Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Tết Nguyên đán là dịp để mọi người trong gia đình sum vầy nhưng vì những lý do khác nhau nên hàng triệu người Việt Nam khác đang sinh sống, học tập, làm việc tại nước ngoài phải đón Tết trong nỗi nhớ nhà da diết…
Trong khoảnh khắc thiêng liêng đầu năm mới, những người con xa xứ lại quây quần bên nhau, cùng nắm tay nhau để thấy lòng mình ấm lại, để tìm chút yêu thương của những con người cùng chung cảnh ngộ.
Mâm ngũ quả cũng được lao động tại Nhật chuẩn bị để đón Tết
Bạn Nguyễn Hoàng (Bắc Ninh), lao động tại Nhật Bản cho biết: “Năm nay là Tết đầu tiên của em nơi xứ người. Cảm giác thật khó tả, nhất là khi thời khắc giao thừa đến, nỗi nhớ nhà da diết chỉ trực òa khóc. Em cùng các bạn người Việt sống cùng phòng cũng mua đồ về, chuẩn bị một bữa cơm, có mâm ngũ quả để nhớ đến Tết quê hương”.
Cũng là lao động Việt tại Nhật Bản như Hoàng, nhưng chị Mai đã sinh sống và làm việc tại Nhật Bản được 5 năm, chị Mai tâm sự “Dù đã 5 lần đón Tết xa nhà, nhưng tôi vẫn chưa thể quen được, mấy ngày Tết là mấy ngày tâm trạng luôn trùng xuống, nhớ quê hương, nhớ gia đình. Mặc dù ở đây đón giao thừa có rất nhiều người, có khi bữa tiệc còn đầy đủ món ăn Việt Nam hơn cả khi tôi còn ở nhà, nhưng cảm giác đón giao thừa ở đây rất khác, không giống như khi được đón Tết ở nhà, nó rất buồn . Những lúc như thế, mọi người lại phải động viên nhau cố gắng nhìn về tương lai. Đó cũng là cách nhiều người xa xứ như chúng tôi tự an ủi mình mỗi khi Tết đến”.
Đối với những lao đang làm việc tại Đài Loan thì Tết cổ truyền là dịp được nghỉ ngơi. Người Đài Loan cũng ăn Tết theo lịch âm, lao động Việt Nam cũng được nghỉ 2 đến 3 ngày đón Tết cổ truyền của dân tộc.
Bạn Bùi Mai, chia sẻ về cái Tết thứ 3 tại Đài Loan: “Mấy anh em mua lá dong, nếp, đỗ về gói bánh chưng đón Tết; sửa soạn bàn thờ bày mâm ngũ quả, viết câu đối đỏ ngày xuân. Chúng tôi đón Tết cũng có cành đào như ở quê nhà”.
Những người con đất Việt dù ở nơi đâu cũng đều hướng về quê hương đất nước và mong muốn được đóng góp phần công sức nhỏ bé của mình cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Tết cổ truyền là dịp để mỗi người con xa xứ cảm nhận rõ hơn tình yêu gốc rễ cội nguồn và tận hưởng không khí gia đình đầm ấm sum vầy.
Xa ngàn dặm vẫn bày mâm cỗ Tết
Bánh chưng xanh, nậm rượu nếp quê nhà.
Mâm ngũ quả, khói hương trầm nghi ngút.
Lịch bên tường, đào phớt đỏ sắc xuân.
Lòng man mác gửi về nơi xóm vắng
Bóng cha già lau hương án gia tiên.
Mẹ lụi cụi canh chừng bên bếp lửa
Nghe bước chân thấp thỏm ngỡ con về!
An Nhiên
2015-02-19 07:48:16
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tet-cua-lao-dong-viet-xa-xu-a175581.html