Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
LTS: Bài Sữa mẹ có thể mẹ chưa biết trên TGTT số 30 (23 – 29.7) chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về sữa mẹ, cả những khám phá gần đây. Còn sữa bột công thức, luôn chạy theo khẩu hiệu “gần giống nhất với sữa mẹ” đã được các nhà sản xuất biến hoá như thế nào để “cải tiến”, “đổi mới”? Hướng về tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ 1 – 7.8.2015, chúng tôi tiếp tục loạt bài chia sẻ thêm vài góc nhìn “có thể mẹ chưa biết” về sữa bột.
Nhóm bột đường
Sữa mẹ rất khác với sữa bò, nguồn liệu chính của sữa bột. Do vậy từ nhiều năm qua, các nhà sản xuất đã cứ mãi lấy ra, bỏ vào các dưỡng chất để cố gắng “nhái”, cũng như những khám phá ngày càng nhiều về những kỳ diệu của sữa mẹ. Dựa trên việc phân chia dưỡng chất thành bốn nhóm chất căn bản: chất bột đường (carbohydrate), chất đạm (protein), chất béo (lipid), vitamin và khoáng chất (vitamin & mineral), các nhà sản xuất sẽ bổ sung, lấy bớt, thậm chí phải loại bỏ vài thành phần không phù hợp trong sữa bò để đưa ra các công thức sữa bột. Các phân tích sẽ dựa trên bốn nhóm này, và bắt đầu bằng nhóm chất dường như ít được đề cập nhất, nhưng có rất nhiều điều thú vị tiềm ẩn: nhóm bột đường.
Khi nghĩ về sữa, các bà mẹ thường ít quan tâm đến nhóm chất bột đường, vì chỉ đơn giản nghĩ rằng chúng đóng vai trò cung cấp năng lượng, không quan trọng như các nhóm chất giúp trí não (chất béo) hay chiều cao, cơ bắp (đạm). Nhưng thực ra, ngoài cung cấp năng lượng, chất bột đường trong sữa mẹ đóng vai trò rất quan trọng mà các nhà sản xuất sữa bột hoặc vì lợi nhuận, hoặc vì khả năng khoa học vẫn đang tụt xa sau sữa mẹ một khoảng rất dài.
Lactose hay đường mật bắp?
Chất bột đường trong sữa mẹ gồm hai nhóm chính, đường lactose (đường sữa) và các oligosacchrides, trong đó lactose đóng vai trò chính là cung cấp năng lượng cho trẻ. Và vai trò “phụ” của lactose cũng không kém quan trọng. Chúng giúp trẻ hấp thu tốt hơn canxi, sắt – các khoáng chất rất cần cho sự phát triển của trẻ, cũng như khả năng hỗ trợ sự phát triển của các vi sinh vật có ích trong đường ruột trẻ. Nhưng ít mẹ biết rằng lactose rất cần cho sự phát triển trí não vì khi được trẻ hấp thụ, nó sẽ cho ra đường đơn galactose, một chất cần thiết để xây dựng tế bào não, cũng như của hệ thần kinh trung ương. Do vậy, cũng không lạ khi nhiều nghiên cứu cho thấy ở các động vật có vú, loài nào trong sữa có nhiều lactose thì trí não, độ thông minh của chúng sẽ phát triển tốt hơn. Nên cũng sẽ không ngạc nhiên lắm khi biết trong sữa mẹ, hàm lượng lactose chiếm đến 9%, trong khi đó ở sữa bò con số đó chỉ khoảng 4,7%.
Do lactose trong sữa bò quá thấp nên các hãng sữa tìm cách bổ sung. Biết rằng bổ sung đường lactose từ một nguồn khác không do mẹ sản xuất có thể không bằng, vì nhiều yếu tố liên quan sẽ ảnh hưởng đến tỷ lệ hấp thụ nhưng vẫn có thể tạm chấp nhận. Tuy nhiên, thay vì bổ sung hoàn toàn lactose để đạt thành phần như sữa mẹ, nhiều nhà sản xuất, kể cả những hãng hàng đầu thế giới đã thay bằng nguyên liệu rẻ tiền hơn như đường mật bắp (corn syrup, high fructose corn syrup), đường (sugar, saccharose)… Năng lượng thì có thể bằng hoặc thậm chí hơn nhưng đương nhiên sẽ không đủ lactose cho các nhu cầu phát triển cơ thể, trí não như đã nói trên, đã vậy lại còn phát sinh thêm các vấn đề khác. Không chỉ khó hấp thu (so với lactose), chúng còn có độ ngọt rất cao so với vị ngọt nhẹ của lactose. Do vậy trên các diễn đàn thường có các lời ta thán về việc bé bú sữa bột vì ngọt quá bỏ luôn sữa mẹ…
Nhưng ít ai biết thêm là sữa có độ ngọt nhiều không chỉ làm bé thích, kích thích bú nhiều mà còn tạo thói quen hảo ngọt về sau. Đã có những kiến nghị cần phải có nghiên cứu về việc cho trẻ bú sữa bột có liên quan chăng đến việc béo phì, tiểu đường về sau khi lớn lên từ công dân nhiều nước, cũng như làn sóng các bà mẹ chống đối, tẩy chay các sữa bổ sung bằng các loại đường khác thay vì lactose, cũng đã từng diễn ra trên thế giới. Năm 2009, EU đã ra luật cấm bổ sung đường saccharose vào sữa bột công thức cho trẻ (trừ sữa cho trẻ không dung nạp lactose), nhưng còn ở Việt Nam, các bà mẹ có đọc, có biết đến thành phần đường nào có trong lon sữa bột định mua cho con mình?
Oligosaccharides, bổ sung sao nổi?
Tiếp theo là các oligosaccharides (còn được gọi là prebiotics, chất xơ) – dù có vẻ các chất này ít được quan tâm. Thuộc nhóm bột đường, các chất này lại không cung cấp năng lượng vì không bị hệ tiêu hoá chia cắt. Các bà mẹ có thể nghe loáng thoáng về việc các oligosaccharides này giúp hệ vi sinh vật có lợi trong ruột trẻ phát triển, giúp bé dễ hấp thụ dưỡng chất cũng như chống lại một số bệnh, sự phát triển của các vi khuẩn có hại… nhưng ít biết rằng các oligosaccharides này có tác động ức chế sự bám dính của các tác nhân gây bệnh vào bề mặt các biểu mô trong đường ruột để gây bệnh. Các oligosaccharides trong sữa mẹ tương tác trực tiếp và hỗ trợ hoạt động các tế bào miễn dịch để chống lại một số bệnh ngay khi cơ thể trẻ còn rất mong manh.
Một câu chuyện đau đầu khác của các nhà sản xuất là trong khi sữa bò chỉ có khoảng 20 oligosaccharides thì sữa mẹ có đến khoảng 200 chất này và đến nay các nhà khoa học cũng chỉ xác định được công thức, danh tính của khoảng 140 loại. Làm sao bổ sung cho sự chênh lệch đến 180 hoạt chất? Cho nên, hiện nay dù có không ít các sữa bột được cho là “dễ tiêu hoá”, “bạn của bụng bé”… khi được bổ sung vài oligosaccharides lèo tèo dưới các cái tên inulin, prebiotics, FOS, GOS… Nên câu hỏi “phải chăng là bổ sung lấy có” xin mời các bà mẹ tự trả lời, nếu thật sự quan tâm đến việc lựa chọn phương pháp nuôi con!
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo