Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Công ty Giấy Vĩnh Tiến ký hợp đồng cho phép công ty Vĩnh Tiến – TIE sử dụng thương hiệu (có thu phí) của mình trong 10 năm. Thế nhưng, chưa được 1 năm doanh nghiệp này đã “lật kèo”.
Ngày 23/9/2014, Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến (gọi tắt Giấy Vĩnh Tiến) ký hợp đồng cho phép Công ty TNHH Vĩnh Tiến – TIE sử dụng thương hiệu (có thu phí) của mình trong 10 năm. Thế nhưng, chưa được 1 năm, tức đến tháng 6/2015, phía Giấy Vĩnh Tiến đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Chưa kịp “tiến” đã “lùi”
Theo hồ sơ báo điện tử Người Đưa Tin có được, tháng 7/2014, Cty TNHH Vĩnh Tiến – TIE được thành lập trên cơ sở góp vốn giữa Công ty Cổ phần Giấy Vĩnh Tiến (số 87 Cao Xuân Dục, phường 2, quận 8, TP.HCM) góp 15,3 tỷ đồng, tương ứng 51% vốn điều lệ. Còn Công ty Cổ phần TIE (công ty TIE – số 52 Thành Thái, phường 12, quận 10, TP.HCM) góp 14,7 tỷ đồng, tương ứng 49% vốn điều lệ. Đại diện pháp luật là ông Lâm An Dậu. Ông Dậu cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Giấy Vĩnh Tiến.
Giấy Vĩnh Tiến ký hợp đồng cho phép Vĩnh Tiến – TIE sử dụng thương hiệu (có thu phí) trong 10 năm. Nhưng chưa được 1 năm thì Giấy Vĩnh Tiến đã “lật kèo” |
Ngày 23/9/2014, Giấy Vĩnh Tiến và Vĩnh Tiến – TIE ký “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” trong thời hạn 10 năm. Theo hợp đồng, Vĩnh Tiến – TIE được sử dụng nhãn hiệu VINH TIEN, VIBOOK và các thương hiệu thương mại khác do bên A (Giấy Vĩnh Tiến) sở hữu với điều kiện: mỗi sản phẩm của Vĩnh Tiến – TIE có thương hiệu trên phải trả mức phí sử dụng nhãn hiệu là 2,5% (trước thuế VAT) cho Giấy Vĩnh Tiến.
Ngày 5/12/2014, ông Dậu với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) của Vĩnh Tiến – TIE cho phép dùng hình ảnh “con nai nhí” nằm dười chữ T trong hình tròn để đăng ký sở hữu trí tuệ cho Vĩnh Tiến – TIE. Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ cho Vĩnh Tiến – TIE về mẫu logo này.
Tháng 12/2015, Giấy Vĩnh Tiến bán 8,3 tỷ vốn góp tại Vĩnh Tiến – TIE cho Cty CP Tân Duy Lợi. Số vốn góp còn lại của Giấy Vĩnh Tiến tại Vĩnh Tiến – TIE là 7 tỷ đồng tương ứng 23,33%.
Ngày 5/4 năm nay, Chủ tịch HĐTV Vĩnh Tiến – TIE được bàn giao lại cho ông Lê Ngọc Hưng. Đồng thời, gần 1 tháng sau, Giấy Vĩnh Tiến cũng bán hết số vốn còn lại và rút khỏi Vĩnh Tiến – TIE. Việc “bỏ chạy” của Giấy Vĩnh Tiến khiến chủ sở hữu Vĩnh Tiến – TIE quyết cho đổi tên doanh nghiệp thành Cty TIE Miền Bắc (TIE Miền Bắc).
Ông Dậu quay lại “tố cáo” Vĩnh Tiến – TIE rằng đã vi phạm hợp đồng và đòi chấm dứt hợp đồng sử dụng thương hiệu đã ký trước đó. Ngoài ra, ông Dậu cũng cho phát văn bản nhiều nơi khiếu kiện TIE Miền Bắc đã “ăn cắp” nhãn hiệu “VINH TIEN” và “VIBOOK” của Giấy Vĩnh Tiến !
“Tháo chạy” đầy “toan tính”?
Tưởng chừng việc hợp tác kinh doanh sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp cho cả đôi bên khi hợp đồng sử dụng thương hiệu (có thu phí) trong 10 năm có hiệu lực từ ngày 23/9/2014. Đến ngày 8/5/2015, nhà máy sản xuất của Vĩnh Tiến – TIE hoàn thành giai đoạn 1, lúc đó, ông Lâm An Dậu (với tư cách là Chủ tịch HĐTV) đã chủ trì buổi lễ cắt băng khánh thành nhà máy.
Thế nhưng chỉ sau 1 tháng, ngày 8/6/2015, Giấy Vĩnh Tiến đã gửi công văn số tới Vĩnh Tiến – TIE đơn phương chấm dứt “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí) thời hạn 10 năm” ! Đến ngày 27/6/2015, Giấy Vĩnh Tiến cũng ngang nhiên chấm dứt hợp đồng thương hiệu và chuyển quyền sở hữu thương hiệu này lại cho ông Lâm An Dậu.
Nói về nguyên nhân của sự việc, ông Dậu cho rằng: “Ngay sau khi ký hợp đồng, TIE Miền Bắc đã sản xuất hàng loạt sản phẩm in nhãn hiệu VINH TIEN, VIBOOK và cả logo hình con nai (không có trong hợp đồng) mà không thông báo . Hơn thế, cũng không thanh toán bất kỳ khoản phí sử dụng thương hiệu, cũng như không báo cáo số lượng hàng hóa sản xuất, bán ra… Chính vì thế, ngày 8/6/2015, Giấy Vĩnh Tiến đã thông báo cho Vĩnh Tiến – TIE về việc chấm dứt ‘Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)’ nêu trên”.
Lý giải về vấn đề này, ông Dương Phạm Đăng Khoa – Trưởng ban Pháp chế Cty TIE (đơn vị nắm 90% vốn tại TIE Miền Bắc) khẳng định: “Những điều ông Dậu phản ánh như trên là hoàn toàn sai sự thật”. Bởi, theo hợp đồng, đến nay vẫn còn hiệu lực, buộc hai bên phải thi hành và TIE Miền Bắc không vi phạm các nội dung trong hợp đồng này.
Ông Khoa nhấn mạnh, ngay sau khi nhận được công văn số đề nghị chấm dứt hợp đồng với lý do TIE Miền Bắc không trả phí sử dụng nhãn hiệu từ Giấy Vĩnh Tiến, TIE Miền Bắc đã có văn bản phản hồi với nội dung không đồng ý. Vì trước đó, TIE Miền Bắc chưa hề nhận được bất kỳ văn bản nào nhắc nợ của Giấy Vĩnh Tiến mà theo hợp đồng Giấy Vĩnh Tiến phải nhắc nhở bằng văn bản 03 lần liên tục.
Và sau đó, Công ty CP Giấy Vĩnh Tiến đã không có phản hồi gì. Chỉ đến khi ông Dậu đã bán lại toàn bộ số cổ phần của mình tại Công ty Vĩnh Tiến – TIE cho Công ty CP TIE và không còn giữ chức Chủ tịch HĐTV (ngày 19/5/2016) tại đây thì ông Dậu lại quay lại tố cáo Vĩnh Tiến – TIE vi phạm hợp đồng và đòi chấm dứt hợp đồng.
Việc công ty Giấy Vĩnh Tiến đơn phương chấm dứt “Hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu (có thu phí)” với TIE Miền Bắc là vi phạm Khoản 4, Điều IX của hợp đồng này”, ông Khoa phân tích.
Như vậy, việc công ty Giấy Vĩnh Tiến đơn phương chấm dứt hợp đồng thương hiệu tại thời điểm tháng 6/2015 là trái với thỏa thuận trong hợp đồng và đã vi phạm quy định của pháp luật.
Trường hợp công ty Giấy Vĩnh Tiến chuyển nhượng lại thương hiệu cho ông Lâm An Dậu thì xem như Giấy Vĩnh Tiến đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng thương hiệu và phải chịu bồi thường theo quy định của Hợp đồng”. Ông Dương Phạm Đăng Khoa, Trưởng ban Pháp chế Công ty Cổ phần TIE, nhấn mạnh.
Ông Lê Ngọc Hưng – Tổng giám đốc TIE Miền Bắc bức xúc cho rằng: “Lúc nhà máy mới đi vào hoạt động chưa đầy một tháng, việc sản xuất cũng như mẫu mã sản phẩm đều theo chỉ đạo của HĐTV mà người đứng đầu không ai khác hơn là Chủ tịch Dậu, đúng với tinh thần của hợp đồng cho phép sử dụng thương hiệu của Giấy Vĩnh Tiến. Không thể nào phía Giấy Vĩnh Tiến lại có cách hành xử trái quy định pháp luật như vậy!”
Hơn nữa, logo hình “con nai nhí” trên sản phẩm của TIE Miền Bắc đã được Cục Sở hữu trí tuệ chấp nhận đơn hợp lệ thương hiệu này thuộc TIE Miền Bắc. “Ngày 5/12/2014, với tư cách là Chủ tịch HĐTV của Vĩnh Tiến – TIE, ông Dậu đã cho phép dùng hình ảnh ‘con nai nhí’ nằm dười chữ T trong hình tròn để đăng ký sở hữu trí tuệ cho Vĩnh Tiến – TIE. Thương hiệu này đã được chính ông Dậu đồng ý. Giờ ông bán hết cổ phần rút khỏi Vĩnh Tiến – TIE, rồi lại đòi thương hiệu đí về mình là sự không minh bạch, có toan tính”.
Đức Mỹ
Đón đọc kỳ tiếp, lúc 8h30′, ngày 11/11
2016-11-09 17:48:10
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/giay-vinh-tien-vi-pham-hop-dong-su-dung-thuong-hieu-a305835.html