Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, Không quân Việt Nam chưa thực sự hình thành lực lượng cường kích. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có những trận không kích táo bạo vào các mục tiêu đối phương.
Cải tiến máy bay vận tải để ném bom căn cứ Mỹ
Đó là trận đánh ngày 12/1/1968. Không quân Việt Nam đã sử dụng các máy bay vận tải An-2 mang theo rocket và đạn cối để đánh vào căn cứ radar của Mỹ trên đỉnh núi Pa Thí trên đất Lào.
Theo sách Lịch sử dẫn đường không quân, căn cứ Pa Thí nằm cách Sầm Nưa 34 km về phía Tây. Căn cứ này đặt radar để dẫn bay và cung cấp thông tin chiến trường cho các tốp máy bay Mỹ từ Thái Lan sang đánh phá miền Bắc.
Một chiếc An-2 của Không quân Việt Nam.
Nhận thấy đây là một căn cứ nguy hiểm của Mỹ, Không quân Việt Nam đã xây dựng kế hoạch sử dụng máy bay tấn công để diệt trừ nó. Trung đoàn không quân 919 từ cuối năm 1967 đã bắt đầu chuẩn bị phương án tác chiến đánh vào Pa Thí bằng máy bay vận tải An-2.
Các tổ bay đã được luyện tập phương án bay đường dài ở độ cao thấp trên địa hình rừng núi cũng như nhận dạng các địa tiêu lạ và nhỏ. Một khoa mục quan trọng trong quá trình luyện tập nữa là công kích mục tiêu trên mặt đất ở độ cao 1600m theo đội hình hàng dọc.
Trong quá trình đó, Phó Tham mưu trưởng Trung đoàn không quân 919 Nguyễn Văn Ba đi trinh sát thực địa trở về làm rõ thêm nhiều chi tiết về mục tiêu. Tóm tắt các nét chính thì căn cứ Pa Thí nằm trên điểm cao 1667 có mặt bằng tương đối rộng, xung quanh có địa hình hiểm trở bao bọc và có công sự che chắn vững chắc. Ngoài hệ thống radar, thông tin, còn có 2 tiều đoàn bộ binh, một số trận địa pháo 105mm, bãi cất hạ cánh cho trực thăng, kho tàng và nhà ở.
Sau khi có thêm các thông tin, phương án tác chiến đã được hiệu chỉnh lại cụ thể, chi tiết.
Sáng 12/1/1968, sau khi nội dung kiểm tra cuối cùng đã được hoàn tất, sở chỉ huy binh chủng Không quân quyết định sử dụng lực lượng đánh địch vào giữa trưa. Lúc 11h43, 4 chiếc An-2 lần lượt cất cánh theo đường bay dự tính: Gia Lâm – Hòa Bình – Mai Châu – Mường Hàm – Mường Út – Pa Thí. Các máy bay tận dụng khe núi để tránh radar địch phát hiện đồng thời không liên lạc đối không trên suốt đường đi.
Đến khu vực Sầm Nưa, máy bay liên lạc với đài chỉ thị mục tiêu của ta ở Bắc Pa Thí 15 km. Sau khi quan sát được toàn bộ đội hình An-2 trên đoạn bay cuối cùng đến mục tiêu, đồng chí Nguyễn Văn Ba từ đài chỉ thị mục tiêu thông báo ngắn gọn tình hình địch tại căn cứ Pa Thí và chỉ thị mục tiêu cho từng tổ bay.
Lúc 13h7, toàn bộ đội hình bay vào lần lượt công kích. Các máy bay lần lượt phóng toàn bộ 32 quả rocket 57mm và ném 12 quả đạn cối 120mm trên mỗi máy bay vào mục tiêu rồi thoát ly.
Bị đánh bất ngờ, địch không kịp trở tay, toàn bộ các đài radar, thông tin, chỉ huy đều bị phá huỷ, 2 chiếc trực thăng bị thiêu cháy, gần 200 tên chết và bị thương, cơ sở hạ tầng bị thiệt hại nghiêm trọng. Hệ thống ra-đa ở Pa Thí phải ngừng hoạt động. Đây là chiến công đầu tiên của Không quân nhân dân Việt nam tiến công đánh địch bằng đòn tập kích đường không vào mục tiêu trên đất liền tại vùng rừng núi hiểm trở.
Sau chiến công tập kích căn cứ Pa Thí, 4 năm sau, Không quân Việt Nam lại có một đòn tập kích táo bạo nữa vào các tàu chiến Mỹ ở ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Đó là trận các máy bay Mig-17 mang bom từ sân bay dã chiến ở Quảng Bình bất ngờ tập kích tàu chiến Mỹ tháng 4/1972.
Để hạn chế các tàu chiến Mỹ vào gần bờ bắn phá, Không quân Việt Nam đã chuẩn bị kế hoạch chiến đấu. Trung đoàn 923 được giao nhiệm vụ cho một phi đội đến khu vực Bạch Long Vĩ tập ném bom dưới sự hướng dẫn của các phi công Cuba – những người có kinh nghiệm ném bom thia lia ở độ cao cực thấp.
Tranh mô phỏng trận đánh của Mig-17 vào tàu chiến Mỹ.
Theo hồi ký Phi công tiêm kích của Đại tá Lê Hải: “Cu Ba cử trung úy phi công Etnéttơ và một cán bộ kĩ thuật không quân giúp ta kĩ thuật đánh tàu chiến địch. Căn cứ huấn luyện phi đội bay biển tại sân bay Kiến An. Phi đội tập ném bom ở quần đảo Long Châu. Anh Lưu Huy Chao – Trung đoàn phó, ra đảo nhỏ, chỉ huy trực tiếp việc bay tập trên biển. Sau thời gian huấn luyện, đến tháng 3/1972, Trung đoàn 923 đã có 6 phi công thuần thục động tác bay cực thấp, ném bom”.
Để hỗ trợ các phi công, Trung đoàn 923 lập một sở chỉ huy tiền phương ở Đồng Hới.
Sau khi quân ta đã chuẩn bị mọi mặt xong, ngày 19/4, vào lúc 15h, một tốp gồm 4 tàu địch tiến vào phía Đông huyện Quảng Trạch bắn phá. Sở chỉ huy ta lệnh cho một biên đội 2 chiếc Mig-17 xuất kích từ sân bay dã chiến Gát xuất kích.
Bay qua cửa Lí Hòa, máy bay số 1 do phi công Lê Xuân Dị điều khiển đã phát hiện được mục tiêu và xin công kích. Được sở chỉ huy cho phép, phi công Lê Xuân Dị vòng ra biển chọn hướng công kích tàu địch từ ngoài vào bờ. Chiếc Mig thứ 2 do phi công Nguyễn Văn Bảy (B) điều khiển làm nhiệm vụ cảnh giới.
Lê Xuân Dị bay ở độ cao cách mặt biển 50m với tốc độ 800 km/h. Trên vòng ngắm, quả trám ánh sáng dần dần tiến đến điểm mớn nước của thân tàu. Số 1 liền nhanh chóng cắt 2 quả bom loại 250 kg sau đó bay về sân bay Gát.
Trong khi đó, số 2 Nguyễn Văn Bảy làm nhiệm vụ cảnh giới đề phòng tiêm kích địch. Khi không nhìn thấy số 1, số 2 cũng bay ra biển tìm mục tiêu. Bay qua khu vực cửa Dinh chừng vài phút thì số 2 gặp 2 tàu khu trục Mỹ đang bắn vào bờ.
Tàu USS Higbee bị hư hỏng sau trận đánh.
Được lệnh công kích, Nguyễn Văn Bảy bay lướt qua tàu khu trục rồi vòng trở lại. Máy bay hạ xuống độ cao 50m và tăng lực để đạt tốc độ 800 km/h. Mọi việc thuận lợi như lúc tập luyện, phi công đã cắt bom khi ở cách thân tàu 750m rồi bay vượt qua ăng ten của tàu. Hai trái bom đâm thủng tàu ở phía gần đuôi. Một cột khói màu da cam bao phủ tàu địch.
Sau trận đánh, phía Mỹ thừa nhận chiếc Mig của Lê Xuân Dị đánh trúng tháp pháo tàu khu trục USS Higbee còn Nguyễn Văn Bảy đánh trúng tàu tuần dương USS Oklahoma City. Hai chiếc này tuy không bị chìm mà chỉ bị hư hỏng nhưng Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ phải hạ lệnh cho các tàu lùi ra xa tạm dừng pháo kích vào bờ một thời gian.
Hai trận đánh vừa nêu trên là một trong những trận đánh táo bạo của không quân ta. Trong điều kiện lực lượng không quân cường kích gần như chưa có, Không quân Việt Nam vẫn sáng tạo sử dụng máy bay vận tải và máy bay tiêm kích mang theo vũ khí để thực hiện những vụ không kích và đã giành được thắng lợi. Chiến công đó là chiến thắng của ý chí, bản lĩnh và sự sáng tạo Việt Nam.
Trần Vũ
2015-03-04 16:16:11
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/nhung-tran-nem-bom-tao-bao-cua-kqvn-vao-luc-luong-my-a176781.html