Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Nếu Mỹ dưới thời Donald Trump quyết gần gũi với Nga, các quốc gia phương Tây không hài lòng sẽ ngừng việc chỉ trích việc Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông như một sự “trả đũa”?
`Ấn phẩm Financial Times và tạp chí Time đã cùng chọn Tổng thống đắc cử Donald Trump là nhân vật của năm 2016. Đây là một trong số ít kênh truyền thông uy tín thừa nhận rằng cuộc bầu cử nhà tỷ phú năm qua là một sự kiện quan trọng đối với nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới.
Còn với chuyên gia John Hemmings từ Trường Kinh tế London, nghiên cứu viên của CSIS tại Washington, đây đồng thời là một thách thức lớn đối với chính sách đối ngoại và an ninh chung của cộng đồng các quốc gia với tên gọi là liên minh phương Tây.
![]() |
Quan hệ thân thiết của ông Trump và Tổng thống Nga Putin là “đòn kết liễu” với liên minh phương Tây. |
Chỉ hai năm sau cuộc khủng hoảng Ukraine mà phía Mỹ chỉ trích gay gắt Nga, Donald Trump đã trở thành nhà lãnh đạo Mỹ hứa hẹn sẽ cải thiện mối quan hệ vốn đã chạm đáy với Moscow. Trong khi ông cho thấy mình không có hứng thú trong việc mở rộng thêm sự thân thiện với cường quốc đang trỗi dậy ở châu Á là Trung Quốc.
Đánh dấu cho giai đoạn nhậm chức của mình, vị tổng thống đắc cử đã có một cuộc điện đàm chưa từng có trong tiền lệ với người đứng đầu Đài Loan – điều khiến Trung Quốc hoài nghi về sự tôn trọng chính sách “Một Trung Quốc” từ phía Washington. Ngay sau đó Trung Quốc phản ứng bằng cách cử một bay một máy bay ném bom thị uy ở Biển Đông.
Trung Quốc sau đó thu giữ một thiết bị lặn không người lái của Mỹ đang hoạt động ở trên vùng biển quốc tế thuộc Biển Đông, một động thái mà giới quan sát xem là một đòn cảnh báo, một thông điệp đáp trả đối với những phát ngôn cứng rắn của vị tổng thống đắc cử mới của nước Mỹ.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc đã gọi những thiết bị không người lái của Mỹ đang do thám ở Biển Đông là “đỉnh của tảng băng trôi trong chiến lược quân sự mà Mỹ đang đối phó với Bắc Kinh”.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đã phản ứng theo cách rất quen thuộc khi gọi hành động của Trung Quốc là “lấy cắp” và nói rằng ông không cần họ trả lại.
Một số nhà bình luận như David Martin Jones của tờ Telegraph cho rằng dường như ông Trump đang cố gắng đảo ngược tư tưởng “thân Trung” của Henry Kissinger trong quá khứ bằng cách xây dựng các mối quan hệ với Moscow trong khi đóng băng quan hệ với Trung Quốc.
Mặc dù động thái ngoại giao này có thể khả thi về mặt lý thuyết, nhưng câu hỏi đặt ra là nó sẽ vận hành thế nào trên thực tế khi Tổng thống Nga Putin đang cho thấy ông cũng muốn hướng tới quan hệ mặn nồng với Bắc Kinh nhiều hơn.
Nếu so sánh giữa việc Nga lựa chọn Mỹ hay Trung Quốc, rõ ràng cường quốc châu Á đã trở thành đối tác chiếm ưu thế. Chiến lược “Một vành đai, Một con đường” củng cố ảnh hưởng của Bắc Kinh ở Trung Á sẽ phải qua cửa Nga, do vậy Trung Quốc đã luôn rất cẩn thận trong việc chia sẻ lại cho Moscow một số lợi ích mà nước này đang khao khát.
![]() |
Để đáp trả lại quan hệ nói trên, các nước trong liên minh phương Tây có thể làm ngơ đi sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. |
Mối quan hệ của ông Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được mô tả giống như “người bạn thân” khi cả hai đã gặp nhau 19 lần trong bốn năm qua.
Hợp tác thương mại giữa hai nước mọc lên như nấm bất chấp sự áp đặt trừng phạt của phương Tây đối với Nga và lực lượng quốc phòng của hai nước đang phát triển theo hướng gần gũi hơn thông qua các cuộc tập trận.
Trên thực tế ý tưởng tách hai gã khổng lồ ra khỏi nhau của ông Trump là điều khả quan khi bối cảnh hiện tại không cần thiết phải có một liên minh đối chọi với Mỹ như trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Tuy nhiên chuyên gia John Hemmings cho rằng chính sách ngoại giao của chính quyền mới có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng nội bộ liên minh phương Tây, trong đó có các đồng minh châu Âu – các thành viên NATO là những nước đang muốn chống lại Nga và hoan nghênh mối quan hệ nồng ấm hơn với Trung Quốc, đặc biệt là về thương mại.
Điều này có thể phân chia phương Tây ra làm hai phe đối chọi lợi ích khác nhau cũng như trả đũa lẫn nhau.
Có một số hệ lụy nguy hiểm rất thực tế mà có thể phát sinh từ điều này. Trong đó châu Âu có thể làm nhẹ đi các lệnh cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc, hoặc giảm sự chỉ trích về động thái bành trướng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, bao gồm ở Biển Đông và biển Hoa Đông – điều mà các quốc gia này đang thể hiện nhiều hơn trong thời gian qua.
Washington, về phần mình, có thể rút lại lệnh trừng phạt đối với Nga, công nhận việc sáp nhập lãnh thổ Crimea – điều sẽ khiến các nước Baltic phải rơi vào sự sợ hãi.
John Hemmings mô tả người Mỹ và cả người châu Âu đang lo lắng trước viễn cảnh nói trên, khi về cơ bản sự chuyển hướng của Donald Trump là quá “nhanh” và xung đột những lợi ích nòng cốt mà đã trở thành nền tảng để tạo nên một liên minh phương Tây như ngày nay.
Sự chia rẽ này một khi không có giải pháp chống đỡ hiệu quả có thể sẽ dẫn đến sự tan rã của trục phương Tây trong trật tự quan hệ quốc tế.
Các thành viên của Nội các mới vẫn đang được ông Trump lựa chọn, nhưng về cơ bản chính sách ngoại giao của vị tổng thống đắc cử đã được bộc lộ phần nào qua chính những phát biểu trên trang mạng xã hội cá nhân của ông. Nó cho thấy một viễn cảnh rất giống với dự báo nói trên.
Quốc Vinh
2016-12-20 05:08:41
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/neu-trump-than-voi-putin-tq-se-mac-suc-hoanh-hanh-o-bien-dong-a309839.html