Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc dường như đang gia tăng các hoạt động khiêu khích ở Biển Đông trước ngày PCA đưa ra phán quyết.
Công lý sẽ được thực thi
Tờ Los Angeles Times (Mỹ) đưa ra bình luận, dù những tuyên bố gần đây của Trung Quốc nói sẽ không chấp nhận bất cứ phán quyết nào của PCA thì phán quyết vẫn sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến quan hệ khu vực và quốc tế.
![]() |
Hình ảnh lính Trung Quốc diễn tập chiếm đảo được truyền thông Trung Quốc đưa tin (ảnh CCTV) |
Cận ngày phán quyết, báo chí Trung Quốc liên tục đưa tin về các nước ủng hộ lập trường “không theo kiện, không chấp hành phán quyết” của họ. Con số này được nâng từ 40 nước hồi tháng trước lên 60 quốc gia vào tuần này, trong đó được nhắc tới nhiều nhất là các quốc gia ở châu Phi, Trung Đông và Trung Á. Tuy nhiên thực tế đa phần các quốc gia trong danh sách tự đăng của Bắc Kinh đều phản đối và bác bỏ lập trường ủng hộ Trung Quốc.
Chuyên trang phân tích về ngoại giao Foreign Policy dẫn lời của giáo sư luật Đại học New York Jerome A. Cohen: “Nếu nghiên cứu sâu về ngoại giao, chúng ta có thể thấy chính sách đối ngoại của Trung Quốc và lập trường pháp lý của họ không phải lúc nào cũng nhất quán. Nếu những quốc gia có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc cố gắng thúc đẩy mạnh mẽ giải quyết khác biệt thông qua ngoại giao, trong đó bao gồm cả phương án nhờ đến các thể chế pháp lý quốc tế, thì rồi những nỗ lực này cũng có thể mang đến hiệu quả”.
Theo Giáo sư Cohen, cần một sự đồng lòng trong vấn đề này bởi nếu tất cả các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc ở Biển Đông đồng loạt lên tiếng, đưa tranh chấp này ra các cơ quan pháp lý quốc tế thì chúng ta có thể hy vọng một sự thay đổi toàn diện. Chúng ta không thể dựa hoàn toàn vào những cuộc đàm phán song phương vô tận, không có kết quả và không công bằng hoặc các động thái quân sự của Mỹ, điều đó không mang lại kết quả nhiều.
South China Morning Post lại đưa ra một dự đoán khác, “Hiện nay Biển Đông là một vấn đề lớn gây nhiều nguy cơ xung đột tiềm ẩn, phán quyết của PCA có thể làm trầm trọng hơn căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng châu Á và đẩy họ đến nguy cơ căng thẳng, mặc dù họ có quan hệ thương mại chặt chẽ với nhau.
Điều còn đáng lo ngại hơn là nguy cơ xung đột giữa Trung Quốc và Mỹ, khi hai bên liên tục cáo buộc lẫn nhau có hành động khiêu khích và gây căng thẳng”, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại King’s College ở London bình luận
Sẽ không để xung đột có cơ hội nổ ra
Trước câu hỏi của PV tiên liệu chiều hướng hành động của Trung Quốc sau phán quyết của PCA sẽ như thế nào, liệu có gia tăng căng thẳng dẫn tới xung đột trên Biển Đông? Học giả Ngô Di Lân phân tích:
“Đến thời điểm này gần như tất cả đều đã nhất trí rằng Biển Đông đang nóng lên từng ngày chủ yếu bởi sự hung hăng và quyết đoán ngày một rõ rệt hơn từ phía Trung Quốc. Từ việc gây sức ép lên các công ty dầu khí nước ngoài cho tới cải tạo, bồi đắp hàng nghìn mét vuông đảo trái phép, Trung Quốc đã và đang cho thấy quyết tâm nuốt trọn Biển Đông của mình bất chấp sự phản đối từ các nước khác. Câu hỏi còn gây tranh cãi duy nhất đó là “nguy cơ xung đột vũ trang xảy ra trên Biển Đông là bao nhiêu?”.
![]() |
Học giả Ngô Di Lân diễn thuyết trong một cuộc hội thảo về Biển Đông. |
Về lý thuyết, việc xung đột vũ trang có xảy ra trên Biển Đông hay không trong thời gian sắp tới phụ thuộc vào các động thái chính trị-quân sự-ngoại giao của tất cả các nước liên quan, kể cả gián tiếp như Mỹ. Tuy nhiên khó có thể tưởng tượng được ra một viễn cảnh mà trong đó Mỹ hay một nước nhỏ nào đó trong khu vực lại chủ động phát động chiến tranh.
Trên thực tế chỉ có Trung Quốc mới có đủ sức mạnh quân sự và lợi ích chiến lược để bắt đầu một cuộc chiến như vậy. Hơn nữa, Trung Quốc là nước duy nhất từng sử dụng vũ lực để chiếm đảo ở Biển Đông (lần 1 vào năm 1974, lần 2 vào năm 1988 và lần 3 vào năm 2012). Thế nên câu hỏi thật sự phải là: liệu khả năng Trung Quốc một lần nữa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là bao nhiêu?
Cũng bình luận phân tích về khả năng xung đột trên Biển Đông, TS. Lê Hồng Hiệp , Viên nghiên cứu Đông Nam Á tại Sinhgapo phân tích: “Trong thời gian vừa qua chúng ta thấy tình hình Biển Đông trở thành tâm điểm của tình hình an ninh khu vực khi Trung Quốc đã có những bước đi, động thái làm đảo lộn, bất ổn trật tự ở khu vực.
Cụ thể, là việc Trung Quốc xây các đảo nhân tạo với quy mô lớn đi liền với việc quân sự hóa các đảo đã gây quan ngại cho cộng đồng khu vực. Tôi nghĩ rằng trong hội nghị lần này các bên đặc biệt là Hoa Kỳ, hay các nước có quan hệ gần gũi với hoa kỳ tận dụng diễn đàn này để đưa ra những lời chỉ trích hoặc ít nhất là cảnh báo Trung Quốc về những hậu quả này”.
Đứng ở một góc độ khác, TS Bonnie Glaser, chuyên viên của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington nói: “Ví dụ, nếu PCA ra phán quyết cho rằng người dân Philippines có quyền đánh cá gần bãi cạn Scarborough và chính phủ Philippines điều tàu hải quân để thực thi phán quyết, điều đó có thể kích động phản ứng từ Trung Quốc. Một cuộc chạm trán hoàn toàn có thể xảy ra, bởi Trung Quốc đâu thể chấp nhận điều này”.
National Interest (Mỹ) dẫn lời chuyên gia Jay Batongbacal, một nghiên cứu viên về luật hàng hải tại Đại học Philippines, cho rằng: “Nếu nhìn vào những tham vọng và hành vi quyết đoán của Trung Quốc trong việc bồi lấp và cải tạo trái phép trên Biển Đông thì rất dễ một kịch bản xấu giữa Philippines và Trung Quốc sẽ xảy ra”, tuy nhiên ông Batongbacal cũng không chỉ ra đó là kịch bản gì.
Giáo sư Huang Jin, chuyên nghiên cứu quan hệ Mỹ – Trung tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định: “Căng thẳng sẽ không thể nào sớm kết thúc và vẫn tồn tại nguy cơ xảy ra xung đột nhỏ. Do đó, tình hình Biển Đông trong tương lai vẫn phải dựa vào khả năng liệu Trung Quốc và Mỹ có thể gạt sang một bên những khác biệt của họ và chung tay trong việc kiểm soát tình hình hay không.
Quản lý khủng hoảng không nhất thiết có nghĩa là ngăn chặn một cuộc khủng hoảng. Thay vào đó, nó nghiêng nhiều hơn về khả năng giảm thiểu nguy cơ leo thang nếu khủng hoảng xảy ra”.
Vi Hậu-Phương Anh