẩm kém chất lượng, mất ATVSTP tràn ra thị trường vào dịp này rất lớn. Bên cạnh đó, thời điểm trước và sau Tết cũng là mùa mà các cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ, hộ gia đình, các làng nghề sản xuất thời vụ bắt đầu đẩy mạnh sản xuất. Do chỉ sản xuất theo mùa vụ nên nếu không có sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ thì cũng rất dễ dẫn đến nguy cơ mất ATTP.
Trong khi đó, thống kê của Bộ Y tế cho thấy, trong tổng số 514.735 cơ sở được kiểm tra VSATTP trong 11 tháng của năm 2014 có đến 152.750 cơ sở vi phạm, chiếm gần 22%. Nội dung vi phạm phổ biến nhất là điều kiện vệ sinh cơ sở, dụng cụ, trang thiết bị sản xuất thực phẩm không đảm bảo (chiếm trên 12%). Các đoàn kiểm tra cũng đã lấy hơn 14.000 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, kết quả có đến 13,6% số mẫu không đảm bảo chất lượng, trong đó có những mẫu sai phạm rất nghiêm trọng như: thực phẩm chức năng chứa tân dược, thực phẩm nhiễm ecoli, coliform, nấm mốc… gấp nhiều lần tiêu chuẩn cho phép.
Tổng số tiền xử phạt các cơ sở sai phạm về ATTP trên cả nước trong 11 tháng năm 2014 lên đến trên 17 tỷ đồng. Riêng Cục ATTP đã xử lý 113 cơ sở với số tiền phạt gần 2,5 tỷ đồng, cao gần gấp 3 lần năm 2013. Đặc biệt, sai phạm về quảng cáo thực phẩm ngày càng trở nên nóng bỏng và phổ biến. Trong số 113 cơ sở bị Cục ATTP xử lý sai phạm thì có đến 83 cơ sở vi phạm về quảng cáo, nhất là các sản phẩm thực phẩm chức năng.
An Nhiên (Tổng hợp)
2015-02-16 04:56:16