Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Chưa rõ Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ trên toàn bộ hay 1 phần của cái gọi là “đường chín đoạn”. Việc Trung Quốc né tránh xác định bản chất yêu sách của mình sẽ làm suy yếu ADIZ.
Ngày 1/6, tờ South China Morning Post (SCMP) của Hong Kong dẫn nguồn tin thân cận giấu tên trong Quân đội Trung Quốc đưa tin cho rằng Bắc Kinh chuẩn bị tuyên bố thiết lập khu nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
SCMP cho biết, động thái trên là phản ứng nhằm đối phó với sự gia tăng thực hiện quyền tự do tuần tra hàng hải và các chuyến bay giám sát trong không phận quốc tế ở Biển Đông mà Bắc Kinh xem là sự “khiêu khích” của quân đội Mỹ trong khu vực.
![]() |
Ở Biển Đông, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt biện pháp giải quyết khó khăn và hỗ trợ thiết lập ADIZ ở Biển Đông. |
Báo cáo xuất hiện trong thời điểm khá nhạy cảm, khi Bắc Kinh và các nước quan tâm đang chờ đợi phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế về vụ Philippines kiện những tuyên bố chủ quyền trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Hơn nữa, các đại diện cấp cao của Trung Quốc và Mỹ đang chuẩn bị cho hội nghị đối thoại chiến lược và kinh tế hàng năm lần thứ tám của họ .
Báo cáo xuất hiện trong bối cảnh các nhà ngoại giao quốc tế và các nhà phân tích an ninh đang chuẩn bị cho Đối thoại Shangri-La, một diễn đàn an ninh khu vực chính, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này tại Singapore.
Ngoài ra, nó cũng xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung gia tăng căng thẳng trong thời gian gần đây ở Biển Đông, nơi Mỹ đã tăng cường tuần tra, giám sát nhằm khẳng định tự do hàng hải và Bắc Kinh phản ứng lại bằng sự cố “chặn không an toàn” máy bay do thám của Washington.
Hơn nữa, nguồn tin của SCMP lưu ý rằng việc thiết lập ADIZ là nhằm tăng áp lực đối với Mỹ trong vấn đề Biển Đông.
Đánh giá về khả năng trên, tác giả Ankit Panda cho biết trong bình luận trên Diplomat ngày 1/6 rằng có rất nhiều dấu hiệu cho thấy Trung Quốc có khả năng thiết lập ADIZ trên Biển Đông.
Trung Quốc đã phải đối mặt với một số khó khăn thường xuyên khi thực thi ADIZ ở Hoa Đông do ADIZ đòi hỏi phải có cơ sở hạ tầng rộng lớn để có thể thực thi thành công.
Nhưng ở Biển Đông, Bắc Kinh đã tiến hành một loạt biện pháp giải quyết khó khăn trên như xây dựng sân bay mới tại Đá Chữ Thập và Đá Xu-bi, và một sân bay trên đảo Phú Lâm. Hiện tại, Trung Quốc đã triển khai chiến đấu cơ J-11 tập trận ngoài khơi đảo Phú Lâm.
Trong đánh giá thường niên mới nhất về khả năng quân sự của Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ đánh giá rằng các đường băng có thể cho phép mọi máy bay quân sự của Trung Quốc cất cánh và hạ cánh.
Hơn nữa, Trung Quốc đã tìm cách cải thiện khả năng tình báo, giám sát, và khả năng trinh sát của mình trong khu vực này bằng cách xây dựng hệ thống radar tầm xa tiên tiến và gần đây nhất, thậm chí di chuyển một số máy bay do thám tới Biển Đông.
Khó khả năng thực thi
Tuy nhiên, cũng có những lý do chính trị và pháp lý cho thấy Trung Quốc có thể sẽ không đưa ra tuyên bố như vậy.
![]() |
Việc hé lộ ý định thiết lập ADIZ là nhằm tăng áp lực đối với Mỹ trong vấn đề Biển Đông. |
Thứ nhất, Trung Quốc đưa ra những bằng chứng rất mơ hồ cho yêu sách chủ quyền phi lý của mình ở Biển Đông và đẩy mạnh các biện pháp cứng rắn nhằm củng cố tuyên bố sai trái này của mình. Tuy nhiên, yêu sách “đường chín đoạn” của Bắc Kinh được tin là sẽ bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ.
Một tuyên bố thiết lập ADIZ đơn phương, không có bất kỳ sự quản lý nào của các cơ quan giám sát quốc tế nào, sẽ đòi hỏi Bắc Kinh phải “tự vẽ” ra đường biên giới trên không của mình. Nó sẽ phản ánh những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, hiện chưa rõ Bắc Kinh sẽ tuyên bố ADIZ trên toàn bộ hay 1 phần của cái gọi là “đường chín đoạn”. Việc Trung Quốc né tránh xác định bản chất yêu sách của mình sẽ làm suy yếu ADIZ.
Hơn nữa, khi chưa có ADIZ, Trung Quốc đã rất vất vả trong việc ngăn chặn các chuyến bay tuần tra của lực lượng Hải quân Mỹ nhằm khẳng định quyền tự do di chuyển trong các vùng biển quốc tế.
Theo tác giả bài viết, mục đích nguồn tin quân sự Trung Quốc tiết lộ với SCMP về ý định lập ADIZ ở Biển Đông đơn giảm là một lời đe dọa nhằm buộc Mỹ dừng các chuyến bay giám sát và các chuyến tàu tuần tra phản đối hành động “quân sự hóa Biển Đông” của Bắc Kinh.
Tuyên bố này, theo ông Panda, là một phần của các trận đấu tín hiệu giữa Mỹ và Trung Quốc để ngăn chặn các hành vi nhận thức họ không mong muốn.
Ngoài ra, ngoài lợi ích mang lại, ADIZ cũng đòi hỏi những chi phí rất lớn. Nó đòi hỏi một nguồn lực rất lớn để thực thi trong khi ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đang có dấu hiệu sụt giảm do cải cách kinh tế trì trệ.
Hơn nữa, nếu phán quyết của Tòa Trọng tài có lợi cho phía Philippines, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực ngoại giao rất lớn. Sự tổn hại về danh tiếng của Trung Quốc là không tránh khỏi.
Lợi ích hàng đầu của ADIZ là thực hiện chức năng “cảnh báo sớm” cho Trung Quốc trước các mối đe dọa từ máy bay của các nước trong khu vực. Tuy nhiên, với ưu thế quân sự hiện nay của Bắc Kinh, không lực lượng không quân nào trong khu vực có thể là một mối đe dọa đối với họ.
Do đó, giống như ADIZ ở Hoa Đông, một ADIZ ở Biển Đông chủ yếu là nhằm phục vụ mục đích chính trị, nhấn mạnh sự kiểm soát lãnh thổ với “cơ sở pháp lý không chắc chắn” của Trung Quốc.
Tác giả Panda lưu ý thêm rằng chắc chắn các quan chức Mỹ và Trung Quốc sẽ công khai hoặc riêng tư thảo luận về vấn đề này tại Đối thoại Shangri-La sắp tới.
Nếu Trung Quốc thực sự có kế hoạch triển khai thực hiện một ADIZ ở Biển Đông, quyết định có thể đã được thực hiện và chỉ còn chờ đợi thời điểm thích hợp để công bố.
Nếu thông báo này không xuất hiện trong mùa hè năm nay, nó cũng không đồng nghĩa với việc sẽ không tới trong tương lai.
Nếu tuyên bố này không bao giờ xuất hiện, có lẽ tất cả mọi người có thể tập trung vào những câu hỏi quan trọng hơn trong việc giảm căng thẳng ở Biển Đông.
Hoàng Hải