Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Hạm đội tàu cá Trung Quốc tàn phá Biển Đông; Tổng thống Philippines hẳng định đàm phán với Trung Quốc dựa trên phán quyết PCA… là tin tức Biển Đông ngày 29/8.
Hạm đội tàu cá Trung Quốc tàn phá Biển Đông
Tàu cá Trung Quốc (Ảnh minh họa: Internet) |
Biển Đông chỉ có diện tích tương đối nhỏ vào khoảng 3 triệu km2, nhưng lại là một khu vực có trữ lượng hải sản rất dồi dào, nơi có ít nhất 3.365 loài cá, chiếm 12% sản lượng đánh bắt của toàn thế giới, mang về giá trị tới 21,8 tỷ USD.
Nguồn tài nguyên này có giá trị hơn cả tiền bạc, vì nó đảm bảo an ninh lương thực cho hàng trăm triệu người dân ven biển và tạo việc làm cho gần 4 triệu người.
Tuy nhiên “hạm đội tàu cá” của Trung Quốc đang tàn phá dần dần nguồn tài nguyên nơi đây do những hệ lụy từ chính sách bành trướng của nước này trên Biển Đông.
Báo cáo trên trang The Conversation cho biết có đến 55% số tàu cá của toàn thế giới đang hoạt động ở Biển Đông và hạm đội tàu cá của Trung Quốc là lực lượng chiếm áp đảo.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc hiện có khoảng 21 triệu ngư dân và 439.000 tàu cá, trong đó tỉnh Hải Nam có khoảng 3,4 triệu ngư dân và khoảng 9.000 tàu cá.
Đến phút cuối cùng, chính những người ngư dân và các loài cá sẽ “tàn lụi” chỉ vì chính sách bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.
New Zealand lên án Trung Quốc cố tình gây leo thang ở Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee. |
Trong một bài phát tại Viện Quan hệ quốc tế New Zealand hôm 24/8, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee đã lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hành vi gây căng thẳng trên Biển Đông thông qua việc xâm lấn chủ quyền và quân sự hóa trên các đảo tranh chấp.
“New Zealand không đứng về phía bên nào ở Biển Đông nhưng chúng tôi phản đối các hành động phá hoại hòa bình và làm xói mòn niềm tin trong khu vực” ông Brownlee nói tuyên bố.
“Chúng tôi ủng hộ quyền hợp pháp của các quốc gia trong việc sử dụng các cơ chế khác nhau để giải quyết các tranh chấp. Chúng tôi cũng ủng hộ các tiến trình giải quyết tranh chấp nói trên cần phải được tôn trọng”, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand nói về việc ủng hộ giải quyết tranh chấp nên được áp dụng dựa trên nhiều cơ chế khác nhau như tòa án quốc tế.
Tổng thống Philippines: Đàm phán với Trung Quốc dựa trên phán quyết PCA
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. (Ảnh: AP) |
Ngày 27/8, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tham dự lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Bộ chỉ huy Đông Mindanao.
Tại buổi lễ, Tổng thống Philippines khẳng định bất kỳ cuộc đàm phán song phương nào với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đều phải dựa trên phán quyết của Tòa trọng tài thường trực hôm 12/7 tại La Haye, Hà Lan.
Ông cũng nhấn mạnh rằng Philippines sẽ cấp thêm ngân sách quốc phòng và chuẩn bị các phương án nếu đàm phán với Trung Quốc không thành công.
Trước đó, hôm 24/8, ông Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẵn sàng đối thoại với Manila.
Đầu tháng 9 tới, ông Duterte sẽ tới Lào tham dự Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS). Ông cho hay ông không có ý định nêu vấn đề Biển Đông tại hội nghị này.
Báo Nhật: Trung Quốc buộc ASEAN phải tăng hiện diện quân sự ở Biển Đông
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đến thăm một căn cứ quân sự ở quần đảo Natuna trên Biển Đông. |
Báo Infonet dẫn nguồn Nikkei Asian Review cho hay Các quốc gia Đông Nam Á đang củng cố an ninh trên Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục có những hành động xây dựng đảo nhân tạo trái phép và nguy cơ một cuộc chạy đua vũ trang có thể xảy ra.
Theo một quan chức quốc phòng, Indonesia có kế hoạch triển khai 5 máy bay chiến đấu F-16 và khoảng 3 đến 5 tàu khu trục tới quần đảo Natuna ở Biển Đông.
Indonesia cũng đang nâng cấp một căn cứ quân sự trên quần đảo này bằng việc xây dựng thêm đường băng mới và mở rộng cảng biển, dự kiến sẽ hoàn tất vào cuối năm 2017.
Không chỉ có Indonesia, Việt Nam và Philippines cũng đang nâng cao sức mạnh quân sự khi cuộc tranh chấp hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa cùng những đảo khác với Trung Quốc vẫn chưa có hồi kết. Hà Nội đã mua về 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga và được triển khai ở vịnh Cam Ranh. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang xem xét mua về các loại máy bay do thám săn tìm tàu ngầm, cụ thể là các phi cơ P-3 hoặc P-3C của Nhật Bản.
Trung Quốc được cho là đã triển khai một số tàu ngầm quanh quần đảo Trường Sa và một số khu vực khác, và đây là nguyên nhân Phillippines và Việt Nam tăng cường sự hiện diện trên biển và trên không.
Ngay cả Singapore, một quốc gia không có tranh chấp với Trung Quốc, vào tháng 12 năm ngoái đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai máy bay do thám săn tìm tàu ngầm đến nước này. Từ đó đến nay, Mỹ đưa loại phi cơ quân sự này cứ ba tháng một lần. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Philippines Ng Eng Hen đã xuất hiện trong một cuộc tuần tra trên biển vào tháng 6.
Trung Quốc vào tháng 7 đã bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế rằng nước này không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông, và vẫn tiếp tục những hoạt động xây dựng đảo trái phép của mình và tiến hành diễn tập quân sự quy mô lớn ở Biển Đông.
Các nước ASEAN và Trung Quốc đã cố gắng tìm giải pháp giải quyết tranh chấp trên Biển Đông trong hòa bình tại Diễn đàn Khu vực ASEAN vào tháng 7 vừa qua, song không đạt được kết quả khả quan. Điều này đã khiến các quốc gia có binh lực nhỏ buộc phải đẩy mạnh xây dựng lực lượng trên biển.
Danh Tuyên (Tổng hợp)
2016-08-28 15:16:06
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/tin-tuc-tinh-hinh-bien-dong-moi-nhat-ngay-288-a256086.html