Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Kể từ khi trở thành một quốc gia dân chủ vào năm 1923, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức các cuộc đảo chính vào năm 1960, 1971, 1980 và một cuộc can thiệp năm 1997.
Năm 1960: Trong giai đoạn căng thẳng lên cao giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và phe đối lập, Đảng Dân chủ cầm quyền, đứng đầu là Thủ tướng Adnan Menderes và Tổng thống Celal Bayar, bắt đầu nới lỏng một số điều luật hà khắc đối với tôn giáo.
Điều này cho phép hàng ngàn nhà thờ Hồi giáo được mở cửa trở lại và hợp pháp hóa việc cầu nguyện bằng tiếng Ả rập (thay vì Thổ Nhĩ Kỳ).
![]() |
Cựu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Cemal Gursel. |
Căng thẳng ngày càng tăng do chính phủ Thủ tướng Menderes áp đặt thiết quân luật vào đầu năm 1960.
Quân đội đã tiến hành lật đổ chính phủ vào ngày 27/5; tổng thống, thủ tướng và một số thành viên nội các đã bị bắt giữ và nhanh chóng bị kết tội phản quốc cùng các tội danh khác. Tướng Cemal Gursel lên nắm quyền, bắt đầu một giai đoạn quân đội kiểm soát đất nước kéo dài cho đến năm 1965.
Năm 1971: Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ phát triển chậm lại trong những năm cuối thập niên 60. Suy thoái kinh tế gây ra tình trạng bất ổn lan rộng. Tháng 3/1971 quân đội can thiệp một lần nữa với tuyên bố “lập lại trật tự” đất nước.
Tướng Memduh Tagmac và các quan chức quân đội cáo buộc chính phủ của Thủ tướng Suleyman Demirel đưa đất nước vào tình trạng hỗn loạn và yêu cầu một “chính phủ mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn”.
Ông Demirel đã từ chức ngay khi có cuộc gặp với nội các của mình sau đó. Tuy nhiên quân đội không trực tiếp điều hành đất nước trong thời gian này. Một số chính phủ tạm quyền dẫn dắt đất nước cho đến năm 1973, khi ông Fahri Koruturk, một quan chức hải quân nghỉ hưu trở thành Tổng thống do Quốc hội đề cử.
Năm 1980: Bất ổn tiếp tục xảy ra ngay cả sau cuộc đảo chính năm 1971: Thổ Nhĩ Kỳ đã thay đổi thủ tướng 11 lần trong thời gian này. Nền kinh tế tiếp tục trì trệ và các nhóm tư tưởng cánh tả, cánh hữu vẫn tiếp tục mâu thuẫn thông qua các cuộc đụng độ bạo lực trên đường phố.
![]() |
Turgut Ozal sau này cũng trở thành Tổng thống của Thổ Nhĩ Kỳ. |
Tháng 3/1980, một nhóm tướng lĩnh đề nghị lực lượng quân đội nước này tiến hành một cuộc đảo chính. Đến tháng 9, các quan chức quân sự thông báo trên truyền hình nhà nước rằng họ đã áp đặt thiết quân luật và giải tán chính phủ.
Tổng tham mưu trưởng, tướng Kenan Evren trở thành tổng thống, và một sĩ quan hải quân, Bulend Ulusu, nắm quyền thủ tướng. Sau đó là giai đoạn của thủ tướng Turgut Ozal, người được ghi nhận là có công lớn trong ổn định kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Năm 1997: Cuộc bầu cử năm 1995 đã dẫn tới sự phát triển của đảng Phúc lợi Hồi giáo mà các năm sau đó đã kiểm soát quyền lực ở Thổ Nhĩ Kỳ thông qua việc thành lập một chính phủ liên minh.
Vào năm 1997, quân đội đưa ra một loạt các “kiến nghị”, mà chính phủ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhận.
Thủ tướng đương chức khi đó – Necmettin Erbakan từng đồng ý tiến hành một chương trình giáo dục tám năm bắt buộc để ngăn chặn sinh viên đăng ký nhập học vào các trường tôn giáo, ông cũng đưa ra một lệnh cấm khăn trùm đầu tại các trường đại học.
Erbakan sau đó bị buộc phải từ chức và bị cấm hoạt động chính trị trong 5 năm. Đảng Phúc lợi Hồi giáo sụp đổ vào năm 1998. Một số cựu thành viên của đảng, trong đó có Tổng thống hiện nay – Recep Tayyip Erdogan đã thành lập Đảng Công lý và Phát triển.
Năm 2016: Một cuộc đảo chính đã diễn ra trong đêm ngày 15/7 tại Thổ Nhĩ Kỳ khi một nhóm trong lực lượng vũ trang “nổi loạn” tiến hành tấn công tòa nhà Quốc hội, sân bay, quảng trường bằng máy bay chiến đấu, trực thăng, xe tăng.
![]() |
Tổng thống Erdogan tuyên bố “thanh lọc” quân đội ngay sau khi dập tắt đảo chính. |
Nhóm đảo chính đã bắt giữ Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ làm con tin.
Người khởi xướng và “bộ não” của cuộc đảo chính quân sự tại Thổ Nhĩ Kỳ được xác định là Đại tá Muharrem Kose, người từng bị Tổng thống Recep Tayyip Erdogan sa thải.
Kose từng bị cáo buộc đã cấu kết với nhiều phe nhóm chống chính phủ và đối tượng lưu vong tại Mỹ Imam Fethullah Gulen.
Đọc thêm>>> Fethullah Gulen: Người bị tố ‘giật dây’ đảo chính Thổ Nhĩ Kỳ là ai?
Minh Vũ
2016-07-16 02:24:05
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tho-nhi-ky-dat-nuoc-co-tien-le-dao-chinh-a250420.html