Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Philippines đang hy vọng rằng một phán quyết thuận lợi (dù ở mức tối thiểu) sẽ thu hút được áp lực của cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lâu dài ở Biển Đông.
Jonathan Almandrez đang mong mỏi Philippines sẽ thắng trong vụ kiện pháp lý quốc tế đối với Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông sắp tới để có thể tiếp tục đánh bắt cá tại nơi đây.
Almandrez đã bị đuổi ra khỏi vùng đánh bắt cá quen thuộc của mình ở Biển Đông kể từ khi các tàu tuần tra của Trung Quốc thực hiện các hoạt động tuần tra trên biển quanh khu vực bãi cạn Scarborough, khu vực tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines.
![]() |
Nhóm hoạt động phản đối Trung Quốc trên Biển Đông – Kalayaan Atin Ito |
“Tôi hết sức giận dữ, bởi rõ ràng khu vực này ở bên trong lãnh thổ Philippines”, người đàn ông 30 tuổi nói với AFP.
Scarborough được coi là khu vực có nguồn sinh vật phong phú và đa dạng nhất thế giới nhưng cũng là một phần trong tranh chấp lãnh thổ của Trung Quốc và Philippines trong vụ kiện tòa quốc tế sắp được phán quyết trong thời gian tới.
Almandrez cho biết hôm 7/6, tàu tuần tra bảo vệ bờ biển của Trung Quốc đã áp sát các tàu ngư dân của Philippines tại khu vực bãi cạn và yêu cầu họ không được phép đánh cá trong khu vực này.
“Chuyển sang vùng khác! Không đánh bắt cá bên trong”, các nhân viên tuần tra Trung Quốc hét lên bằng tiếng Anh, Almandrez kể lại.
“Hãy quay về Trung Quốc đi bởi đây là tài nguyên của Philippines,” Almandrez đáp lại phía nhân viên của Trung Quốc.
Tuy nhiên các tàu cá Philippines cuối cùng phải nhượng bộ rời đi bởi tàu tuần tra phía Trung Quốc to lớn hơn và dọa dẫm sẽ phun vòi rồng.
Trung Quốc kiểm soát Scarborough
Ngư dân địa phương cho biết, 230km ngoài khơi đảo Luzon, đã được họ khai phá, đánh bắt qua nhiều thế hệ.
![]() |
Trung Quốc chiếm bãi cạn Scarborough từ năm 2012. Ảnh: Reuters |
Khu vực này cách đảo Hải Nam tới 650km nhưng Bắc Kinh vẫn tuyên bố nó nằm trong “đường lưỡi bò” phi lý kiểm soát gần như toàn bộ Biển Đông của nước này.
Theo Almandrez và những người khác từ thị trấn chuyên đánh bắt cá nổi tiếng Infanta, trên đảo Luzon cho biết, các rạn san hô và các vùng nước cạn ở quanh Scarborough có nguồn cá hết sức dồi dào. Lượng cá có thể đánh bắt lên tới 200kg chỉ trong vòng một giờ. Nó cũng là nơi trú ẩn quan trọng cho ngư dân mỗi khi có bão lớn trên biển.
Trung Quốc bắt đầu chiếm quyền kiểm soát bãi cạn này từ năm 2012, sau một cuộc đụng độ nhỏ với hải quân Philippines.
Kể từ đó, bất cứ tàu cá nào không phải của Trung Quốc tiếp cận miệng khu vực này đều bị cản trở bằng vòi rồng. Những tàu cá chống cự lại hoặc từ chối rời đi sẽ có nguy cơ bị đâm chìm.
“Vòi rồng phun nước của Trung Quốc rất mạnh, nó dễ dàng làm hư hại phần vỏ ngoài của tàu thuyền” Felix Lavezores, 36 tuổi, nói với AFP.
Ngoài ra Trung Quốc còn cắt đứt mỏ neo của tàu thuyền Philippines, theo một số ngư dân Philippines ở Infanta cho hay.
Mỗi chuyến ra khơi của ngư dân Philippines thường tiêu tốn chi phí lên tới 90.000 peso (khoảng 2,000 USD), bao gồm nhiên liệu, vật tư và tiền lương cho thủy thủ. Với số tiền lớn như vậy, họ không thể trở về tay trắng.
Hơn ai hết, chính những người dân Philippines là những người đang chờ đợi phán quyết của tòa trọng tài sắp tới đây để có thể sớm quay trở lại với công việc gắn bó lâu đời của mình.
Bất kể phán quyết của PCA thế nào, Trung Quốc sẽ không dễ từ bỏ Scarborough
Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, thậm chí các vùng nước gần bờ biển của các nước láng giềng châu Á.
Khi được hỏi về sự việc ngăn cản ngư dân của tàu tuần tra Trung Quốc, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh tiếp tục nhắc lại quan điểm như mọi lần của Bắc Kinh.
“Chúng tôi đã nói rằng Bãi cạn Scarborough là lãnh thổ nội tại của Trung Quốc. Hoạt động thực thi pháp luật Bờ biển tàu tuần Trung Quốc trong vùng biển chủ quyền của Trung Quốc là hợp pháp”, bà Hoa nói với các phóng viên tại Bắc Kinh hôm thứ 21/6.
Các yêu sách lãnh thổ nhiều thập kỷ qua của Trung Quốc biển ở Biển Đông là mâu thuẫn chính trong các cuộc xung đột ở khu vực. Căng thẳng tiếp tục gia tăng mạnh trong những năm gần đây khi Trung Quốc đã tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình tại khu vực tranh chấp.
Bên cạnh việc kiểm soát Scarborough, Bắc Kinh đã tiến hành bồi đắp, quân sự hóa trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Nhiều ý kiến quan ngại rằng việc bồi đắp đảo nhân tạo sẽ là bàn đạp cho Trung Quốc tăng cường sự kiểm soát trên Biển Đông cũng như xác lập vùng nhận dạng phòng không tại tuyến đường hàng hải được coi là quan trọng nhất trên thế giới.
Philippines là nước có phản ứng mạnh mẽ nhất trong thời gian qua khi đưa vụ việc ra trước Tòa Trọng tài Thường trực để giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Mặc dù Trung Quốc là một trong những nước từng công nhận Luật Biển trong Công ước Liên Hợp Quốc nhưng quốc gia này bác bỏ việc mình vi phạm luật pháp quốc tế mà còn cáo buộc ngược lại rằng việc Philippines đưa Bắc Kinh ra tòa án quốc tế là hành động cố tình gây căng thẳng giữa hai nước.
Philippines đang hy vọng rằng một phán quyết thuận lợi (dù ở mức tối thiểu) sẽ thu hút được áp lực của cộng đồng quốc tế lên án Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lâu dài ở Biển Đông.
Tuy nhiên có một điều có thể thấy trước rằng, Trung Quốc có lẽ sẽ không dễ dàng để cho ngư dân Philippines quay trở lại bãi cạn Scarborough dù phán quyết của tòa án có thế nào đi chăng nữa.
Minh Vũ