Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Cái gọi là “Chuyên gia nước ngoài” của Thời báo Hoàn Cầu – tờ báo cổ súy dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc là bất cứ ai, miễn là người ngoại quốc.
Hiện tại có khoảng 20 biên tập viên nước ngoài làm việc cho Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), những người này còn được gọi là các “chuyên gia nước ngoài”. Nhưng thực tế đó chỉ là một biệt danh sáo rỗng dành cho bất kỳ ai, miễn là người ngoại quốc, làm việc tại đây.
![]() |
Một biên tập viên nước ngoài bên cạnh đồng nghiệp Trung Quốc của mình tại Global Times. Ảnh Quartz. |
Không như một chuyên gia bình luận đích thực, họ làm tất cả mọi thứ từ truyền tin, tổng hợp bài viết, cho đến sửa lại bản chuyển ngữ.
Các “chuyên gia” này cũng được trả lương cao hơn so với người bản địa. Justin Mitchell, một biên tập viên làm việc tại Global Times từ năm 2009 đến năm 2012 cho biết, tờ báo hỗ trợ tiền thuê nhà hàng tháng cho ông ở Bắc Kinh vào khoảng 3.000 nhân dân tệ (khoảng 450 USD) ngoài số tiền lương 19.000 nhân dân tệ (khoảng 3.000 USD) mỗi tháng. Trong khi đó, một phóng viên người Trung Quốc làm việc cho Global Times trong cùng thời điểm chỉ được trả 8.000 nhân dân tệ (khoảng 1.000 USD) mỗi tháng.
Một cựu biên tập viên nước ngoài cho biết ông có thu nhập gấp đôi so với công việc của mình trước đây khi làm cho tờ báo của Trung Quốc khác. Mặc dù thu nhập 35.000 USD/năm được coi là số tiền chỉ có ở các nhà báo xuất sắc ở Trung Quốc, con số này chỉ dành cho những nhà báo trung bình ở các nước như Australia hoặc Mỹ.
Theo Mitchell, lý do người nước ngoài làm việc cho Global Times cũng rất đa dạng, một số chỉ muốn ở lại Trung Quốc với một công việc được trả lương cao mà không phải trở thành một giáo viên tiếng Anh. Trong khi một số người hào hứng khi nghĩ rằng họ sẽ “chuyển đổi các bài viết theo góc nhìn của phương Tây” thì những người khác coi đó là một công việc mới lạ.
![]() |
Justin Mitchell (đứng thứ 5 từ phải sang) khi còn làm việc cho Global Times hồi năm 2012. |
Một cựu biên tập viên nước ngoài giấu tên cho biết công việc “tuyên truyền” giật gân cho tờ báo này khiến ông nhiều lúc cảm thấy khá buồn cười. Người này cho biết mình không cảm thấy xấu hổ khi làm việc tại Global Times, nhưng một số người đã ra đi vì cảm thấy khó chịu.
“Tôi cảm thấy mình như một giáo viên khi giúp đỡ các đồng nghiệp Trung Quốc cải thiện trình độ tiếng Anh. Mặc dù nhiều lúc cũng phải gặp khó khăn khi phải sửa lại những bài viết tiếng Anh theo kiểu Trung Quốc của họ”, người này cho biết.
Ngược lại, các phóng viên người Trung Quốc cho biết họ học hỏi được nhiều điều từ các “chuyên gia nước ngoài” này. Albert Sun, 32 tuổi, một phóng viên kinh doanh của Global Times từ năm 2009 đến năm 2011, nói rằng anh “đánh giá cao” những gì mình học được về các kỹ năng báo chí. Họ đã giới thiệu cho anh một số bài đọc giúp trau dồi tiếng Anh tốt của tờ The New Yorker.
Trong năm 2013 sau khi rời Global Times, Mitchell đã viết một bài với tựa đề “Làm việc cho Global Times không phải là điều tội lỗi” để phản bác ý kiến của một phóng viên Hồng Kông cho rằng “các bài bình luận trên Thời báo Hoàn cầu đầy tính tiêu cực”. Mitchell viết rằng, “nếu chịu khó sàng lọc, vẫn có những bài viết xuất sắc”.
Nhưng cuối cùng, Albert Sun vẫn quyết định rời Global Times vì cảm thấy “danh tiếng nghề báo của mình đã bị tổn hại”.
Minh Vũ
2016-08-11 15:00:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/su-that-ve-cac-chuyen-gia-nuoc-ngoai-cua-to-thoi-bao-hoan-cau-a253830.html