Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Tờ Reuters gọi đây là “một cuộc đảo chính kỳ lạ của thế kỷ 20, bị đánh bại bởi công nghệ và quyền lực nhân dân của thế kỷ 21″.
Khi một nhóm quân nhân của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tự xưng là “Hội đồng Hòa bình” tiến hành đảo chính lật đổ chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 15/7, các vị tướng nổi loạn cùng với quân lính dường như đã sẵn sàng cho một cuộc chiến cuối cùng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lên sóng CNN Turk qua ứng dụng FaceTime. |
Gareth Jenkins, một nhà nghiên cứu quân sự tại Istanbul nhận định: “Cuộc đảo chính này đã được lên kế hoạch rõ ràng là khá tốt nhưng nó lại sử dụng cách thức của những năm 1970″.
Theo chuyên gia này, cuộc đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ có hơi hướng giống như Chile vào năm 1973, hay Ankara vào năm 1980 hơn là một quốc gia phương Tây hiện đại của năm 2016.
Lực lượng đảo chính tấn công vào một ngày cuối tuần khi tổng thống đã rời khỏi dinh đi nghỉ ngơi.
Họ chiếm giữ sân bay chính, phong tỏa một cây cầu bắc qua eo biển Bosphorus ở Istanbul, đưa xe tăng tới Quốc hội, kiểm soát các nút giao thông chính ở thủ đô Ankara.
Sau đó phát sóng trên truyền hình quốc gia TRT với tuyên bố lệnh giới nghiêm và cảnh báo người dân ở nhà.
Nhưng sự sai lầm ở đây của nhóm này đó là không bắt được bất kỳ nhà lãnh đạo nào của đảng cầm quyền AK.
“Kế hoạch chi tiết của họ không hiệu quả vì họ đã thất bại ngay từ đầu trong việc kiểm soát quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hay bắt giữ một nhà lãnh đạo chính trị nào đó”, Sinan Ulgen, một nhà cựu ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Nhóm này kiểm soát được truyền hình quốc gia nhưng không ngăn được các kênh truyền hình tư nhân tiếp tục phát sóng.
Sóng di động và mạng xã hội vẫn hoạt động để rồi chính điều này đã cho phép Erdogan và các trợ lý của mình nhanh chóng kêu gọi người dân xuống đường phản đối cuộc đảo chính.
Tổng thống Erdogan, người thường xuyên bị cáo buộc can thiệp vào báo chí và các phương tiện truyền thông xã hội đã sử dụng chính công nghệ truyền thông hiện đại này để gửi thông điệp đến 80 triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông sử dụng ứng dụng FaceTime trên điện thoại của phóng viên để phát sóng hình ảnh của mình trên kênh CNN Turk. Một trong những đài truyền hình mà nhóm đảo chính đã không thể kiểm soát.
Trong vòng 20 phút sau cuộc đảo chính, Thủ tướng Binali Yildirim viết trên Twitter để tố cáo cuộc binh biến và khẳng định với người Thổ Nhĩ Kỳ rằng chỉ huy tối cao của lực lượng vũ trang nước này không ủng hộ cuộc nổi dậy.
Cách thức này khiến người ta liên tưởng tới mục sư Tin lành Martin Luther, người đã từng sử dụng báo in từ những năm 1517 để truyền bá tư tưởng của mình và lên án các nhà thờ Công giáo La Mã, hay đoạn băng ghi âm của giáo sĩ Ayatollah Ruhollah Khomeini thu ở Pháp được sao chép và lan ra khắp Iran trong cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
Các phương tiện truyền thông xã hội có thể khiến cho chính phủ khó khăn trong việc kiểm soát các luồng thông tin gây hại đến từ nhiều phía.
Thế nhưng chính quyền Erdogan hôm đó đã khôn khéo trong việc sử dụng các công cụ này để trấn an người dân khi phát trực tiếp hình ảnh và thông tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vẫn an toàn và không bị quản thúc.
Tổng thống tiền nhiệm Abdullah Gul cũng sử dụng FaceTime để bày tỏ sự phản đối với âm mưu đảo chính. Còn cựu Thủ tướng Ahmet Davutoglu nói chuyện qua điện thoại di động với kênh truyền hình Al Jazeera khẳng định cuộc đảo chính sẽ nhận lấy thất bại.
Tờ Reuters gọi đây là “một cuộc đảo chính kỳ lạ của thế kỷ 20, bị đánh bại bởi công nghệ và quyền lực nhân dân của thế kỷ 21″.
Đọc thêm>>> John Kerry: Mỹ chỉ dẫn độ Gulen nếu Thổ Nhĩ Kỳ có bằng chứng
Minh Vũ
2016-07-17 16:16:05