Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Ông Lê Song Lai – phó Tổng giám đốc SCIC hiện còn đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại HĐQT các doanh nghiệp đầu ngành như Vinamilk, Vinare, Bảo Minh và FPT cùng hàng loạt doanh nghiệp khác.
Chuyển ngạch từ diễn viên đoàn ca múa nhạc thành sếp SCIC
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nhiệm vụ đối với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC).
Trong kết luận này, Thanh tra Chính phủ đã nêu rõ việc quản lý yếu kém của SCIC đặc biệt trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều cán bộ SCIC (đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo) còn tham gia đại diện vốn nhà nước tại 4-5 doanh nghiệp lớn hoặc tham gia quản trị, điều hành 5-6 doanh nghiệp nhưng đồng thời còn thực hiện các hoạt động quản lý tại SCIC.
Sự góp mặt của SCIC tại các doanh nghiệp lớn có thể kể đến như việc SCIC cử ông Lê Song Lai – phó TGĐ làm đại diện phần vốn của nhà nước đồng thời nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng tại nhiều doanh nghiệp hàng chục năm nay.
Phó TGĐ SCIC Lê Song Lai kiêm nhiệm vị trí lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp lớn |
Cụ thể, ông Lê Song Lai đang nắm quyền chủ tịch HĐQT Tổng công ty CP tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare), thành viên HĐQT CTCP Vinamilk, thành viên HĐQT CTCP FPT, thành viên HĐQT Tổng công ty CP Bảo Minh, chủ tịch HĐQT công ty TNHH Đầu tư thương mại Tràng Tiền…
Ông Lê Song Lai trước đây từng là học viên trường Cao đảng Nghệ thuật Quân đội và trở thành diễn viên, đoàn ca múa nhạc giai đoạn 1986-1990.
Từ năm 1990, ông Lê Song Lai thuộc diện cán bộ được cử đi học ở các trường ngoài rồi chuyển ngành về công tác tại Phòng Quản lý Bảo hiểm (Bộ Tài chính), giữ chức Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm – BTC.
Ngoài ông Lê Song Lai, các sếp SCIC như thành viên HĐTV kiêm Phó TGĐ Hoàng Nguyên Học, Phó TGĐ Nguyễn Quốc Huy… cũng đều được giao cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đầu ngành có vốn đầu tư của SCIC.
Theo báo cáo thù lao và lợi ích của ban lãnh đạo SCIC, các sếp kể trên đều nhận được mức thu nhập gần 1,3 tỷ đồng/người mỗi năm – tương ứng 107 triệu đồng/người/tháng.
Theo SCIC, khoản thu nhập trước thuế này bao gồm lương hoặc thù lao (522 triệu đồng) và các lợi ích khác.
Chưa kể việc được giao cho đảm nhiệm vị trí tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư của SCIC, các lãnh đạo còn nhận được khoản thù lao “khủng” tương tự.
Đơn cử với trường hợp của ông Lê Song Lai, Vinamilk, Bảo hiểm Bảo Minh hay Vinare đều là những doanh nghiệp có khối tài sản hàng nghìn tỷ đồng, thuộc top các doanh nghiệp đầu ngành. Theo đó, thù lao cho HĐQT của các ông lớn này cũng khá hậu hĩnh.
Chỉ riêng tại Vinamilk, thù lao cho thành viên HĐQT năm 2015 là gần 4,9 tỷ đồng. Nếu cũng tính trung bình mỗi người thuộc HĐQT và Ban điều hành thì ông Lai nhận được khoảng 800 triệu / năm. Còn tại Vinare và FPT, với cách tính tương tự vậy ông Lai cũng nhận được thêm không ít hơn 700 triệu / 1 năm.
Với thù lao HĐQT ở các doanh nghiệp, lãnh đạo SCIC đang duy trì chế độ “một cán bộ, hưởng vài lương”, mặc cho vấn đề này đã bị quốc hội và Kiểm toán Nhà nước cùng các cơ quan ban ngành liên quan nêu ra từ nhiều năm trước.
Hưởng lương tiền tỷ, nghỉ hưu vẫn “cố vị”
Kết luận của Thanh tra Chính phủ còn nêu rõ việc SCIC ban hành Quy chế người đại diện vốn theo hướng mở rộng độ tuổi dẫn đến sự khác biệt trong quy định đối với Người đại diện vốn nhà nước tại các doanh nghiệp (theo quy định của Bộ Tài chính). Nhờ đó, đến thời điểm 30/09/2015 có tới 21 người đại diện của SCIC quá tuổi nghỉ hưu.
Không chỉ vướng ở khâu cử người đại diện vốn chồng chéo, kiêm nhiệm nhiều chức vụ khác nhau tại các doanh nghiệp có quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng, SCIC còn “bỏ qua” quy định của Thủ tướng Chính phủ khi người đại diện vốn của SCIC tại doanh nghiệp không hoàn thành nhiệm vụ trong 2 năm liên tiếp nhưng vẫn không cần xem xét việc thực hiện chấm dứt ủy quyền.
Thanh tra Chính phủ cũng nêu rõ hiện tượng SCIC chưa thể hiện rõ hoạt động giám sát đối với doanh nghiệp, không có văn bản tổ chức kiểm tra giám sát thực hiện các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật hay xử lý trách nhiệm đúng quy trình (đối với trường hợp công ty TNHH MTV Đầu tư Phát triển công nghiệp và vận tải).
Hoa Liên (theo ANTT.VN)
2016-11-24 21:32:11