Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á có năng lực và quyết tâm nhất để thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
National Interest mới đây đã đăng tải bài phân tích của tác giả Yevgen Sautin, người từng nghiên cứu tại Đại Học Quốc Gia Đài Loan (Trung Quốc) và Trung tâm nghiên cứu Mỹ Carnegie Endowment for International Peace về tầm quan trọng của cảng Cam Ran trong căng thẳng ở Biển Đông.
Việt Nam có bề dày lịch sử chống lại các tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Các nhà đạo Việt Nam cũng kiên định với nỗ lực giải quyết hòa bình thông qua các cuộc đàm phán đa phương đối với vấn đề Biển Đông.
Quân cảng Cam Ranh của Việt Nam nằm ở vị thế địa chiến lược hết sức quan trọng. |
Việt Nam sở hữu căn cứ hải quân Cam Ranh, một trong những cảng nước sâu tốt nhất Đông Nam Á. Giá trị chiến lược của căn cứ này càng tăng thêm với sự hiện diện của sân bay gần đó có khả năng đón máy bay ném bom và vận tải hạng nặng.
Nếu cường quốc hải quân nào được phép hoạt động lâu dài ở Cam Ranh, đó sẽ là trở ngại cho bất kỳ quốc gia nào có mưu đồ bá chủ Biển Đông, dù có kiểm soát phần lớn các đảo tranh chấp, tác giả Yevgen Sautin nhận định.
Theo tác giả Yevgen Sautin, Mỹ, Nga hay thậm chí là Nhật Bản và Trung Quốc đều là những cường quốc muốn tiếp cận cảng Cam Ranh.
Mỹ
Mỹ là quốc gia hàng đầu muốn được cho phép sử dụng cảng Cam Ranh.
Việc cho phép Mỹ được tiếp cận lâu dài với vịnh Cam Ranh sẽ là sự khẳng định mạnh mẽ cho mối quan hệ đồng minh nảy nở giữa Mỹ và Việt Nam. Điều này cũng sẽ làm vô hiệu hóa nhiều cơ sở quân sự mà Trung Quốc xây dựng phi pháp ở Biển Đông
Tuy nhiên, trong bối cảnh mà quan hệ Mỹ – Trung sẽ tiếp tục trong thế giằng co lâu dài, Việt Nam muốn xây dựng muốn quan hệ tốt đẹp với cả Washington và Bắc Kinh hơn là nghiêng hẳn về Mỹ, tác giả Yevgen Sautin nhận định.
Cam kết của Mỹ trong vấn đề Biển Đông vẫn chưa rõ ràng nên khiến Việt Nam quan ngại rằng cái giá để cho phép Mỹ sử dụng cảng Cam Ranh lớn hơn so với những lợi ích hiện tại.
Nga
Theo tác giả Yevgen Sautin, Nga có lẽ là quốc gia muốn trở lại cảng Cam Ranh rõ ràng nhất.
Sự hiện diện thường trực của lực lượng Nga ở một căn cứ tại Việt Nam sẽ có ý nghĩa tượng trưng to lớn, thể hiện tham vọng lấy lại thế ảnh hưởng sâu rộng trước đây cũng như đóng vai trò tích cực hơn trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, xu hướng xích lại trong quan hệ với Trung Quốc và lập trường ủng hộ quan điểm không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông của Nga khiến Việt Nam thận trọng hơn, tác giả Yevgen Sautin nhận định .
Nhật Bản
Nhật không xa lạ gì với cảng Cam Ranh. Tháng 4 năm nay, 2 tàu khu trục Nhật đã đến căn cứ hải quân ở Cam Ranh trong bối cảnh hải quân Nhật đang muốn tăng cường hiện diện ở Biển Đông.
Tàu chiến Nhật Bản cập cảng Cam Ranh hồi tháng 4 năm nay. Ảnh: Zing. |
Tokyo cần sử dụng cảng Cam Ranh cho mục đích hậu cần. Nhưng quá khứ chiến tranh của Nhật trong Thế Chiến II sẽ ngăn cản Tokyo sử dụng cảng Cam Ranh. Trong nội bộ Nhật Bản, Thủ tướng Shinzo Abe có khuynh hướng theo chiến lược phòng thủ hơn. Như vậy, Nhật Bản chỉ là ứng viên sử dụng cảng Cam Ranh về lâu dài.
Trung Quốc
Tham vọng sử dụng căn cứ Cam Ranh của Trung Quốc là không thể phủ nhận.
Việt Nam luôn mong muốn xây dựng mối quan hệ kinh tế và ngoại giao hòa bình và thắt chặt với Trung Quốc. Trong giai đoạn cuối những năm 1990, Việt Nam thậm chí có thể sẽ cho Mỹ hoặc Trung Quốc thuê cảng Cam Ranh nếu thỏa thuận với Nga đổ vỡ.
Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, sẽ không có chuyện đó bởi sự hiện diện của Trung Quốc ở Cam Ranh đồng nghĩa với giúp Trung Quốc ngày càng củng cố yêu sách phi lý ở Biển Đông.
Trên thực tế, chính phủ Việt Nam hiện không có ý định ký thỏa thuận quân sự với bất kỳ nước nào muốn sử dụng cảng Cam Ranh. Việt Nam thể hiện quan điểm rõ ràng rằng các cơ sở hải quân ở Cam Ranh phục vụ cho các tàu thuyền trên khắp thế giới. Điều này giúp Việt Nam theo đuổi mối quan hệ gần gũi với nhiều quốc gia cùng lúc trong khi vẫn để ngỏ các kế hoạch dài hạn, tác giả Yevgen Sautin kết luận.
Đăng Nguyễn