Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Một số quan chức Mỹ phóng đại rằng, Washington đang đứng trước viễn cảnh có thể bị đánh bại trong một cuộc đối đầu quân sự với Nga, trong khi bỏ qua những vấn đề còn tồn tại bên trong quân đội.
Theo Politico, giới chức Lầu Năm Góc không hài lòng với việc cắt giảm ngân sách. Cơ quan này dường như muốn duy trì lập trường cứng rắn chống lại Nga, bằng cách phóng đại những rắc rối để có thêm nguồn tiền, các trang thiết bị quân sự và binh lính.
“Điều này giống như bầu trời đang sụp xuống trước mắt quân đội Mỹ”, một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên nói với truyền thông. “Lầu Năm Góc muốn chúng ta tin rằng người Nga cao tới hàng trăm cm. Hay nói cách khác, quân đội muốn tìm kiếm một mục đích, một lý do để nhận thêm ngân sách. Và cách tốt nhất là vẽ ra viễn cảnh Nga có thể tấn công Mỹ từ mọi hướng cùng lúc”, nguồn tin nói thêm.
![]() |
Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung. Ảnh: AP. |
Trên thực tế, những thống kê gần đây cho thấy quân đội Nga vẫn chưa thể sánh ngang Mỹ. Hoa Kỳ chi phí quốc phòng gấp 7 lần Nga (598 tỷ USD so với 84 tỷ USD). Mỹ cũng có số binh sĩ trong biên chế chính thức gần gấp đôi (1,4 triệu so với 766.000), gần gấp 6 lần về số lượng trực thăng (6.000 so với 1.200), gấp ba lần số lượng chiến đấu cơ (2.300 và 751) cũng như gấp 4 lần về số lượng máy bay chiến đấu nói chúng.
Mỹ sở hữu 10 tàu sân bay trong khi Nga chỉ có một chiếc duy nhất. Nga chỉ vượt trội hơn Mỹ về số lượng xe tăng (15.000 so với 8.800 chiếc). Phiên bản T-14 Armata mới nhất gặp trục trặc trong ngày ra mắt năm 2015 còn xe tăng M1A1 Mỹ chưa từng bị đánh bại trên chiến trường. Những số liệu này cho thấy việc quân đội Mỹ đang gặp vấn đề lớn là thật lố bịch.
Hồi đầu tháng 4, quan chức quân đội Mỹ Patrick Murphy và tham mưu trưởng Lục quân Mỹ, tướng Mark Milley phàn nàn với các nhà lập pháp trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ: “Quân đội đang đứng trước nguy cơ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh mà thiếu đi những yếu tố để giành chiến thắng”. Giới chức quân đội Mỹ đổ lỗi cho việc cắt giảm ngân sách quốc phòng gây ra xu hướng này.
Quân đội Mỹ muốn giải quyết những khó khăn bằng cách đề nghị được cấp thêm tiền và phát triển lớn mạnh hơn. Nhưng nhiều nhà phân tích nghi ngờ rằng đây là một hướng tiếp cận đúng đắn.
Cựu tướng Không quân Mỹ về hưu, David Deptula, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Không gian vũ trụ Mitchell nói trên Politico, “đã đến lúc quân đội Mỹ cần chấm dứt phác họa mình là nạn nhân. Kêu gọi cần nhiều nguồn lực hơn chỉ vì gặp phải thương vong là một lời cảnh tỉnh về cách tiếp cận mới. Chúng ta cần phải nghĩ về cách đảm bảo lợi ích quốc gia, chứ không phải chỉ vì lợi ích quân sự”.
“Ngày càng nhiều những điệp khúc xuất hiện trong quân đội Mỹ, rằng một số quan chức không chỉ thất bại trong việc nhìn nhận bài học từ Afghanistan và Iraq để tiến tơi cải cách. Họ còn phóng đại lên các mối đe dọa nước ngoài để giành được miếng bánh lớn hơn trong ngân sách quốc phòng”, tờ Politico nhận định.
Tờ Politico kết luận, những thông điệp kiểu như quân đội Mỹ đang “tụt hậu và yếu thế” dường như sẽ không sớm kết thúc. Đặc biệt trong giai đoạn bầu cử Mỹ, khi mà việc quân đội đứng trước khó khăn sẽ mang đến nhiều yếu tố chính trị hơn.
Đăng Nguyễn