Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
Khi NgƯỜi Ta SỢ… CÔ ĐƠn !
Thursday, July 9, 2015 9:27
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
0

[ Bài viết được đăng trên báo Sức Khỏe & Đời Sống tháng 7.2015 ]

Phan Nguyễn Khánh Đan 2015 07 09

Nỗi sợ bị bỏ rơi của một người thường bắt nguồn từ một hoặc vài biến cố mất mát trong quá khứ, chẳng hạn như mất cha hoặc mẹ do cha hoặc mẹ qua đời hoặc do ly thân, ly hôn. Một người không được tiếp nhận đầy đủ tình yêu thương hoặc sự chăm sóc về mặt tinh thần từ cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng cũng có nguy cơ mắc phải nỗi sợ bỏ bị rơi. Kỳ thực, việc lo sợ mất đi những người hoặc sự vật mình yêu quý cũng là một phần của cuộc sống, khi mà những chuyện được mất hay hợp tan cũng là lẽ thường tình của đời người. Tuy nhiên, nếu nỗi sợ đó trở nên trầm trọng, thường trực đến mức ám ảnh, gây ảnh hưởng tiêu cực lên cuộc sống của chủ thể, nó có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng, khiến người đó không thể xây dựng được những mối quan hệ tốt cũng như có một cuộc sống bình yên thoải mái.

.

Nỗi sợ bị bỏ rơi và sang chấn tâm lý

Một người từng phải chịu đựng nỗi đau bị bỏ rơi dễ gặp tình trạng khó khăn hoặc căng thẳng về mặt tâm lý, bởi họ luôn lo sợ bi kịch sẽ tái diễn. Chẳng hạn, một đứa trẻ từng bị cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng bỏ mặc hoặc không chăm sóc đầy đủ thường có tính cách “nắng mưa” thất thường, hay khóc hoặc dỗi hờn, dễ nóng giận hoặc cáu gắt; và nếu không được khắc phục, tình trạng này có thể kéo dài đến khi đứa trẻ đó lớn lên, thậm chí suốt đời, khi mà những hành vi bốc đồng cáu kỉnh như thế sẽ khiến cho những người xung quanh ngại tiếp xúc và xa lánh người đó.

Một người mẹ bỏ rơi con không nhất thiết phải gói ghém đồ đạc hành lý rồi rời khỏi nhà và bỏ lại đứa trẻ; mà sự bỏ rơi có thể diễn ra cả về mặt thể xác (tức khoảng cách địa lý) lẫn tinh thần. Một người cha hoặc mẹ không thể hiện tình cảm yêu thương với con cái, thường xuyên lạnh lùng hoặc hờ hững với đứa trẻ cũng là một hành vi bỏ rơi, kể cả khi tất cả cùng sống dưới một mái nhà. Những đứa trẻ bị bỏ rơi sẽ không ngừng tự vấn bản thân rằng tại sao cha mẹ lại bỏ mình. Chúng liên tục tự hỏi rằng mình đã làm gì sai để cha hoặc mẹ hành xử như vậy – “Tại sao cha mẹ không yêu mình?” hoặc “Tại sao cha mẹ luôn cưng chiều em gái/em trai hơn mình?”… để rồi luôn bị ám ảnh bởi việc phải tìm ra câu trả lời. Những đứa trẻ này luôn lo sợ rằng mình không ngoan, không dễ thương, rằng mình bất bình thường, nên cha mẹ mới như thế. Và cái suy nghĩ sai lệch rằng mình không đáng được yêu thương này có thể được đứa trẻ mang theo suốt đời, để rồi người đó không dám kết bạn, e ngại sự gần gũi, và gặp khó khăn trong mọi mối quan hệ.

Tệ hơn, một số trẻ em bị bỏ rơi có thể suy nghĩ lệch lạc rằng chúng cần phải bảo vệ bản thân mình khỏi mọi nỗi đau bằng mọi giá. Những đứa trẻ này vể sau có thể trở thành những người lớn khó gần, sống với suy nghĩ rằng thà bỏ rơi người khác hoặc tự tay chấm dứt mối quan hệ trước nhất, còn hơn là để người ta bỏ rơi mình.

Trong nhiều trường hợp, nỗi sợ bị bỏ rơi còn có mối liên hệ mật thiết với chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD). Chẳng hạn, một tai nạn thảm khốc khiến cho một đứa trẻ mất đi những người thân yêu, hay một môi trường sống không an toàn – nơi mà đứa trẻ bị ngược đãi về mặt thể chất lẫn tinh thần đều có thể để lại chấn thương tâm lý nặng nề lên trẻ, bao gồm cả nỗi sợ bị bỏ rơi. Sang chấn tâm lý hoàn toàn có thể xảy ra với những trẻ em hoặc người lớn sống trong môi trường gia đình ngột ngạt, bị người thân trêu đùa cảm xúc, hoặc bị cha mẹ đặt những kỳ vọng quá cao và không thực sự chính đáng, và trong cả những gia đình mà cha mẹ cũng có những khó khăn về mặt tâm lý, có biểu hiện sở hữu hoặc bấu víu con cái như thể giá trị của họ được quyết định chỉ bởi sự thành đạt hoặc xuất chúng của con mình. Ngay cả người lớn cũng có thể bị tấn công bởi nỗi sợ bị bỏ rơi và nguy cơ sang chấn tâm lý khi họ mất đi người mình yêu thương, với những biến cố như ly thân, ly dị, gia đình chia rẽ, hay sự qua đời của người kia.

Nỗi sợ bị bỏ rơi trầm trọng và kéo dài còn gây tác động tiêu cực đến với lòng tự trọng của con người. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người có lòng tự trọng thấp dễ kết bạn với những người cũng có những niềm tin tiêu cực giống mình. Nỗi sợ bị bỏ rơi cũng như lòng tự trọng thấp khiến cho chủ thể không thể tin tưởng ai, không dám tin vào cuộc sống, thường cảm thấy bản thân mình vô dụng, không thích các mối quan hệ quá thân thiết hay gần gũi, hoặc thường xuyên phải chống chọi với tình trạng lo âu, trầm cảm, phụ thuộc quá mức vào người khác, và đối mặt với nhiều khó khăn khác trong cuộc sống.

KHI NGƯỜI TA SỢ... CÔ ĐƠN - Nỗi sợ bị bỏ rơi - Phan Nguyễn Khánh Đan

Dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của nỗi sợ bị bỏ rơi  

Những người mang nỗi sợ bị bỏ rơi trầm trọng có liên quan đến sang chấn tâm lý thường có những biểu hiện sau:

Những triệu chứng về mặt trạng thái:

  • Lo âu thường trực, dễ dẫn đến tình trạng “giận cá chém thớt”;
  • Luôn cảm thấy không an toàn;
  • Trầm cảm kéo dài;
  • Giảm sút lòng tự trọng;
  • Cảm thấy bất lực mỗi khi không thể kiểm soát cuộc sống như ý mình muốn;
  • Căm ghét hoặc xem thường bản thân mình;
  • Bị cô lập;
  • Có nhiều suy nghĩ và quan điểm tiêu cực về cuộc sống, hoặc thường xuyên dằn vặt bản thân về tình trạng bị bỏ rơi của mình.

Những biểu hiện về mặt hành vi ứng xử:

  • Trong các mối quan hệ cá nhân, người mang nỗi sợ bị bỏ rơi thường dễ bị hấp dẫn bởi những đối tượng không có khả năng đáp lại tình cảm hoặc yêu cầu của mình, chỉ nhằm khơi gợi lại và bình thường hóa những ký ức về việc từng bị bỏ rơi trong quá khứ;
  • Dễ có phản ứng khó chịu, phán xét, tủi thân hoặc xa lánh mỗi khi ai đó đụng chạm đến vấn đề bỏ rơi hoặc bị bỏ rơi;
  • Thường xuyên hồi tưởng lại những hồi ức đau thương khi bị bỏ rơi;
  • Nhiều nguy cơ trở thành nạn nhân của tình trạng nghiện ngập, chẳng hạn như nghiện thuốc hoặc nghiện một thú vui có thể tích cực hoặc tiêu cực để cố gắng lấy lại cảm giác cân bằng;
  • Luôn sống trong sự ngờ vực, cảnh giác cao độ với bất kỳ ai mình gặp.

.

Khắc phục nỗi sợ bị bỏ rơi

Có nhiều liệu pháp tâm lý hiệu quả trong việc khắc phục và vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi, bằng cách tập trung giúp nạn nhân học cách chấp nhận bản thân, nhìn nhận những hồi ức không vui một cách tích cực và cảm thông thay cho thái độ dằn vặt và chối bỏ. Một vài liệu pháp tiêu biểu có thể kể đến:

  • Liệu pháp giao tiếp (Interpersonal Therapy): gồm các kỹ thuật trị liệu tập trung vào việc hàn gắn và tái thiết vai trò và những mối quan hệ hiện có của bạn trong cuộc sống hàng ngày, bao gồm việc học cách tin tưởng người khác, củng cố lòng tự trọng, đặt ra các giới hạn cảm xúc, tự tin hòa nhập vào các mối quan hệ thân thiết gần gũi, và làm chủ cuộc sống từ những tình huống giao tiếp nhỏ thường ngày. Chuyên gia tâm lý có thể sử dụng đến các kỹ thuật thuộc liệu pháp nhận thức hành vi (Cognitive-behavioral therapy) để giúp bạn nhận diện các suy nghĩ lệch lạc hoặc tiêu cực, thay thế chúng bằng những suy nghĩ tích cực lạc quan. Trong khi đó, các kỹ thuật thuộc liệu pháp hành vi biện chứng (Dialectical behavior therapy) phối hợp nhiều chiến lược giúp bạn đánh giá lại một cách đúng đắn những trải nghiệm của mình, ổn định dần những cảm xúc tiêu cực, và thích nghi với stress; thông qua đó, bạn sẽ học được cách chấp nhận những chuyện không vui đã qua mà không bị chi phối bởi cảm xúc, và thiết lập kế hoạch để vượt qua những chuyện đó.
  • Liệu pháp nhóm: Lợi ích quan trọng nhất của các phương pháp trị liệu nhóm chính là giúp bạn được gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ với mình, để rồi nhận ra rằng mình không đơn độc. Từ đó, những sự tương tác và chia sẻ trong nhóm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho bạn trong việc vượt qua khó khăn và dễ dàng tiếp nhận những quan điểm tích cực về cuộc sống.
  • Sự giúp đỡ của người thân và gia đình: Gia đình và những người bạn yêu thương đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bạn khắc phục những khó khăn về mặt tâm lý và đạt được sự cân bằng về mặt cảm xúc. Chuyên gia tâm lý sẽ giúp bạn trải lòng và xác định ít nhất một người thân quan trọng trong cuộc đời bạn, một người mà bạn có thể mở lòng tin tưởng và luôn có thể ở bên cạnh bạn mỗi khi bạn cần. Sau đó, chuyên gia sẽ nói chuyện với người này về tình trạng của bạn, giúp họ hiểu bạn hơn, hiểu những khó khăn của bạn và những gì bạn đang phải trải qua, để từ đó họ có thể chia sẻ với bạn và phối hợp tốt với nhà trị liệu nhằm giúp bạn cải thiện tình trạng của mình.

Hiệu quả phục hồi chỉ xuất hiện khi bạn nhận ra rằng những nỗi sợ mình đang có xuất phát từ những chuyện quá khứ đã qua, để không đánh đồng chúng với cuộc sống và những mối quan hệ trong hiện tại. Thông qua các liệu pháp cũng như sự giúp đỡ tích cực của những người xung quanh, bạn sẽ rèn luyện được khả năng quản lý những vấn đề khó khăn của mình một cách lành mạnh và chủ động. Dù bạn chọn liệu pháp hay cách thức nào để vượt qua nỗi sợ bị bỏ rơi của mình, mục đích chính bạn luôn cần hướng đến chính là mạnh dạn giao tiếp và bày tỏ cảm nhận với chuyên gia tư vấn và những người thân yêu xung quanh mình, tin tưởng họ, và quan trọng nhất chính là học cách yêu thương bản thân mình./.

.

~PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
(tổng hợp từ Internet)

BÌNH LUẬN

Lời bình của bạn
Question   Razz  Sad   Evil  Exclaim  Smile  Redface  Biggrin  Surprised  Eek   Confused   Cool  LOL   Mad   Twisted  Rolleyes   Wink  Idea  Arrow  Neutral  Cry   Mr. Green

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story
Share This Story:
Print this story
Email this story
Digg
Reddit
StumbleUpon
Share on Tumblr
GET ALERTS:

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.