Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Với thế mạnh tài chính và hệ thống của VVF, SHB đang ‘toán tính’ nhanh chóng sáp nhập để thu về một mối lợi lớn.
VVF là một “món hời” cho SHB
Ngày 24/4, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần thứ 23. Tại đại hội, ban lãnh đạo ngân hàng đã thông qua việc phân phối lợi nhuận trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% và thông qua việc phát hành trên 162 triệu cổ phần tăng vốn điều lệ từ trên 8.865 tỷ đồng lên trên 10.486 tỷ đồng nhằm thực hiện giao dịch nhận sáp nhập Công ty Tài chính Viettel – Vinaconex (VVF) và chi trả cổ tức 2014.
Như vậy, sau khoảng một năm kể từ khi có những thông tin đầu tiên, SHB đã chính thức trình phương án sáp nhập Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel (VVF).
Theo Tổng giám đốc SHB Nguyễn Văn Lê: Số lượng cổ phần phát hành dự kiến sẽ là 162.025.835 cổ phần trong đó: Cổ phần phát hành để trả cổ tức năm 2014 dự kiến 62.025.835 cổ phần (7% trên vốn điều lệ trừ đi cổ phiếu quỹ). Thời gian dự kiến sẽ thực hiện vào quý II năm nay; Cổ phần phát hành để hoán đổi lấy cổ phiếu của Công ty tài chính VVF nhằm thực hiện giao dịch sáp nhập đã được ĐHCĐ thông qua năm 2014: 100.000.000 cổ phần.
Tỷ lệ hoán đổi sẽ là 1:1 (1 cổ phần SHB sẽ hoán đổi lấy 1 cổ phần VVF) và SHB cũng dự kiến việc phát hành này sẽ hoàn thành vào quý II/2015.
Cũng theo ông Lê, sau khi hoàn thành quá trình sáp nhập, SHB sẽ thành lập Công ty TNHH MTV Tài chính tiêu dùng SHB.
Chia sẻ thêm về VFF, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB cho biết hiện đã có nhiều đối tác nước ngoài quan tâm đến ‘cô con dâu’ mới này của SHB nhưng Ngân hàng sẽ xây dựng và đầu tư để công ty tài chính tiêu dùng thật sự lớn mạnh rồi mới tính đến chuyện ‘gả bán’.
Tính đến 30/6/2014, VVF có vốn điều lệ là 1.000 tỷ đồng, tương ứng 100 triệu cổ phần và đang giao dịch trên thị trường OTC. 5 cổ đông lớn nhất của VVF là Tổng công ty Vinaconex (sở hữu 33% vốn), Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel (sở hữu 32%), MB (10%), BIDV (nắm 5%), Quỹ VPcapital (nắm 5%) và cổ đông thể nhân nắm giữ 9.860 nghìn cổ phần, chiếm 9,86% tổng số cổ phần.
Từng đặt mục tiêu mua bán hay sáp nhập một TCTD để trở thành NHTM vào năm 2015, kế hoạch của VVF đổ bể khi Nghị quyết của Chính phủ bắt buộc tập đoàn, tổng công ty Nhà nước phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Vinaconex và Viettel – hai cổ đông sáng lập VVF – cũng nằm trong chủ trương này. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2013 VVF đã thực hiện tái cấu trúc, không mở rộng mạng lưới mà thu hẹp lại quy mô hoạt động và giảm nợ xấu.
Nhìn nhận về việc SHB sẽ được lợi gì khi sáp nhập VVF, một chuyên gia tài chính cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã công bố dự thảo Thông tư quy định hoạt động tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính. Thông tư này liên quan đến việc hoạt động cho vay tiêu dùng, phát hành thẻ tín dụng, giới hạn về hoạt động đầu tư và liên quan đến cho vay chứng khoán. Đây là 3 lợi thế sẽ được chuyển giao cho công ty tài chính mà NHTM được phép thực hiện rất hạn chế.
Quan trọng hơn, SHB sẽ thừa hưởng một lượng khách hàng và dịch vụ nhất định, nhất là với Viettel và Vinaconex. Không những thế, SHB còn đương nhiên được một công ty tài chính có sẵn mà không phải làm một đề án rất phức tạp, tốn kém và mất thời gian.
Đặc biệt, theo ông Hiển, giá trị tài sản và lợi nhuận của VVF khi sáp nhập vào SHB cao hơn 10.000 đồng (mệnh giá cổ phiếu của SHB) chính vì thế với mức hoán đổi tỷ lệ 1:1 thì đây là món “hời” mà SHB “may mắn” có được.
Kiều Hương
2015-04-26 18:48:17
Nguồn: http://www.nguoiduatin.vn/sap-nhap-ngan-hang-shb-toan-tinh-dieu-gi-a185805.html