Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Vị trí đứng của mỗi nguyên thủ quốc gia trong các bức hình truyền thống chụp tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 đều có ý nghĩa riêng.
Trong khi các nhà lãnh đạo thế giới tập trung tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước có nền kinh tế phát triển và mới nổi G-20 thì giới quan sát không chỉ chú ý tới những kế hoạch lớn mà cả những chi tiết nhỏ tại hội nghị này.
Hình ảnh ông Obama không được trải thảm đỏ và thang riêng khi xuống máy bay gây tranh cãi. (Ảnh: AP) |
Sự cố “cầu thang” của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào hôm 3/9 là một ví dụ điển hình. Việc ông Obama không được cấp cầu thang máy bay và trải thảm đỏ khi xuống sân bay Hàng Châu đã thổi bùng lên những tranh cãi trong giới truyền thông.
Tuy nhiên, bên cạnh việc các nguyên thủ được trải thảm đỏ và chào đón tại sân bay như thế nào, giới quan sát cũng chú ý tới vị trí đứng chụp ảnh của các nguyên thủ quốc gia, bởi điều đó có thể nói lên quyền lực chính trị của các nguyên thủ đại diện cho các quốc gia.
Khi các nguyên thủ chụp ảnh tại hội nghị G-20 năm nay, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đứng hai bên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Thổ Nhĩ Kỳ là chủ nhà của G-20 vào năm ngoái và Đức sẽ đảm nhiệm vị trí này vào năm sau.
Đứng cạnh bà Merkel và ông Erdogan là Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Trong hội nghị G-20 ở Brisbane, Australia năm 2014, ông Putin đứng phía ngoài cùng khi chụp ảnh. Năm đó, nhà lãnh đạo Nga đã cắt ngắn chương trình làm việc của mình tại hội nghị sau khi các nhà lãnh đạo phương Tây tỏ ra lạnh nhạt với ông do can thiệp của Moscow vào cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Tuy nhiên, năm nay, trước khi chính thức diễn ra hội nghị, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng ông Putin sẽ là “thượng khách” tại G-20.
Vị trí đứng của các nhà lãnh đạo G-20 năm nay khi chụp ảnh. (Ảnh: SCMP) |
Năm nay, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng đứng ở hàng đầu tiên trong bức ảnh truyền thống.
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đứng ở hàng thứ hai. Nhưng khi ông Tập và ông Shinzo Abe bắt tay tại Hàng Châu vào ngày khai mạc hội nghị, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nở một nụ cười nồng ấm – sự tương phản sắc nét với cuộc gặp trước của hai nguyên thủ tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Bắc Kinh từ 2 năm trước. Khi ấy, ông Tập xuất hiện với vẻ mặt cau có và cả hai cùng tránh nhìn vào mắt nhau khi đứng trước phóng viên.
Ông Abe và ông Tập trong cuộc gặp năm 2014 trong khuôn khổ Diễn đàn APEC. (Ảnh: Reuters) |
Hai nhà lãnh đạo Nhật Bản – Trung Quốc trong hội nghị G-20 năm nay. (Ảnh: AFP) |
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Obama bắt tay, họ đã có một cuộc nói chuyện ngắn. Trước đó, ông Obama đã bước xuống chuyên cơ Air Force One bằng một chiếc cầu thang nhỏ, không giống như những nghi thức ngoại giao thông thường, trải thảm đó khi đón nguyên thủ quốc gia.
Ngay trước khi ông Obama đặt chân xuống Hàng Châu, quan chức Mỹ và Trung Quốc cũng đã xảy ra bất đồng trong thủ tục ngoại giao khi một quan chức Trung Quốc la hét cộng sự người Mỹ.
Khi ông Tập chào đón các nguyên thủ vào hôm 4/9, cuộc trò chuyện của ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel dài hơn so với các nhà lãnh đạo khác, trong khi đó khoảnh khắc gặp gỡ với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye ít ấm áp hơn dù cả hai nhà lãnh đạo vẫn cười.
Tuy vậy, ảnh hưởng chính trị không phải là nhân tố duy nhất quyết định vị trí đứng của các nguyên thủ quốc gia. Theo thông lệ bất thành văn của nghi thức ngoại giao, vị trí đứng còn phụ thuộc vào thời gian một nhà lãnh đạo nắm quyền.
Đó là lý do vì sao ông Obama, người thường đứng đầu, lại phải đứng ở hàng thứ hai trong hội nghị tại London, Anh vào năm 2009, thời điểm ông mới nhận nhiệm sở được 3 tháng.
Nhà lãnh đạo của các tổ chức quốc tế, ví dụ như Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF Christine Legarde và Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, thường đứng ở hàng thứ ba.
Việc đổi chỗ ngồi tại các cuộc họp và bữa tiệc cũng thường diễn ra tại G-20. Tại hội nghị năm 2009, cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown đã đề nghị đổi chỗ cho cựu Tổng thống Pháp Nicholas Sarkozy ngồi gần cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sau khi ông Sarkozy dọa sẽ rời khỏi hội nghị.
Kế hoạch chỗ ngồi cho cuộc gặp năm 2013 tại Saint Petersburg, Nga được cho là đã bị điều chỉnh để ông Obama và Putin ngồi cách xa nhau khi căng thẳng ngữa Nga và Mỹ về vấn đề Syria đang đạt đỉnh điểm.
Bên cạnh đó, việc lựa chọn thực phẩm xuất hiện trong thực đơn cũng được theo dõi chặt chẽ bởi nó phản ánh “quyền lực mềm” của nước chủ nhà.
Đầu bếp nổi tiếng người Anh Jamie Oliver đã khiến bữa tiệc của năm 2009 trở nên đáng nhớ trong mắt các nhà lãnh đạo với kiểu cách nấu ăn đầy ấn tượng với các món đặc biệt như cá hồi Scotland, thịt vai cừu non và bánh tart.
Chủ nhà năm nay, thành phố Hàng Châu, là niềm tự hào của ẩm thực Chiết Giang, một trong tám trường phái truyền thống ẩm thực tuyệt vời của Trung Quốc. Những món ăn nổi tiếng của ẩm thực Hàng Châu phải kể tới cá Tây Hồ xốt giấm, thịt kho Đông Pha và gà “ăn mày”…
Đạo diễn nổi tiếng của Trung Quốc Trương Nghệ Mưu đã được chỉ định làm tổng đạo diễn chương trình đêm gala tại hội nghị diễn ra ở Tây Hồ.
Danh Tuyên
2016-09-04 22:40:12