Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
[ Bài viết được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống số 896 ngày 03.03.2016 ]
Trong thời buổi hiện đại đầy rẫy công nghệ và áp lực như ngày nay, ôm đồm nhiều việc cùng một lúc gần như đã trở thành một thói quen khó bỏ của nhiều người. Nhiều người trong chúng ta có thể vừa làm việc vừa chúi mũi vào chiếc điện thoại, hoặc vừa sử dụng điện thoại vừa lái xe bất chấp nguy cơ tai nạn giao thông.
“Sự phát triển của hàng loạt các thiết bị công nghệ cá nhân như điện thoại thông minh và máy tính bảng đa nhiệm đã tạo điều kiện cho thói ôm đồm bùng nổ,” – lời phát biểu của Tiến sĩ David Meyer, giáo sư tâm lý học đến từ trường Đại học Michigan.
Nhiều người lầm tưởng rằng việc thực hiện nhiều công việc trong cùng một lúc giúp tăng hiệu quả làm việc. Nhưng các nhà khoa học ngày nay đã chứng minh được rằng ôm đồm nhiều việc cùng một lúc kỳ thực là nguồn cơn của nhiều rủi ro về mặt sức khỏe và làm giảm chất lượng cuộc sống. Việc bạn lỡ một cuộc họp hoặc công việc bị trì hoãn có thể được khắc phục ngay sau đó, nhưng thói ôm đồm nhiều việc có thể để lại hậu quả nguy hại kéo dài đến suốt cuộc đời mỗi người.
.
“Mỗi người chúng ta chỉ có một bộ não!”
“Làm nhiều việc một lúc quả thực có thể giúp bạn gia tăng hiệu quả làm việc… nếu bạn có nhiều hơn một bộ não.” – Tiến sĩ Meyer cho biết.
Trong quá trình nghiên cứu về sự ôm đồm nhiều việc của con người, Meyer khám phá ra ba loại người ôm đồm khác nhau. Loại thứ nhất là những người ôm đồm một cách tuyệt vọng; họ cho rằng đã đi làm thì phải biết tranh thủ làm nhiều việc trong cùng một lúc dù có thích hay không, rằng ôm đồm là cách duy nhất để đảm bảo năng suất làm việc. Loại thứ hai là những người thích trì hoãn kiểu “nước đến chân mới nhảy”; chỉ đến khi hạn chót công việc đã cận kề, họ mới vắt giò lên cổ bắt đầu làm, và việc buộc phải ôm đồm vào phút cuối giúp họ hoàn thành nhiệm vụ kịp thời hạn. Loại thứ ba là những người thật lòng thích ôm đồm nhiều việc; họ tự hào rằng mình giỏi làm nhiều việc một lúc, và cho rằng như vậy thì vui và hiệu quả hơn là mỗi lần chỉ làm một công việc duy nhất.
Một số nghề nghiệp nhất định – chẳng hạn như kiểm soát không lưu và bác sĩ cấp cứu – đòi hỏi người hành nghề phải biết tỉnh táo quán xuyến nhiều việc cùng một lúc dưới áp lực cao. Nhưng trong thực tế, không một người bình thường nào có thể thực hiện hiệu quả nhiều hơn một công việc phức tạp trong cùng một khoảng thời gian. “Bộ não con người không được thiết kế với tính năng đa nhiệm như điện thoại thông minh, tức thực hiện nhiều việc phức tạp một cách đồng thời,”
“Trong cuộc sống đôi khi chúng ta được yêu cầu thực hiện nhiều việc một lúc, nhưng kỳ thực, chỉ có ‘siêu nhân’ mới có thể đa nhiệm như thế.”
Cũng theo Tiến sĩ Meyer, nỗ lực làm nhiều việc cùng một lúc càng vô ích hơn nếu các hoạt động bạn làm được đảm nhiệm bởi cùng một bộ phận trong não. Chẳng hạn, bộ não của chúng ta chỉ có một kênh xử lý ngôn ngữ. Nếu bạn cố gắng vừa đọc sách vừa nói chuyện điện thoại với bạn bè, cả hai hoạt động sẽ bị ngắt quãng liên tục, và rồi bạn sẽ thấy mình quay về trạng thái chỉ có thể lựa chọn một trong hai mà thôi.
Căng thẳng thần kinh vì ôm đồm
Ôm đồm nhiều việc sẽ trở nên vô cùng căng thẳng nếu đó đều là những việc quan trọng của bạn. Theo lời giải thích của Tiến sĩ Meyer, mỗi khi chúng ta đối mặt với những yêu cầu khó khăn hoặc bất khả thi (chẳng hạn như phải ôm đồm nhiều việc một lúc để hoàn thành nhiệm vụ được giao kịp thời hạn), bộ não sẽ phải hoạt động cật lực hơn bình thường, tiết ra nhiều adrenaline và nhiều loại hoóc-môn gây stress khiến cho chúng ta liên tục có cảm giác căng thẳng lo sợ như thể “đang ở sát bờ vực thẳm.” Những hoóc-môn này ngay lập tức cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể để chúng ta đối mặt với tình huống căng thẳng, nhưng trên thực tế, nguồn năng lượng này không hề giúp chúng ta thực hiện các công việc hiệu quả hơn – Tiến sĩ Meyer nhấn mạnh. Điều này giống như một chiếc xe máy đời cũ chỉ có thể chạy tối đa 90km/h; không cần biết bạn đổ xăng nhiều cỡ nào vào nó, không cần biết bạn đạp ga mạnh bao nhiêu, nó không bao giờ có thể chạy nhanh hơn 90km/h.
Theo thời gian, việc thường xuyên căng thẳng do ôm đồm trong công việc có thể gây phương hại đến sức khỏe con người. Sự tiết hoóc-môn kích thích thần kinh một cách liên tục khiến cho cơ thể thường xuyên bị kéo giãn sức chịu đựng, dẫn đến rối loạn sức khỏe. Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Sức Khỏe và An Toàn Nghề Nghiệp Hoa Kỳ, nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy căng thẳng thần kinh trong công việc khiến cho con người thường xuyên bị nhức đầu, đau bao tử, thiếu ngủ hoặc mất ngủ. Tình trạng căng thẳng kéo dài cũng sẽ khiến con người mắc phải các vấn đề sức khỏe dai dẳng như đau lưng, trầm cảm và các bệnh về tim.
.
Một quan niệm sai lầm về làm việc hiệu quả
Việc cố gắng làm nhiều việc một lúc không những có hại cho sức khỏe, mà nó còn làm giảm hiệu quả công việc chứ không hề tăng hiệu quả như chúng ta thường lầm tưởng. Tiến sĩ Meyer và các cộng sự vừa đăng đàn công trình nghiên cứu của mình trên tạp chí The Journal of Experimental Psychology tiết lộ sự thật về những hệ quả tiêu cực từ thói ôm đồm nhiều việc.
Trong cuộc nghiên cứu này, các nhà khoa học theo dõi các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu trong khi họ chuyển từ một công việc này sang một công việc khác. Tất cả các đối tượng nghiên cứu đều mất thời gian cho việc chuyển đổi – một khoảng thời gian phát sinh vô ích và không mang lại giá trị gì cho con người lẫn các công việc đang được làm. Trong nhiều trường hợp, khoảng thời gian chuyển đổi vô ích này chỉ kéo dài từ nửa giây đến một giây. Nhưng theo Meyer, trên thực tế đây có thể là một sự tốn kém thời gian cực lớn, nhất là khi bạn làm những công việc có tính chất liên tục và thường xuyên, khiến cho các khoảng thời gian bị mất mát càng ngày càng được cộng dồn và tích lũy. So với môi trường làm việc nơi công sở, đây là một sự hao phí đáng kể tương đương với thiệt hại về mặt doanh thu – nếu khoảng thời gian này được tận dụng hiệu quả hơn, công ty của bạn đã có thể kiếm được nhiều tiền hơn.
Cuộc nghiên cứu đã cho ra kết luận trái với suy nghĩ thông thường của nhiều người trong chúng ta, rằng thói quen làm nhiều việc một lúc kỳ thực làm giảm hiệu quả công việc, gây mất thời gian vô ích cùng nhiều tác hại khác.
Điều đáng lưu ý là cuộc nghiên cứu trên của Tiến sĩ David Meyer được thực hiện trong phòng thí nghiệm với điều kiện lý tưởng mà trong đó, những người tình nguyện chỉ cần tập trung chuyển đổi công việc một cách nhanh nhất có thể theo yêu cầu của các nhà nghiên cứu. Trong môi trường công sở ngoài thực tế, hành động chuyển từ việc này sang việc khác có thể mất nhiều thời gian hơn thế. Nhà nghiên cứu Gloria Mark và các cộng sự thuộc Đại học California, Irvine quan sát cách thức các nhân viên văn phòng xử lý các tình huống làm gián đoạn công việc, bao gồm tiếng chuông điện thoại, tín hiệu báo email mới trong máy vi tính, hoặc sự xuất hiện bất ngờ của một vị khách đến thăm nơi làm việc. Mark báo cáo kết quả nghiên cứu của mình trong một hội thảo của Hiệp hội Phần Cứng Máy Tính như sau: Một người đi làm trung bình mất đến 25 phút cho mỗi lần gián đoạn công việc đang làm để chuyển sang xử lý những công việc phát sinh linh tinh khác.
Theo Tiến sĩ Meyer, một hậu quả tồi tệ hơn của sự ôm đồm nhiều việc một lúc chính là tác động tiêu cực của nó lên trí nhớ ngắn hạn. “Mỗi khi bạn cố gắng làm nhiều việc trong cùng một khoảng thời gian, bộ não của bạn không thể tập trung vào việc ghi nhớ thông tin và dữ liệu tức thời,” ông giải thích. Chẳng hạn, một người đang vừa đọc email vừa nói chuyện điện thoại sẽ không có khả năng thu thập hay ghi nhớ được bất kỳ thông tin nào dù là từ email được đọc, từ cuộc điện thoại hay từ bất kỳ nguồn nào khác trong suốt thời gian đó. Và nếu chuông điện thoại reo trong lúc một người đang suy nghĩ đến một vấn đề nào đó, người đó hoặc sẽ mất một thời gian dài để nhớ lại xem mình đã nghĩ gì, hoặc không thể truy lại được một chút gì của ý nghĩ vừa xẹt qua trong đầu lúc đó.
Tiến sĩ Paul Hammerness và Margaret Moore là tác giả cuốn sách “Sắp xếp bộ não để tái tổ chức cuộc sống của bạn” do nhà xuất bản Khoa Y Đại học Harvard phát hành. Trong đó, cả hai tác giả khẳng định rằng thói ôm đồm nhiều việc một lúc làm tăng nguy cơ sai sót trong công việc, gây thiếu hụt hoặc nhiễu loạn thông tin được trao đổi. Họ cũng đồng tình với Tiến sĩ David Meyer rằng sự ôm đồm nhiều việc một lúc khiến bộ não không thể ghi nhớ và lưu trữ thông tin, về lâu dài sẽ làm giảm thiểu khả năng sáng tạo và xử lý tình huống của con người.
Điều nguy hiểm nhất ở đây chính là sự mất trí nhớ ngắn hạn có thể trở thành vấn đề nghiêm trọng lâu dài đối với sức khỏe con người. Theo Meyer, việc bộ não phải liên tục tiết adrenaline và nhiều loại hoóc-môn gây stress khác do chúng ta ôm đồm nhiều việc hoàn toàn có thể gây tổn thương vĩnh viễn lên các tế bào não có chức năng lưu trữ thông tin và ký ức. Nếu tình trạng này kéo dài, con người có thể mất luôn khả năng tập trung, không còn có thể hoàn thành tốt một công việc đơn lẻ.
.
Giải pháp
Các nhà khoa học khuyên chúng ta nên tổ chức sắp xếp lại công việc lẫn thói quen sinh hoạt hàng ngày sao cho hạn chế tối đa tình trạng phải ôm đồm nhiều việc cùng một lúc. Mỗi khi chuông điện thoại reo hoặc có tin nhắn email mới kêu bim bíp trên điện thoại trong khi bạn đang tập trung làm một công việc quan trọng, hãy dẹp chúng sang một bên và chỉ kiểm tra chúng sau khi đã xong việc. Bạn luôn có thời gian rảnh để kiểm tra điện thoại và email trong ngày, chứ việc quan trọng thì không thể trì hoãn. Sau khi bạn đã hoàn thành công việc cũng như kiểm tra email và điện thoại, hãy dành thời gian nghỉ ngơi thư giãn, làm sạch đầu óc và dẹp bỏ mọi lo lắng về những việc đã xong.
Không cần biết công việc của bạn căng thẳng thế nào, bạn luôn cần phải bảo vệ bản thân mình khỏi sự tấn công của stress. Bạn chỉ có thể hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao và có một cuộc sống thoải mái khi và chỉ khi bạn dành thời gian chăm sóc và đảm bảo sức khỏe của bản thân. Theo Tiến sĩ Meyer, việc tập luyện thể dục thể thao đều đặn, thiền định và ăn uống điều độ chính là vài cách đơn giản giúp bạn cân bằng cuộc sống; và điều quan trọng là hãy sắp xếp công việc một cách hợp lý và khoa học, không ôm đồm hay chồng chéo việc này với việc khác./.
.
~PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức
Website: http://conduongtrithuc2015.wordpress.com
.