Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Các chuyên gia tin rằng cuộc đảo chính vừa bị dập tắt tại Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của chính sách “độc đoán” của Tổng thống Erdogan.
Ngày 15/7, một cuộc đảo chính đã diễn ra ở thành phố Istanbul và Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người khởi xướng và “bộ não” của cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ được xác định là Đại tá Muharrem Kose.
Nhân vật này từng bị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sa thải hồi tháng 3 năm nay do cáo buộc đã cấu kết với nhiều phe nhóm chống chính phủ và đối tượng lưu vong tại Mỹ Imam Fethullah Gulen.
![]() |
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng đảo chính quân sự. Ảnh Rian |
Đại tá Kose cũng là người tin rằng chính quyền Tổng thống Erdogan đã phá hỏng tình hình Trung Đông, trong đó có quốc gia láng giềng Syria.
Mặc dù cuộc đảo chính đã được loan báo là thất bại, nhưng các cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn tiếp diễn. Nhiều người tham gia đảo âm mưu chính đã đầu hàng và bị bắt giữ.
Bình luận về nguyên nhân dẫn tới biến cố trên, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga, ông Igor Korotchenko cho rằng chính cuộc “thanh lọc” mà Tổng thống Erdogan tiến hành trong giới quân sự cấp cao đã kích động một cuộc đảo chính quân sự ở đất nước này.
“Về những nguyên nhân gây sự bất mãn của phe đảo chính với hoạt động của Tổng thống thì có vô số. Cụ thể, trong quá trình “thanh lọc” những nhân vật trong ban lãnh đạo lực lượng vũ trang thời trước, Erdogan đã hành động cứng rắn bằng các hành động bắt bớ, đưa ra tòa án binh và kết án hàng loạt tướng lĩnh cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái như vậy, quả thực không thể khơi dậy tình yêu của giới quân sự dành cho Tổng thống”, ông Korochenko nói với Sputnik.
Trong một bình luận trước đó, đại diện Nhóm Hmeymim của phe đối lập Syria, Tarek Ahmad cho rằng cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ là kết quả của việc chính phủ Ankara hỗ trợ những kẻ khủng bố trong thời gian qua đã gây ra sự phẫn nộ và rạn nứt trong lòng quốc gia này.
“Sự tham gia của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và vai trò của Ankara khi có dấu hiệu tiếp tay cho những kẻ khủng bố trên khắp thế giới là lý do chính của cuộc đảo chính”, Ahmad nói.
Theo ông, hơn 50.000 chiến binh khủng bố đã thâm nhập vào Syria thông qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và chính quyền Ankara đã không làm gì để ngăn chặn điều này.
![]() |
Khi cuộc đảo chính thất bại, quyền lực của ông Erdogan sẽ được tăng cường, bao gồm cả “sự độc đoán” của ông. |
Theo Reuters, cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ có thể gây khó khăn cho cuộc chiến chống khủng bố IS của Mỹ ở Syria và phá hoại các mục tiêu khác của Washington ở Trung Đông, làm suy yếu nền dân chủ và gây bất ổn kéo dài trong thành viên NATO này.
Blaize Misztal, Giám đốc an ninh quốc gia tại Trung tâm Chính sách lưỡng đảng nói với Reuters rằng Mỹ lo ngại cuộc đảo chính quân sự thất bại sẽ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào một cuộc đấu tranh quyền lực kéo dài mới và bất ổn nhiều hơn trước.
Thổ Nhĩ Kỳ là cầu nối giữa châu Âu và Trung Đông, quốc gia có quân đội lớn thứ hai trong NATO và là nền kinh tế lớn nhất khu vực. Mặc dù lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ luôn gắn với các cuộc đảo chính quân sự, nhưng quốc gia 75 triệu dân này là nền dân chủ lâu đời nhất trong khu vực, là nền tảng giúp duy trì sự ổn định ở đông nam của châu Âu và Trung Đông.
“Đây có thể là một trong những thách thức quan trọng nhất của chính quyền Obama. Một Thổ Nhĩ Kỳ ổn định là rất quan trọng đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông, khu vực Balkan và Caucasus “, Bruce Riedel, thuộc Viện Brookings, cựu chuyên gia phân tích của CIA cho biết.
Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có các cơ sở quân sự quan trọng của Mỹ và NATO. Căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ đang được Mỹ sử dụng làm cơ sở chính cho các chiến dịch không kích IS tại Syria và hỗ trợ lực lượng nổi dậy ôn hòa tại Syria, là nơi Mỹ triển khai một radar cảnh báo sớm cho hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu của NATO.
Xem thêm>>> Đảo chính tại Thổ Nhĩ Kỳ: Toàn cảnh diễn biến qua ảnh
Các quan chức Mỹ đã từng chỉ trích sự gia tăng độc đoán của ông Erdogan, sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nhóm đối lập chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad và tốc độ chậm chạp của Ankara trong việc đóng cửa biên giới với Syria để ngăn các chiến binh khủng bố tràn vào châu Âu.
Về phần mình, ông Erdogan tức giận bởi sự hỗ trợ của Mỹ đối với người Kurd ở Syria – lực lượng được xem là một mối đe dọa đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.
Mặc dù Mỹ cam kết sẽ vẫn ủng hộ chính phủ Erdogan trong mọi hoàn cảnh, nhưng lợi ích của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng, Gonul Tol, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông cho biết.
Chuyên gia này cũng cảnh báo thêm rằng, khi cuộc đảo chính thất bại, quyền lực của ông Erdogan sẽ được tăng cường, bao gồm cả “sự độc đoán” của ông.
Xem thêm >>> Ông Erdogan trấn an người dân qua FaceTime trước âm mưu đảo chính
Hoàng Hải
2016-07-15 22:24:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/su-doc-doan-cua-tt-erdogan-la-nguyen-nhan-dan-den-dao-chinh-a250411.html