Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Quân đội nước ngoài không thể khởi động một hoạt động mặt đất trái phép tại Syria trong khi lực lượng không quân Nga còn hiện diện tại quốc gia này.
Bình luận trên được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra khi được hỏi về báo cáo Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng điều bộ binh tới Syria “nếu cần thiết”.
“Tôi không nghĩ rằng ai đó sẽ quyết định chơi trò chơi nguy hiểm này và thực hiện bất kỳ hành động khiêu khích nào do thực tế là lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang đóng quân ở Syria”, RT dẫn lời ông Lavrov nói khi được hỏi về khả năng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Ả Rập Saudi xâm nhập vào Syria.
![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh RT |
Bộ trưởng Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh rằng “cần phải răn đe những người đang cố gắng ủng hộ” một cuộc xâm lược quân sự vì nó “sẽ là một sự xâm lược trực tiếp”, tờ Sputnik đưa tin cho biết thêm.
Ông Lavrov bày tỏ quan điểm cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập Saudi hiện không có cớ nào để can thiệp quân sự vào tình hình ở Syria trong bối cảnh thỏa thuận ngừng bắn đang được củng cố. Theo RIA Novosti ngày 5/5, hơn 50 nhóm đối lập ở Syria đã đồng ý tham gia vào thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga hậu thuẫn.
Phản ứng của Ngoại trưởng Nga được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nói với Al-Jazeera rằng Ankara sẵn sàng để gửi quân tới Syria “nếu cần thiết” nhằm đảm bảo an ninh của mình.
Trong bài phát biểu của mình, Ngoại trưởng Nga cáo buộc Mỹ cố gắng che chắn cho những kẻ khủng bố thuộc tổ chức “Mặt trận al-Nusra” ở Syria bằng cách đẩy đường biên giới của khu vực ngừng bắn sang khu vực do nhóm này kiểm soát đáng kể.
Ông Lavrov cũng cáo buộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ giao dịch buôn bán dầu và cổ vật với tổ chức IS, Mặt trận al-Nusra và cho phép các tay súng này đi lại tự do qua biên giới của mình.
Ankara nêu rõ quan điểm muốn Tổng thống Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực kể từ đầu cuộc xung đột Syria. Theo ông Lavrov, bản chất của mối quan hệ Ankara và Washington khác với sự hợp tác của Moscow với chính quyền Assad ở Syria.
![]() |
Chừng nào không quân Nga còn hiện diện ở Syria, bộ binh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không có cửa đặt chân tới. |
Ông Lavrov cũng khẳng định: “Assad không phải là đồng minh của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ ông ấy trong cuộc chiến chống khủng bố và bảo vệ nhà nước Syria, song ông ấy không phải là một đồng mình theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh của Mỹ”.
Nhà ngoại giao này cũng lặp lại lập trường của Nga về sự cố chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 của Nga hồi tháng 12 năm ngoái là “một tội ác và sai lầm”.
Theo Lavrov, Moscow nhận thấy quan điểm “tân Ottoman” (chủ nghĩa đế quốc) trong lập trường quốc tế của Thổ Nhĩ Kỳ khi đề cập đến tình hình Syria, cáo buộc Ankara đứng sau kế hoạch “vùng an toàn” hay “kế hoạch B” cho Syria và cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã lộ “khát vọng bành trướng” qua hành động này.
Ngoại trưởng Nga tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ muốn “mở rộng ảnh hưởng của mình và mở rộng lãnh thổ của mình” và dẫn ra bằng chứng là Ankara đã vi phạm không phận Hy Lạp 1.800 lần trong năm ngoái, trong khi NATO vẫn kín tiếng về vấn đề này.
“Loại hành vi này rõ ràng là bành trướng và nó sẽ không thể dẫn đến bất cứ điều gì tốt đẹp”, ông Lavrov nhấn mạnh.
Hoàng Hải