Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Thời gian vừa rồi, nghe mọi người nói nhiều về sự cố MC Lại Văn Sâm dịch sai, mình cũng không mấy quan tâm,báo chí thì cứ có vụ việc là theo thói thường cứ phải la toáng lên cái đã mới chịu được,thông tin chả biết chính xác đến đâu, nên mình cứ nghe ngóng từ nhiều phía xem thực hư nó ra làm sao!
Thì cũng nghe thủng cái hư cái thực nó thế nào sơ sơ rồi! Cũng chả muốn nói tới. Người Việt Nam bây giờ, nhiều bạn, cứ mở mồm ra là chửi, có cơ hội là chửi, chửi cật lực , chửi đến nơi đến chốn, a dua nhau mà chửi, chửi đến khi nào cái người bị chửi không còn nước ngóc đầu lên mới thôi! Thành ra mình nghĩ, mình có sĩ sớn bình luận có khi cũng lại bị chửi đấy!
……………………………………………………………………………
Ngày ấy, quanh xóm nhỏ gần bãi sông, tôi có mấy đứa bạn thân lắm, bọn bạn cùng xóm, và học cùng tôi cấp 1, cũng có đứa học cùng cả cấp hai, cấp ba.
Bọn trẻ con nhà quê chúng tôi chả có những trò chơi kiểu thành phố, dẫu lúc còn nhỏ, nơi tôi ở cũng mang tiếng là thị xã đấy. Vậy mà cả lũ cứ quê một cục như nhau, đi học độc là mặc mấy bộ vải nõn xoăn tít thò lò, còn dép thì cứ cơ nơ đơ mà đi. Đứa nào nhà khá lắm, mới được sắm cho quả dép quai cứ gọi là được thể vênh vang. Ngày ấy đi học, kem mút là mòn quà yêu thích, nhiều khi nịnh nhau chỉ để được mút một cái cho nó mát ruột, trong người đứa nào mà có 200 đồng thì cũng là ghê gớm lắm rồi, lũ bạn sẽ bám theo mà nịnh nọt để được hưởng tí sái kem mút. Cái thứ kem đá có phẩm màu và vị hoa quả. Ấy thế mà giờ nghĩ đến, vẫn thèm. Cả cái món kẹo hồng có hình tôn ngộ không, trư bát giới….ăn xong mồm cứ đỏ lòe vì phẩm màu, vẫn thích thú như thường. Cỡ hôm nào chẳng may mà nhặt được 100 đồng của ông bỉnh rồ trên đường, y như rằng tôi lại mon men ra mua 1 xấp bánh quế, hay thứ kẹo hồng đấy. Ông bỉnh rồ là cái ông điên hay đi qua đi lại khu xóm tôi, ông ấy điên điên mà hay lắm, có lần tôi cho ông ấy 100, ông ấy nhớ mặt tôi mãi, lần nào gặp cũng cười. Thi thoảng ông ấy ngồi trước cửa nhà bà Bách bây giờ , ngày xưa là cái bãi cỏ , với cây bông mà lần nào đi qua buổi tối tôi cũng sợ ma, ông ấy để rơi một hai trăm đồng, là bọn trẻ con tôi khoái chí lắm, thế nào cũng quy ra thóc ngay. Hài thật!
Ban đầu, Nhóm bạn thân của tôi có 4 đứa, một là Thằng Đức Anh chuyên gia đi dép đứt đầu, nhà nó hồi đấy là khá nhất trong 4 đứa, nó cũng được mua dép đẹp, giày đẹp, nhưng chả hiểu cái kiểu đi bộ của nó thế nào, mà dép nào của nó cũng đứt đầu, giày thì hay rách mũi. Còn nhớ ngày ấy nó có cái xe đạp cút kít, cả lũ chúng tôi cứ hay trèo lên xe đấy, như khỉ làm xiếc. Cuối xóm nhà tôi là cái Hằng, nó giờ đã có con rồi, ngày xưa nó là đứa xinh nhất nhóm, hiền nhất nhóm, thường giải quyết các vụ xô xát giữa tôi và Thủy cơ. Lại nhắc đến Thủy cơ, đây là đối thủ nóng tính của tôi, bởi tôi đã thuộc dạng nóng tính bất cần đời, mà cái con này còn kinh hơn tôi, nó làm lớp trưởng, đứa nào mất trật tự trong lớp thì chỉ có chết với nó. Về sau 4 đứa kết nghĩa chị em, Thằng Đức Anh bé nhất, nó phải gọi cả ba đứa tôi là chị, tôi thứ 3, rồi đến cái Hằng, già nhất là cái Thủy, nó đầu gấu, làm chị cả cũng hợp. Cái Thủy là đứa cực kì thông minh, nó học môn gì cũng siêu cả, bố mẹ nó ở tận Lào Cai, nó ở Yên Bái với ông bà từ nhỏ, tính tình độc lập, và rất manly! Có lần bọn tôi ra sông chơi, gặp mùa nước lên, có đoạn đất lở , chúng tôi chẳng biết cách nào để sang bờ bên kia thì bà Thủy đã lao lên bảo, dễ ợt, bà ấy thấy cây chuối nôỉ lềnh phềnh trên mặt nước nên nghĩ đứng lên mà qua thôi, …bủm….bà ấy chìm nghỉm, tôi và cái Hằng tái mặt, vớt nó lên, gớm nó uống mấy ngụm nước cống thải ra sông, đến kinh. Bà Thủy này cũng hay gây ra sự vụ lớn. Chẳng hạn chúng tôi chơi cái trò Bác hồ đi tìm đường cứu nước, nó lúc nào cũng lội bùn ra tít xa ngập đùi, rồi lại lún ở đấy, không đi đâu được, bọn tôi lại phải gọi người đến kéo lên. Chả bù cho thằng Đức Anh, cái thằng nhát chết, lần nào bọn tôi lội bùn, nó cũng le te đi dép ở chân, rồi y như rằng mất dép lại bắt chúng tôi mò cho nó vì sợ về mẹ thịt. Thằng Đức Anh học cùng tôi 12 năm trời chung 1 lớp, giờ cũng lâu lâu mới gặp, lần nào gặp cũng tay bắt mặt mừng, chị em ôm nhau như người yêu. Tôi với nó chung nhiều sở thích, ngày học cấp ba, có tối nó xin ra nhà tôi học nhóm, khổ, bố mẹ chúng tôi thì tin tưởng chúng tôi tuyệt đối, lại quý lũ nhỏ, cứ mà xin đi học nhóm là yên tâm cho đi, nó ra nhà tôi buôn từ 7h tối đến 10 h cắp đít đi về, thế là hai đứa được bữa mang tiếng chăm học mà còn vui nữa chứ, cứ thế bữa tôi ra nhà nó, bữa nó lại ra nhà tôi. Tôi và nó cũng thích hát giống nhau, ngày bé hai đứa hay hát song ca Tia nắng hạt mưa, giờ mà ra nhà nó, hai chị em lại lên sàn nhạc ngồi ngân nga, yêu nó lắm. Còn cái Hằng, nó có vẻ vất vả hơn chúng tôi, có con sớm, chông thì bên Úc, cũng một thân nuôi con, có khi về HN làm việc lại vứt con cho ông bà chăm trên YB. Thi thoảng chị em gặp trên mạng cũng chỉ đôi ba câu hỏi thăm để biết tình hình nhau thế nào, khi cần thì lại tìm đến nhau khóc lóc, rồi lại bàn chuyện ngày xưa. Cứ mơ Bao giờ cho đến ngày xưa.
Ngày xưa, tuổi thơ chúng tôi hồn nhiên kì lạ, trưa nào cũng khẽ khọt, thẽ thọt cậy cửa trốn mẹ ra sống chơi, rồi lại leo đồi hái mua mua ăn. Ăn xong thì đứa nào đứa đấy lè lưỡi ra mà dọa nhau, cái thứ quả mua mua ngon thơm, chat chát, mà ăn xong thì lưỡi cứ đen sì sì,thứ vị là cứ dùng là cây của nó lau là sạch ngay. Cả cái thứ quả mâm xôi trên đồi cũng ngọt thơm kì lạ. Nhưng hiếm khi nào chúng tôi hái được mâm xôi, mua mua thì mọc đầy. Có hôm lại ra sân căng (sân căng là cái cách chúng tôi gọi cái sân vận động gần nhà), quanh cái sân căng ấy, bãi cỏ mọc đầy những cụm me chua nhỏ, hoa tím, ăn chua chua, ngon lắm. Nào có tiền mua quà mua bánh ăn, nên thành ra cứ ăn lung tung thế.
Nhưng mà thích nhất là ra sông, một ngày chúng tôi cứ phải ra sông mấy lần mới chịu được. Hôm thì đi đào dây sắn dây xanh ăn, ngọt ơi là ngọt, hôm thi đi vặt trộm chuối xanh, hôm đào trộm khoai. Trộm xong, cả lũ kéo về nhà thằng Huy loe ngay bờ sông ăn giấu ăn giếm với nhau. Thêm thằng Huy Loe cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn, thằng này sinh ra để nói, cái mồm nó cãi thầy cô nhanh như chớp, nó học cũng khá, tính cũng hay, phải cái nói nhiều, lại hơi hâm hâm sĩ sĩ, và cái mồm lúc nào cũng loe ra nên bọn tôi gọi nó là Huy Loe, bọn lớp chả đứa nào thích nó, chỉ có chúng tôi chơi với nó vì biết nó tốt. Nhà thằng Huy là điểm tụ tập yêu thích của chúng tôi, chúng tôi còn gọi bố mẹ thằng Huy là bố mẹ, vì cô chú ấy thương chúng tôi như con, giờ vẫn thế, mẹ thằng Huy bán thịt lợn cũng hay nói to nhưng tốt bụng. Cuối tuần nào bố mẹ nó cũng luộc cho bọn tôi một nồi khoai, không thì một nồi sắn to bự , cả lũ kéo ra ăn. Phải cái nhà thằng Huy gần sông, cái ngõ ra bờ sông sợ khủng khiếp, nó nhỏ và tối đen, bọn tôi cứ muốn đến nhà nó, là mắt cứ nhắm nghiền chạy một mạch qua cái ngõ, đến nhà nó là lúc cho sủa inh ỏm. Về sau được người ta mách cho cứ bấm ngón tay út mà đi , thì sẽ không gặp ma, là cả lũ lại đi díu vào nhau, rồi mỗi đứa tự bấm ngón tay út của mình cho đỡ sợ. Chết cười cái lũ trẻ con. Đã sợ ma, cứ ngồi ăn sắn lại kể chuyện ma, rồi đến lúc ra về, bắt bố mẹ thằng Huy phải đưa ra khỏi ngõ, không thì cả lũ đứa nào cũng tè dầm mất!
……………………………………………………………………………..
Năm lớp bốn, chúng tôi học lớp cô Lan chủ nhiệm, cô nấu rượu ở nhà và mở thêm quán cháo ăn sáng có thêm thu nhập, cả lũ quý cô nên sáng nào cũng rủ nhau đi ăn cháo, dù có lúc ớn tận cổ!!
…………………………………………………………………………….
Hôm nay kí ức tuổi thơ tràn về , viết một chút cho đỡ nhớ,
Còn nữa!
………………………………………………………………………………………………………..
Sáng ra còn có cái trò tập thể dục buổi sáng, tíu ta tíu tít. Đợt đầu háo hức lắm, đêm còn chả ngủ được, 5h có tiếng gọi bạn cái là bật dậy mở cửa đi ngay. Mang theo gậy để chọc bàng chín ăn. Ấy là vào mùa hè, tụi trẻ con chúng tôi chẳng phải đi học , mang tiếng rủ nhau dậy tập thể dục, chứ chủ yếu là đi ăn trộm các loại hoa quả, và chọc bàng chín ăn.
Đến tối cả lũ còn hay kéo nhau ra cái tòa nhà của Chi cục thuế , lúc thì chơi trốn tìm, lúc thì đóng kịch Sơn Tinh , Thủy Tinh. Thằng Huy Loe thích tôi, nên cỡ mà tôi được làm Mị Châu thì nó nhất định cứ tranh làm Sơn Tinh. Tôi biết thằng Huy Loe thích tôi bởi có lần bọn tôi rủ nhau ra bờ sông giữa trưa nắng chang chang, cả lũ thề với nhau sẽ nói thật với nhau xem mình thích ai, đúng là lũ trẻ con. Tôi chỉ nhớ hồi đấy đến lượt thằng Huy Loe, nó viết chữ Th trên cát, nó bảo Th này là người trong nhóm mình. Mà Trong nhóm thì có mỗi tôi với cái Thủy là tên có Th, hỏi nó Thủy à, nó bảo không, thì còn lại mỗi tôi thôi. Tôi thì làm nó thất vọng bởi người tôi thích lúc bấy giờ không phải là bọn bạn trang lứa, tôi thích một anh hàng xóm hơn tôi bảy tuổi, và thích anh mãi cho đến tận sau này, người ấy cũng là mối tình đầu của tôi, và cũng là người đã làm trái tim tôi mang nhiều phiền muộn sau này.
Ấy vậy mà thằng Huy loe nó vẫn thích tôi, cái thằng còn rất thích xưng anh với tôi, Thủy, và Hằng, mà chúng tôi thì có chết cũng không gọi cái thằng mồm loe ấy là anh.
Ngày ấy, người ta cũng chưa dùng nhiều loại xịt giết côn trùng, thành ra cào cào, chấu chấu, muỗm nhiều vô kể, bọn tôi thích ăn nhất là muỗm. Cuối tuần được nghỉ là cứ chạy ra cuối xóm, trên bờ tường nhà cái Hoa, gần nhà cái Hằng, ngay đúng cái cột điện đèn đường, nên muỗm bâu đầy, chúng tôi cứ thế thi nhau mà bắt, về rang ngon vô cùng.
Con bé em gái tôi ngày ấy là một “kì đà cản mũi” chính hiệu, bọn chúng tôi khó chịu với nó lắm, bởi vì cứ mỗi lần bọn tôi thậm thụt đi chơi, nó biết là y như rằng nó đi theo, nó đòi đi theo bằng được, không cho đi thì nó khóc, mà nó khóc thì bố mẹ chả cho đi chơi nữa, thế là phải cắp nó theo. Chẳng thế mà có lần nó tí chết đuối! Bọn tôi ra sông vớt củi cùng một lũ bạn hàng xóm, nó cũng đứng cùng trên cái thuyền nhỏ chao đảo, thế là bùm một cái, nó ngã xuống sông, cả lũ chúng tôi cuống quýt vì nào có biết bơi, may mà chị Quế hàng xóm gần đấy vớt nó lên, no nê nước, quần áo thì ướt nhẹp, chúng tôi theo nhau về nhà bà Quế, trèo lên cây vũ sữa chơi tiếp, hong quần áo của đứa em gái cho khô mới dám về nhà. Con bé em tôi gớm lắm, nó đanh đá như những đứa tên Trang mà tôi biết. Lần tôi chẳng may bị cái đứa tên Dung lớp 5B đẩy ngã ở cầu thang, lúc ấy Cái Trang nhà tôi còn bé, mà nó vác dao lên tận trường, nó bảo đứa nào đẩy chị, em đập chết. Bạo lực học đường thế chứ! Con bé em này cũng là một phần quan trọng trong kí ức tuổi thơ tôi, bởi chúng tôi là chị em ruột, lớn lên bên nhau từ những ngày khốn khó của gia đình. Từ những ngày nhà tôi chuyển hết nơi này đến nơi khác, lúc thì khu tập thể nhà máy chè, khi thì bãi sông hồng, và chẳng nhà nào là nhà của chúng tôi. Mãi cho đến năm 91, bố mẹ tôi tậu được cái nhà. Cái nhà tôi lúc ấy xây bằng gạch ba vanh (tôi nhớ mang máng tên gạch thế), chỉ biết cái loại gạch này mà đạp nhà đi xây lại thì dễ ợt vì gạch đểu mà. Bố tôi lúc đó làm công ăn phường, trước nhà trên khu tập thể máy chè còn nuôi thêm lợn và trồng rau , giờ chuyển về khu dưới Hồng Hà thì chỉ trông vào lương ba cọc ba đồng của công an phường. Gì chứ hồi đò công an phường và giáo viên là hai cái nghề nghèo kiết xác, không như bây giờ. Mẹ tôi trước làm công nhận nhà máy chè, rồi công việc thì mệt mà lương công nhân chả được bao nhiêu. Mẹ tôi bỏ, về chạy chợ. Mẹ tự đi buôn chè , gom ở các nơi, về đóng rồi bán cho những người từ Thường Tín , Hà Tây lên mua chè. Đợt đầu còn kiếm được, sau họ nợ nhiều, mình còn chả lấy được tiền nợ. Mẹ tôi ở nhà làm thêm vài việc vặt. Nhưng cái đoạn hồi mẹ tôi còn chạy chợ chè hay lắm, hai chị em tôi suốt ngày bị nhốt ở nhà, bố đi làm cả ngày, mẹ thì đi gom chè từ 2 – 3 giờ sáng. Sáng ra hai chị em cứ ngồi vắt vẻo với nhau ở cửa sổ, chân thò ra ngoài nhà, chúng tôi ngồi thế bởi có hai chị em ở nhà, sợ ma chết khiếp. Con em tôi bạo hơn, nhiều khi đi vệ sinh tôi cứ phải rủ nó đi cùng. NHà tôi hồi đấy trộm vào dễ như đi chơi, mà cũng chẳng có gì cho nó lấy. Bố tôi đi công tác thường xuyên, nhà có ba mẹ con nên tối nào cũng ôm nhau dúm dó. Có đêm trộm vào ăn cắp hết nồi niêu xoong chảo, mẹ con tôi chả biết gì, cái thùng cám cưa thì đổ liểng xiểng. Sáng ra thấy thì sợ , mà rồi lại bảo không biết thì tốt hơn, biết chạy ra nó đập chết còn khốn! Mẹ tôi ngày ấy chỉ 38kg, còn tôi thì cũng như que kẹo mút dở, chỉ có con em nghịch ngợm của tôi thì béo béo xinh xinh………………………………………………………
2015-09-02 08:26:35
Nguồn: https://trinhhathu229.wordpress.com/2013/02/27/cho-toi-xin-vai-ve-di-tuoi-tho/