Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Steve Bannon đang tích tụ nhiều quyền lực và tầm ảnh hưởng trong Nhà Trắng, điều khiến nhân vật này có thể trở thành trung tâm bất đồng trong nội các của Donald Trump.
Sáu tháng trước đây, hầu hết người Mỹ cũng như công chúng trên toàn thế giới chưa từng nghe nói về cái tên Steve Bannon. Nhưng ngày hôm nay, nhiều người phải thừa nhận rằng nhân vật này đang trên đường trở thành một trong những người đàn ông quyền lực nhất trên thế giới.
Steve Bannon, nhân vật quyền lực số 2 ở Nhà Trắng. |
Bannon từng là ông chủ của Breitbart News và nổi tiếng với những ý tưởng và phát ngôn gây tranh cãi trong quá khứ, nhưng giờ đây ông đang là chiến lược gia trưởng của Tổng thống Trump, vai trò đủ để ông thực hiện những thay đổi to lớn trong lòng nước Mỹ cũng như trên sân khấu chính trị quốc tế.
Theo Russia Direct, tư tưởng và quyền lực của Steve Bannon có thể mang lại lợi ích cho chính phủ Nga trong ngắn hạn, nhưng điều này hoàn toàn có thể đổi chiều, trở nên bất lợi về lâu dài.
Bannon và đội ngũ của ông tự nhận mình là người “cực hữu” đi theo chủ nghĩa dân tộc bảo thủ hơn so với phe cánh hữu truyền thống. Ông tin rằng nước Mỹ cần phải chiến đấu với những thách thức của dân tộc, trước hết là từ hiểm họa từ khủng bố Hồi giáo, đang là mối nguy hại cả bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ.
Trong tâm tưởng của mình, Bannon cho biết, ông không muốn khôi phục lại chủ nghĩa bảo thủ, mà điều ông hướng tới là lập nên “một trật tự chính trị mới”. Chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng bày tỏ sự mến mộ của mình tới cuộc cách mạng cộng sản của lãnh tụ Nga Vladimir Lenin và tự nhận chịu nhiều ảnh hưởng từ nhà lãnh đạo này.
Sự trỗi dậy của Bannon trong vòng tròn quyền lực của Tổng thống Donald Trump là điều không ai có thể phủ nhận. Ảnh hưởng của tư tưởng Bannon hết sức rõ ràng trong bài phát biểu nhậm chức của ông Trump mà theo các phương tiện truyền thông tiết lộ do được chính tay ông chấp bút.
Sắc lệnh cấm người nhập cư từ 7 nước Hồi giáo gây tranh cãi vài ngày qua cũng là một ý tưởng đến từ vị chiến lược gia này. Nó được thực hiện thông qua một quyết định trực tiếp từ tổng thống mà không cần sự tham vấn từ các quan chức nội các mới được bổ nhiệm khác.
Cần phải nhớ rằng, trong đội ngũ thân cận của Tổng thống Trump ở Nhà Trắng, Steve Bannon từng được tham dự bữa tiệc trưa với Thủ tướng Anh Theresa May, trong khi một nhân vật quan trọng như Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn lại không có mặt.
Tư tưởng của Steve Bannon có ảnh hưởng rất lớn đến những quyết sách của Tổng thống Trump. |
Khi ông Trump có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Bannon cũng là người có mặt trong Phòng Bầu dục. Điều chưa từng có trong tiền lệ là chiến lược gia trưởng này cũng được trở thành một thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), tham gia các cuộc họp quan trọng, trong khi các chức danh khác như Giám đốc Tình báo Quốc gia và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ chỉ được tham dự khi có yêu cầu của tổng thống.
Điều này cũng giống như việc Tổng thống Putin đưa Alexander Dugin vào Hội đồng An ninh của Nga, trong khi tướng Alexander Bortnikov, giám đốc FSB, và tướng Valery Gerasimov, người đứng đầu bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang của Nga cũng chỉ được tham dự khi có sự việc quan trọng.
Trong ngắn hạn, sự nổi lên của Bannon trong bộ máy chính quyền Mỹ có thể giúp ích cho Điện Kremlin. Các cuộc xung đột nội bộ, sự hỗn loạn và ý tưởng gây tranh cãi của người đàn ông này đã gây ra những bất đồng trong xã hội Mỹ, điều sẽ làm suy yếu vai trò của cường quốc này trên sân khấu thế giới.
Thứ hai, lập trường của Bannon là tìm cách hỗ trợ cho các nhóm chính trị theo chủ nghĩa dân tộc chống lại giới tinh hoa truyền thống ở châu Âu. Những người bạn nước Anh của ông đã giành được một chiến thắng quan trọng với cuộc trưng cầu bỏ phiếu Brexit.
Nếu các đồng minh về ý thức hệ của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới tại Hà Lan, Pháp và Đức, các tổ chức châu Âu như Liên minh châu Âu và NATO chắc chắn sẽ bị suy yếu. Đó luôn là một tin tốt đối với Điện Kremlin. Thái độ khó chịu của Thủ tướng Đức Angela Merkel với phe cực hữu sẽ là trọng tâm xoáy sâu vào mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu.
Thứ ba, Steve Bannon cho thấy có sự tương đồng về ý thức hệ với Tổng thống Putin, cũng như các nhà hoạt động theo chủ nghĩa dân tộc khác ở nước Nga.
Như Bannon từng nói vào năm 2014: “Đối với những người đi theo lý tưởng cực hữu, ông Putin được tôn kính như một nhà lãnh đạo thế giới và là người cầm trịch cho chủ nghĩa phi tự do quốc tế. Bạn phải trở lại những năm 1970 để nhớ lại quãng thời gian Điện Kremlin lôi cuốn cả thế giới bởi tư tưởng như vậy”.
Quyền lực quá lớn của Steve Bannon khiến nội các Trump dễ bất đồng
Steve Bannon sẽ không tránh khỏi những bất đồng với những nhân vật như Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hay Ngoại trưởng Rex Tillerson. |
Tuy nhiên, Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga và là Giám đốc viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli tại Đại học Stanford lại cho rằng, về lâu dài nhân vật Bannon và thương hiệu chủ nghĩa dân tộc của ông có thể gây ra nhiều vấn đề cho Putin và lợi ích quốc gia của Nga.
Ông cho rằng, còn quá sớm để nhận định nội các của Mỹ đã ổn định và đi theo đúng quỹ đạo. Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người đi theo chủ nghĩa thực dụng đã cuộc gặp mặt “hiền hòa” với Bannon tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo An ninh Quốc gia ở Nhà Trắng.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng chưa có những động thái thể hiện quan điểm bản thân. Nhưng mọi chuyện sẽ chỉ được kiểm nghiệm khi Tổng thống Trump và chiến lược gia trưởng Bannon được thử thách với cuộc khủng hoảng quốc tế đầu tiên của họ.
Thứ hai, như thế giới đã chứng kiến vào đêm trước cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc ở khắp mọi nơi đã trở thành tác nhân gây nên các đụng độ giữa các quốc gia. Bannon là người khởi xướng cho khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết”. Theo quan điểm này, Nga sẽ chỉ là nước “đứng thứ hai”. Bannon muốn dẫn dắt một “phong trào thân Mỹ” nhưng điều này sẽ đụng độ với phong trào ủng hộ Nga trên thế giới.
Ngoài ra các nhà tư tưởng của phe cực hữu không có sự nhạy cảm trong sự cân bằng địa chính trị về quyền lực. Họ đang hy vọng rằng Tổng thống Trump có thể kéo ông Putin ra khỏi mối quan hệ thân thiết với Iran và Trung Quốc. Nhưng đây là một cách hiểu sai về những ưu tiên chính sách đối ngoại của Moscow.
Tại sao ông Putin sẽ muốn phá vỡ quan hệ đối tác đang rất hiệu quả với Trung Quốc và Iran chỉ để gần gũi hơn với Mỹ? Có những lợi ích an ninh hay lợi ích kinh tế nào mang lại cho Nga nếu đi theo trục như vậy? Cựu đại sứ Mỹ tại Nga, Michael McFaul cho rằng Tổng thống Putin là một người quá thực tế để biết được đâu là lựa chọn một cách đúng đắn.
Chỉ có một vài tuần sau khi chính quyền Trump kiểm soát nước Mỹ, Steve Bannon đã tích lũy đủ quyền lực để thúc đẩy ý tưởng của mình, nhưng vẫn còn quá sớm để dự đoán sự thành công về lâu dài của nhân vật này.
Trên thực tế, ông đã có xích mích với các quan chức nội các, mà gần đây nhất là Bộ trưởng An ninh Nội địa John Kelly. Nếu đối mặt với các nhân vật Mattis và Tillerson trong tương lai, chính bản thân Tổng thống Trump sẽ cảm thấy bối rối khi không biết sẽ ủng hộ cho ai.
Và với tất cả những gì đang diễn ra, ông Bannon đang bắt đầu ảnh hưởng đến ông chủ của mình, người hiếm khi thích sẻ chia ánh đèn sân khấu. Michael McFaul bày tỏ: “Tôi không nghĩ ngài Tổng thống thích nhìn thấy Steve Bannon trên trang bìa của tạp chí Time. Đó là nơi của Trump! Vì vậy, có lẽ sẽ rất sớm, Tổng thống Trump sẽ triệu tập Bannon và thốt ra câu nói nổi tiếng nhất của ông: “bạn bị sa thải”.
Đọc thêm>>> Tổng thống Trump bênh vực ông Putin khi bị chỉ trích
Quốc Vinh
2017-02-06 22:40:12
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/steve-bannon-nhan-vat-quyen-luc-so-2-dieu-phoi-quan-he-nga-my-a314607.html