Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Mới đây tại triển lãm quân sự diễn ra ở Pháp, Mỹ đã cho ra mắt robot cảm biến phát hiện mìn, vật liệu nổ tự chế ở sâu trong lòng đất.
Chuyên trang quân sự Defense Update thông tin, tại lãm quân sự Eurosatory 2016 diễn ra từ ngày 13-17/6 tại Pháp, tập đoàn vũ khí hàng đầu Mỹ Raytheon phối hợp với công ty Milrem (Cộng hòa Estonia, Bắc Âu) giới thiệu loại robot dò mìn đặc biệt. Robot sử dụng hệ thống cảm biến dò tìm vật liệu nổ Ground Eye gắn trên xe không người lái Themis do quốc gia Bắc Âu này phát triển.
Ground Eye kết hợp nhiều giải pháp công nghệ giúp phát hiện, xác nhận và chẩn đoán sự tồn tại về vật thể nghi là mìn trên một khu vực rộng lớn. Robot dò mìn thông minh có cấu hình gọn nhẹ trong khi hiệu suất phát hiện cao hơn so với các thiết bị dò mìn cầm tay. Sở hữu thiết kế là bộ cảm biến chứa 2 cụm đèn laser đặc biệt, một camera chuyên dụng để chụp ảnh xuyên qua mặt đất.
![]() |
Cận cảnh robot dò mìn thông minh tại triển lãm quân sự Eurosatory diễn ra tháng 6/2016 |
Cảm biến có thể chụp ảnh thời gian thực và hiển thị hình dạng, kích thước cũng như định hướng mối đe dọa từ các loại mìn, vật liệu nổ tự chế chôn dưới đất. Với cơ chế hoạt động như vậy, Ground Eye có thể phát hiện cả những đối tượng phi kim loại mà các loại máy dò ứng dụng công nghệ sóng vô tuyến không phát hiện được.
Giám đốc hệ thống mặt đất của tập đoàn vũ khí Raytheon Andy Gibson tuyên bố: “Ground Eye ra đời thực sự là một giải pháp hiệu quả trong hoạt động rà phá bom mìn. Đây là một bước tiến đáng kể nhằm giảm thiểu nguy cơ vướng mìn hoặc buộc phải gỡ bỏ trong những tình huống không cần thiết. Chúng có thể hoạt động liên tục trong 10 giờ mà không cần bất cứ sự hỗ trợ nào về mặt nhiên liệu”.
“Phát hiện và vô hiệu hóa bom mìn, các vật liệu nổ tự chế là nhiệm vụ thích hợp với các xe không người lái. Với cách tiếp cận mô-đun linh hoạt và đầy sáng tạo, robot không người lái có khả năng sử dụng làm khung gầm cho nhiều nhiệm vụ khác nhau”, Kuldar Vaarsi, Giám đốc điều hành của Milren giải thích
Nếu như các loại máy dò bom mìn trước đây sử dụng cơ chế sóng radar, thường phải để ăng ten sát mặt đất nên hiệu quả phát hiện không cao, dễ bỏ sót, tốn nhiều thời gian để dò tìm trên khu vực rộng lớn.
Công nghệ dò mìn cũ còn dính nhiều trường hợp phát hiện nhầm các vật thể bằng kim loại, tiêu tốn nhiều tiền của. Robot cảm biến mìn thông minh này đã khắc phục hoàn toàn những nhược điểm đó. Ngoài ra Ground Eye còn sử dụng hệ truyền động bánh xích ốp cao su nên có khả năng hoạt động trên nhiều địa hình khác nhau. Robot có thể mang theo tải trọng nặng 750 kg.
Nhấm mạnh tầm quan trọng của các robot thông tin, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel phát biểu trong một cuộc hội thảo khoa học quân sự tổ chức tại Washington D.C:
“Quân đội Mỹ cần có một phần kinh phí đáng kể để nghiên cứu và chế tạo nhiều loại robot đa năng, hoàn toàn có thể thay thế những người lính. Đó sẽ là những bước tiến công nghệ quan trọng và khẳng định được vị thế vũ khí Mỹ trên thế giới”.
![]() |
Nga hiện đang triển khai loại robot dò mìn nhưng khá cồng kềnh |
Tiến sĩ Nikalaus Redford, một trong những nhà khoa học hàng đầu chuyên nghiên cứu chế tạo robot của Mỹ khẳng định: “Ưu thế của robot thế hệ mới là hệ thống mô-đun đàn hồi đặc biệt, có thể thực hiện mọi thao tác phản xạ trong khoảnh khắc như con người. Mỹ sẽ nghiên cứu thêm các trục cấu thành tứ chi của robot để có thể xoay ở mọi góc cạnh, giúp robot luôn trong tư thế đi lại uyển chuyển linh hoạt”.
Tuy nhiên với các loại robot thông thường hiện nay, hoạt động chỉ trong thời gian nhất định, vậy nên Mỹ đang cho thử nghiệm một bộ pin đặc chủng lithium, hy vọng chúng có thể tự tái nạp từ các hoạt động toàn thân thường xuyên khiến robot có thể hoạt động vô thời hạn.
Phương Anh