Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Mới đây, cuộc gặp giữa người đứng đầu Ankara và chủ Điện Kremlin đã thu hút được quan tâm của dư luận quốc tế.
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thông Nga Putin tại cuộc hội đàm với Tổng thống Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev ngày 16/8, ông Putin đã nhắc lại chuyến thăm Nga mới đây của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.
“Chúng tôi chân thành muốn khôi phục quan hệ đầy đủ với Thổ Nhĩ Kỳ một cách hữu nghị, chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ có một không hai về hợp tác và phối hợp trong nhiều năm”. Người đứng đầu điện Kremlin còn nhấn mạnh, chuyến thăm Nga của Tổng thống Tayyip Erdogan hồi đầu tháng 8 đã củng cố quyết tâm của hai nước không chỉ khôi phục mà còn phát triển quan hệ song phương.
![]() |
Sau chuyến thăm Nga của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã đưa quan hệ Nga – Thổ sang một bước tiến mới |
Chuyến thăm Nga của Tổng thống Erdogan tại St. Petersburg ngày 9/8 là cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11/2015, khiến quan hệ hai bên xấu đi nhanh chóng.
Chuyến thăm diễn ra khi chính trị Ankara nóng lên từng ngày, cuộc thanh trừng rộng lớn chưa từng có của ông Erdogan nhắm đến hàng chục nghìn người trong các cơ quan công quyền, cảnh sát, quân đội, Tòa án, Viện kiểm sát, Y tê, Giáo dục… bị nghi ngờ có dính líu đến âm mưu đảo chính.
Cũng thời gian này, nhiều nước phương Tây, các tổ chức nhân quyền và một số đảng phái đối lập trong nước đã chỉ trích Ankara thực hiện chiến dịch thanh trừng và đã đối xử vô nhân đạo với những người bị bắt. Ankara chịu sức ép rất lớn, không chỉ chính trị – xã hội, đất nước bị xáo trộn sau đảo chính mà còn áp lực kinh tế rất lớn, nếu không xử lý nhanh, nguy cơ khủng hoảng kép chính trị, kinh tế-xã hội là hiện hữu. Giới quan sát đánh giá, chính quyền ông Erdogan hiện rơi vào tình thế bị “cô lập” ngoại giao bởi theo đuổi lập trường ngày càng độc đoán, đặt Thổ Nhĩ Kỳ vào thế đối đầu với châu Âu.
Nhưng đối với trường hợp của Nga, lợi ích kinh tế đã lấn át lập trường chính trị, bà Asli Aydintasbas, chuyên gia tại Hội đồng châu Âu về quan hệ quốc tế bình luận: “Giao thương giữa hai nước mang lại nhiều lợi ích hơn cho Nga, chủ yếu vì Moscow có thể bán một lượng dầu mỏ và khí đốt rất lớn cho Ankara. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng hưởng lợi không kém với hơn ba triệu du khách Nga tới nước này mỗi năm. Đây là nhóm du khách nước ngoài lớn thứ hai ở Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ sau Đức. Sự vắng mặt của dòng khách Nga gây thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch Thổ Nhĩ Kỳ với con số doanh thu thâm hụt lên đến hàng tỷ USD”.
Nhưng nhìn một góc độ khác, GS TS Nguyễn Cảnh Toàn, chuyên viên nghiên cứu của Trung Tâm Nga và SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập) thuộc Viện nghiên cứu châu Âu bình luận: “Chuyến thăm Nga của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan hôm 9/8 vừa qua có ý nghĩa chiến lược đối với mỗi nước sau giai đoạn “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, có thể gọi là bước ngoặt chiến lược ngoạn mục, thắng lợi của Putin trong việc “kéo” Thổ Nhĩ Kỳ về phía mình, khoét sâu những ngờ vực, rạn nứt trong quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ với phương Tây”.
Chuyên gia này chỉ rõ, tuy nhiên, cần nhận thấy, rằng quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ từ trước đến nay chưa bao giờ thực sự cởi mở, do những cạnh tranh về ảnh hưởng địa-chính trị trong khu vực, nhưng cả Moscow và Ankara đều nỗ lực hạn chế những tranh cãi có khả năng làm tổn hại đến mối quan hệ hợp tác kinh tế chiến lược giữa hai nước.
Cuộc gặp này trước tiên là một tín hiệu gửi đến phương Tây rằng Matxcova và Ankara vẫn là đối tác chính của nhau. Những tranh cãi vừa qua chỉ là sự xung khắc của lãnh đạo chứ không phải là bất đồng căn bản trong chính sách đối ngoại. Tiếp đó, cuộc gặp gỡ này cũng báo hiệu một thời kỳ dài quan hệ hai nước đi vào ổn định, bởi cả hai đang cần hòa giải và khắc phục những khó khăn về kinh tế và đối ngoại.
“Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn giảm thiểu và khôi phục những thiệt hại mà nước này phải hứng chịu do các lệnh trừng phạt của Nga. Ngoài ra Ankara cũng muốn khôi phục quá trình đàm phán xây dựng đường ống TurkStream (Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ), với công suất dự kiến là 31,5 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu.
Về phần mình, Nga cũng muốn thông qua mối quan hệ mới được tái lập giữa hai nước để chứng minh rằng chính sách cô lập Moscow của phương Tây không có tác dụng. Nga cũng hy vọng sự “tái hợp” này sẽ giúp Kremlin đẩy mạnh việc xây dựng các tuyến đường ống khí đốt từ biển Caspi sang châu Âu nhằm đối phó lại tuyến đường ống mà EU muốn xây dựng để giảm phụ thuộc vào năng lượng, từng bước cô lập Nga.
Liên minh châu Âu hiện đang quan ngại rằng việc nối lại tuyến đường ống “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” (Turkish Stream) sẽ củng cố vị thế của Liên bang Nga”, chuyên gia Nga bình luận.
Chung quan điểm, chuyên gia quan hệ quốc tế Maxime Ioussine nhận định: “Người đứng đầu Ankara muốn sử dụng lá bài Nga để giảm áp lực từ Mỹ và EU. Còn ông Putin cũng biết điều đó, và sử dụng việc xích lại với Ankara như là một đòn bẩy mới cho ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông và nơi khác”.
Phương Anh
2016-08-22 20:40:05