Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ tuần trước là cơ hội để Tổng thống Nga Putin trở thành người bạn của ông Erdogan, trong bối cảnh Ankara hứng chịu nhiều sự chỉ trích từ phương Tây.
Theo tờ The Hill, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan đã có cuộc điện đàm hôm Chủ nhật (17/7). Báo cáo cho biết phía Moscow là người chủ động liên lạc trước.
Cũng không ngạc nhiên khi ông Putin lên án cuộc đảo chính nhằm vào chính phủ hợp pháp dù ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Yemen hay bất cứ nơi nào khác, theo Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Tổng thống Nga có lý do để lo ngại điều này trước làn sóng biểu tình quy mô lớn ở Nga cuối năm 2011 cho đến đầu năm 2012, được cho là do phương Tây đứng sau.
![]() |
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Thành viên trong đảng nước Nga Thống nhất, Shamsail Saraliyev trước đó bày tỏ quan điểm cho rằng Mỹ đứng sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ.
“Do vậy, sẽ tốt với Thổ Nhĩ Kỳ trong thời điểm này nếu tái khởi động mối quan hệ với tất cả mọi người, bao gồm cả Nga, với tư cách là đối tác chiến lược”, ông Saraliyev nhận định. Dự kiến nhà lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp trực tiếp vào đầu tháng 8.
Nhưng nhiều người Nga hiểu rằng nguyên nhân đảo chính không phải do lỗi của ai khác mà chính bởi ông Erdogan. Một số so sánh ông Erdogan với cựu Tổng thống Ukraine bị lật đổ Viktor Yanukovych. Số khác liên hệ với cuộc nổi dậy ở Nga năm 1825 hay đảo chính thất bại nhằm lật đổ nhà độc tài Hitler tháng 6/1944.
Trước cuộc khủng hoảng Syria diễn ra năm 2011, ông Putin và Erdogan chưa bao giờ gần gũi hơn như vậy. Nguồn tin từ cả hai phía nói, gần đây hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ thường có cuộc họp kín với nhau, mà không có sự xuất hiện của bất kỳ ai khác. Cả hai đều có những quan điểm khá giống nhau về cách đem đến sự ổn định và thịnh vượng về kinh tế cho đất nước.
Tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa rõ ràng, nhưng ông Putin là người nổi tiếng trong việc biến tình huống như vậy trở thành lợi thế. Ông Putin sẽ phác họa hình ảnh là người bạn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, cùng lúc gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn với Nga trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thay đổi lập trường về tình hình Syria theo hướng có lợi cho Nga.
Tình cảnh hiện tại giúp ông Putin dễ dàng đạt mục đích hơn so với trước thời điểm đảo chính diễn ra. Báo Nga Kommersant dẫn lời Giám đốc Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ (CAST), Ruslan Pukhov nói cả ông Putin và đồng minh Bashar al-Assad ở Syria sẽ được hưởng lợi sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ. “Ông Erdogan sẽ không còn sức lực, tâm trí và nguồn lực để giúp đỡ phe đối lập thân Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria”.
Cùng thời điểm, Nga sẽ tạm gác lại mối quan hệ với người Kurd. Chỉ mới tháng 12 năm ngoái, Moscow đã tiếp đón ông Selahattin Demirtas, Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Demirtas từng bị tố phản quốc vì lên án Ankara bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga ở Syria. Như vậy, ông Putin sẽ thể hiện sự linh hoạt khi phác họa mình là đồng minh và là người giúp ông Erdogan tránh xa khỏi phương Tây.
Tiến sĩ Alexander Shumilin, nhà nghiên cứu lâu năm về vấn đề Trung Đông của Học viện Khoa học Nga cũng bày tỏ quan điểm cho rằng, cuộc đảo chính sẽ kéo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần nhau hơn. Có nhiều lý do để giải thích cho nhận định này, ông Erdogan từng nói những kẻ âm mưu đảo chính cũng là những người đã bắn rơi máy bay Nga hồi năm ngoái.
Việc ông Erdogan mạnh tay tiến hành “thanh lọc” lực lượng an ninh một cách mạnh mẽ sau đảo chính cũng làm phức tạp hơn mối quan hệ với phương Tây và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải hủy bỏ “kế hoạch B” cùng với Saudi Arabia về vấn đề Syria.
Nhà phân tích nổi tiếng người Nga Lilia Shevtsova lưu ý rằng, ông Erdogan biết phương Tây cần Thổ Nhĩ Kỳ và căn cứ không quân của nước này. Do đó, ông Erdogan có thể gây sức ép, buộc các nhà lãnh đạo phương Tây làm ngơ trước những diễn biến xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ sau đảo chính. Điều này cuối cùng cũng chỉ làm gia tăng sự khác biệt giữa Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây, dù Ankara từ lâu đã muốn thay đổi để gia nhập Liên minh châu Âu.
Đăng Nguyễn
2016-07-19 20:48:05