Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Nga bị buộc phải tìm kiếm giải pháp vô hiệu hóa mối đe dọa an ninh quốc gia do NATO triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa ở châu Âu, Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu.
Theo RT, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra tuyên bố này sau khi Mỹ kích hoạt lá chắn tên lửa ở Romania. “Bây giờ, sau khi xuất hiện các hệ thống phòng thủ tên lửa, chúng tôi bị buộc phải nghĩ về cách thức vô hiệu hóa mối đe dọa an ninh quốc gia”, ông Putin nói.
Lá chắn tên lửa của Mỹ ở châu Âu rõ ràng đã vi phạm các hiệp ước vũ khí Nga-Mỹ, ông Putin nói trong cuộc họp với các quan chức quân đội. Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh rằng các cơ sở quân sự này có thể dễ dàng được cải tiến, phục vụ cho việc phóng tên lửa tầm trung và tầm ngắn.
![]() |
Tên lửa Tomahawk phóng đi từ hệ thống phóng thẳng đứng Mark 41 trên tàu khu trục Mỹ. |
Lá chắn tên lửa ở châu Âu là một bước đi khác làm gia tăng căng thẳng quốc tế và khởi động một cuộc chạy đua vũ trang mới, ông Putin nói thêm.
“Chúng ta không muốn bị kéo vào cuộc chạy đua này. Chúng ta sẽ đi theo con đường riêng. Nga cần một chiến lược chính xác trong khi không vượt quá mức trong việc tái trang bị cho lực lượng quân đội, vốn đã được lên kế hoạch trong vài năm tới”, theo ông Putin.
“Những dấu hiệu vừa qua cho thấy tình hình không trở nên tốt hơn. Đáng tiếc rằng, mọi thứ còn trở nên xấu đi. Tôi đang nói đến việc kích hoạt trạm radar ở Romania, một trong những bước đi trong chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ”.
Nga đang cố gắng làm mọi cách để duy trì thế cân bằng chiến lược, nhằm tránh một cuộc xung đột xảy ra trên diện rộng, Tổng thống Nga nói.
NATO chính thức khởi động căn cứ phòng thủ tên lửa tại Deveselu, Romania ngày 12/5 vừa qua. Hiện thực kế hoạch xây dựng lá chắn ở Đông Âu lần đầu tiên kể thì khi cựu Tổng thống Mỹ George W.Bush tuyên bố vào năm 2007. Hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá 800 triệu USD này có thể bắn hạ mọi tên lửa nhằm vào châu Âu.
Giới chức Mỹ nói hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Iran, quốc gia đang liên tiếp thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Lá chắn tên lửa có khả năng phóng tên lửa đánh chặn SM-3 do Mỹ sản xuất, được lắp ráp ở New Jersey và chuẩn đến căn cứ Deveselu, miền nam Romania bằng container.
Trả lời câu hỏi về việc liệu việc triển khai hệ thống này có nhằm chống lại mối đe dọa tên lửa Nga, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Work khẳng định: “Không, chúng tôi không có kế hoạch đó. Hệ thống này chỉ chống lại các mối đe dọa từ khu vực ngoài Euro-Atlantic”.
Trước đó, Moscow từng khẳng định rằng hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ không chỉ nhằm vô hiệu hóa khả năng tấn công của Nga mà các cơ sở này còn có thể tái trang bị tên lửa hành trình tấn công.
Nga cảnh báo sẽ đơn phương rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) nếu Washington tiếp tục thực hiện kế hoạch phòng thủ tên lửa này.
Lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ sử dụng mạng lưới radar để giám sát các mối đe dọa tiềm tàng trên không, trước khi phóng các tên lửa đánh chặn từ căn cứ quân sự hoặc máy bay.
Bên cạnh hệ thống kích hoạt ở Romania, NATO đang xây dựng một căn cứ khác ở Phần Lan, hoàn thành lá chắn phòng thủ tại Đông Âu vào năm 2018.
Đăng Nguyễn