Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
“Vì yêu cầu của doanh nghiệp rất đa dạng nên rất khó đặt chuẩn, Bộ Giáo dục nên xem xét tổ chức kỳ thi đầu ra thống nhất để các đại học có thể dùng điểm đó đánh giá chất lượng của mình mà không cần bất cứ cơ quan kiểm định nào”, TS Nguyễn Thành Nam đề xuất.
Tôi kính trọng các bạn trong nhóm Đối thoại giáo dục (VED). Tôi cũng quen biết một số trong nhóm. Họ đều là những người rất thông minh, được đào tạo tại những cơ sở giáo dục tốt nhất trên thế giới. Họ yêu nước và thực sự mong muốn tất cả sinh viên Việt Nam được hưởng những điều tốt đẹp nhất như họ từng được hưởng.
Tôi viết những suy nghĩ này đầu tiên với tư cách những người bạn của nhóm, cũng từng đam mê khoa học. Chỉ khác là chúng tôi đã chọn con đường về nước để lăn vào cuộc “kiếm sống”. Thứ hai là với tư cách của một người đã sử dụng rất nhiều sản phẩm sinh viên “made in Việt Nam” để mang ra cạnh tranh với thế giới trong lĩnh vực software. Và cuối cùng mới là một nhà giáo dục, vì tôi mới chuyển sang Đại học FPT được gần 3 năm.
|
TS Nguyễn Thành Nam. Ảnh: FU. |
Điểm đáng tiếc đầu tiên là VED chưa vẽ được một bức tranh chung của nền giáo dục đại học trên thế giới để ta có thể định vị mình. Nếu chỉ dựa vào một nền giáo dục Mỹ để làm chuẩn mực thì e rằng không công bằng với hệ đại học non trẻ của Việt Nam. Nói ví von là bắt đội tuyển bóng đá Viet Nam đá theo kiểu Braxin có vẻ không ổn.
Điểm đáng tiếc thứ hai là nhóm VED chưa quan tâm đến sự thay đổi mạnh mẽ mà Internet đã làm cho giáo dục. Internet đã thay thế thư viện của các trường đại học danh tiếng để trở thành kho tri thức lớn nhất của nhân loại. Điều này làm thay đổi hẳn vị thế của các trường đại học.
Theo cảm nhận cá nhân tôi, nền giáo dục sau phổ thông trên thế giới đang lâm vào cuộc khủng hoảng nặng nề. Những nền tảng đại học được đặt ra ở Pháp, Đức, Anh vào cuối thể kỷ 18, đang dần lạc hậu so với cuộc sống. Nên chúng ta cần phải tự định hướng cho mình. Có dịp tiếp xúc với những sinh viên (tất nhiên không phải là xuất chúng) của nhiều nước, và cũng đi thăm khá nhiều các trường đại học trên thế giới, tôi thấy chúng ta có lẽ nên học các nước như Ấn Độ, hoặc Mexico, Philippines thì hiện thực hơn.
Việc đào tạo tinh hoa, có lẽ nên dành tiền để đưa học sinh sang hẳn các nước phát triển. Nền giáo dục đại học trong nước nên tập trung vào tạo việc làm và nâng cao năng suất lao động của các ngành kinh tế.
Về vấn đề giao quyền tự chủ cho các hội đồng trường tại địa phương hoặc ngành – tôi nghĩ đó là bước sau. Còn trong giai đoạn cải tổ này, vai trò của cá nhân hiệu trưởng rất quan trọng, cần bổ sung quy chế và miêu tả chức danh hiệu trưởng.
Hiện tại hiệu trưởng các trường đại học đều do Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm theo quy chế: Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có uy tín về khoa học, giáo dục, có năng lực quản lý và đã tham gia quản lý cấp khoa, phòng của cơ sở giáo dục đại học ít nhất 5 năm; có trình độ tiến sĩ đối với hiệu trưởng trường đại học, giám đốc học viện, đại học; có trình độ thạc sĩ trở lên đối với hiệu trưởng trường cao đẳng; có sức khoẻ tốt. Độ tuổi khi bổ nhiệm hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập bảo đảm để tham gia ít nhất một nhiệm kỳ hiệu trưởng.
Tôi cho rằng thứ nhất cần làm rõ thế nào là năng lực quản lý. Theo tôi cần ghi rõ là đã có những thành tích xuất sắc được thực tế chứng minh tại những cơ sở quản lý trước đó. Thứ hai, trong thời đại hội nhập toàn cầu, hiệu trưởng phải thành thạo ít nhất một ngoại ngữ và từng đi tham quan nhiều cơ sở giáo dục trên thế giới, ít nhất là 10 chẳng hạn. Thứ ba, phải có triết lý giáo dục rõ ràng.
Về tài chính, tôi cho rằng các luận điểm của VED là xác đáng. Nhưng có vẻ các bạn vẫn đang cố gắng kêu gọi nhà nước đầu tư tiền vào các trường công lập. Việt Nam là một nước nghèo, ngân sách nhà nước rất hạn hẹp. Nên việc đầu tiên tôi nghĩ Bộ Giáo dục nên minh bạch tổng số tiền mình có, chia theo tỷ lệ trung bình chi phí đào tạo thấp nhất cũng phải 30 triệu đồng mỗi sinh viên một năm.
Tôi cho rằng chỉ với một công thức đơn giản, Bộ Giáo dục nên thừa nhận là mình chỉ có thể tài trợ cho nhiều nhất là 30% số sinh viên, 70% còn lại phải để gia đình và xã hội tự lo. Khi đó Bộ phải coi hệ thống các trường tư thục là đồng minh của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ xã hội, chứ không phải là nơi để đổ tội cho những yếu kém của chất lượng.
Trong một nền kinh tế mở, chất lượng đào tạo chỉ có thể nâng cao duy nhất bằng con đường cạnh tranh. Muốn thúc đẩy cạnh tranh thì phải nới lỏng quy chế quản lý, tăng tự do cho các trường, khuyến khích mở trường mới. Ở một quy mô dân số như Việt Nam, mà chỉ có chưa đến 400 cơ sở đào tạo sau phổ thông là quá ít. Con số này ở Mexico là 1.700 (dân số 110 triệu), ở Philippines là 2.200 (dân số 103 triệu).
Muốn thúc đẩy cạnh tranh thì phải chuẩn hóa chất lượng sản phẩm, tức là chuẩn hóa đầu ra. Như tôi đã nêu ở trên, tiêu chuẩn đánh giá cuối cùng của một sinh viên là vị trí trong công việc và năng suất lao động của anh ta ở vị trí đấy sau khi tốt nghiệp. Chỉ có thực tế mới là thước đo chất lượng chuẩn nhất.
Tuy nhiên, vì yêu cầu của doanh nghiệp rất đa dạng nên rất khó đặt chuẩn, Bộ Giáo dục nên xem xét tổ chức kỳ thi đầu ra thống nhất để các đại học có thể dùng điểm đó để đánh giá chất lượng của mình mà không cần bất cứ một cơ quan kiểm định nào.
Mới đây nhóm Đối thoại giáo dục (VED) gồm những nhà khoa học tâm huyết với giáo dục Việt Nam khuyến nghị nên phân quyền làm chủ đại học cho địa phương và các bộ, ngành liên quan vì chỉ có lợi ích gắn chặt với định mệnh của một trường đại học thì mới thực hiện tốt vai trò làm chủ. Bên cạnh đó, nhóm cũng đề xuất để các trường đại học được toàn quyền quyết định các vấn đề như số lượng tuyển sinh, mức học phí, chương trình và chất lượng đào tạo. Chi tiêu từ lương đến các khoản chi và đầu tư khác căn cứ trên mức chấp nhận của thị trường; tiền hỗ trợ từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ. Từng trường phải trích một phần nhất định từ doanh thu làm học bổng cho học sinh nghèo và giỏi.
Để nâng cao chất lượng giáo dục bậc học quan trọng nhất, tạo ra nguồn nhân lực cho thị trường, các nhà khoa học cũng đề xuất phải kiểm định chất lượng (quality accreditation), công khai thông tin chất lượng (quality information disclosure), xếp hạng (ranking) và đối sánh.
Nguyễn Thành Nam
Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Đại học FPT
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo