Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo
Cả xã có trên 1.000 hộ dân với khoảng 1.300 lao động sinh sống ở 5 thôn. Lao động các thôn Trung Thành, Tân Hòa, Tân Thuận phần lớn đã bỏ làng đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Còn lại các thôn Tân Hải, Bắc Hòa thì vẫn bám biển, ra khơi nhưng cũng lay lắt lắm.
|
Lưới đánh cá đưa cất trên bờ |
Ông Nguyễn Quang Cả – Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc (Lệ Thủy – Quảng Bình) chẳng cần mở sổ sách nói với chúng tôi: “Cả xã có trên 1.000 hộ dân với khoảng 1.300 lao động sinh sống ở 5 thôn. Lao động các thôn Trung Thành, Tân Hòa, Tân Thuận phần lớn đã bỏ làng đi khắp nơi làm thuê kiếm sống. Còn lại các thôn Tân Hải, Bắc Hòa thì vẫn bám biển, ra khơi nhưng cũng lay lắt lắm”.
Chỉ còn “cá qua đường”
Thôn Tân Hải nằm ở phía bắc của xã Ngư Thủy Bắc, gần tiếp giáp với xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh). Thôn có gần 100 thuyền bờ nan với trên 300 lao động.
Chúng tôi ghé nhà anh Trần Quang Diệu, thấy ba bố con đang bên mâm cơm chiều sớm. Anh Diệu dừng đũa rồi lấy nước lởi xởi mời khách. Nhà có bốn đứa con thì hai đứa đầu bỏ học ngang lớp 9 để dắt nhau vào Nam làm thuê sau khi xảy ra sự cố biển. Chị Huệ (vợ anh Diệu) thì được một chủ hồ tôm thuê làm vệ sinh ao từ sáng đến tối mới về. Mâm cơm chỉ có bát nước mắm dầm quả trứng vịt dành cho hai đứa nhỏ. Anh Diệu ăn cơm với mấy con cá biển kho ớt.
Anh lý giải: “Thiệt lòng là tui không cho các con ăn cá biển vì sợ. Vài hôm mới mua được quả trứng luộc cho cháu. Tui thì phải ăn cá dù rất sợ không biết cá có sạch không. Nhưng biết làm sao được. Mình lỡ có bị bệnh cũng đành, các con còn nhỏ nên phải giữ gìn. Nhưng đến bữa thấy con nhìn dĩa cá kho thèm thuồng cũng thấy tội lắm. Lâu lâu cũng liều cho con ăn một bữa, gọi là ăn hạn chế”.
Hôm qua, anh Diệu cũng ra biển với bà con. Hôm nay ăn cơm sớm để lại ra biển. “Biển không còn cá mô. Nhưng phải đi để may thì kiếm chút tiền, còn không cũng lấy chút thức ăn”, anh Diệu nói. Gần hai tháng nay, ngư dân thôn Tân Hải ra biển nhưng lòng quặn nặng vì ít tôm, cá.
Theo anh Diệu, nếu vào thời gian này của năm trước, thuyền anh đi 4 lao động với nghề đánh đèn lưới vây qua đêm trên biển cũng có thu nhập bình quân khoảng 500 ngàn đến triệu đồng/người. Ngoài ra, khi chồng đi biển về thì vợ mua thêm ít cá mực chạy vào chợ huyện bán kiếm thêm ba bốn trăm ngàn mỗi ngày.
“Hôm qua đi về tính ra công được 25 ngàn đồng”, anh Diệu lắc lắc đầu. Đi cả đêm về được gần 60 kg cả cá lẫn mực. Gọi mãi, thương lái đến mua cho với số tiền 500 ngàn đồng, trừ chi phí dầu đèn hết 400 ngàn, còn lại 100 ngàn đồng. Số tiền này chia cho bốn lao động.
Biển Ngư Thủy Bắc có rạn đá (san hô) chạy theo địa hình dọc bờ biển dài trên 10 km. Rạn đá rộng chừng 1 km và nằm cách bờ chừng 2km.
Bà con ngư dân xem rạn đá như là hồ nuôi cá của mình. Bởi lẽ, mùa nào cá đó, rạn đá luôn cung cấp nguồn lợi cho bà con trải qua bao đời. Ngư dân Trần Thanh Phong cho hay: “Trước đây, vào tháng này đánh ở rạn có đủ cá trích, cá cơm, cá thu, cá trống vàng…, mỗi chuyến cũng được vài tạ. Nay gần như không có cá chi nữa. Đánh bắt thì chỉ có cá qua đường thôi”.
Thấy chúng tôi có vẻ như chưa hiểu, anh Phong giải thích thêm: “Cá qua đường tức là các loại cá không sinh sống ở vùng rạn đá mà chủ yếu là theo dòng nước đi ngang qua bị dính lưới đó mà”.
Cuối thôn Tân Hải có nhà ông Nguyễn Ngọc Quyện được xếp vào “hộ nghèo inox”. Ông Quyện bị tật nguyền ở chân từ nhỏ nên lao động yếu. Nhà có cậu con trai lớn đến tuổi lao động khỏe mạnh tính là chỗ dựa cho cả gia đình thì chẳng may gặp nạn qua đời. Bà Lan (vợ ông Quyện) cũng sức yếu chỉ quanh quẩn ở nhà phụ việc vặt, nuôi thêm con lợn. Hai đứa con sau còn nhỏ nên chưa giúp gì được.
Bà Lan lo lắng vì nhà đã hết gạo ăn
Mấy năm trước, căn nhà nhỏ của gia đình bị gió làm xiêu vẹo. Bên ngân hàng chính sách xã hội chia sẻ cho vay để làm ngôi nhà xây tránh mưa bão. Nhà làm xong thì hết sạch tiền nên cửa ngõ trống hoác, hiên nhà để nguyên nền cát, khi có gió, cát cứ thoải mái bay vào nhà.
Ông Quyện tật nguyền nhưng được bà con thương nên chuyến nào cũng bố trí cho ông đi biển, được chia phần như những người khác. Chuyến này, ông Quyện đã theo bạn ra biển, bà Lan ngồi bệt bên hiên nhà, hướng ra căn nhà bếp được che chắn bằng giấy dầu, bạt cũ, kể lể: “Mấy tháng nay, nhà chỉ trông vào tiền, gạo hỗ trợ của nhà nước chứ ông nhà tui đi biển cũng có khi lỗ, khi được vài chục, hôm nào may mắn được trăm bạc. Tui cố đi các con khe, nơi nước hồ tôm chảy ra để mò bắt rạm phụ thêm bữa ăn hoặc bán cho người ta kiếm thêm chục bạc. Biển không có chi, tui ráng nuôi heo mà tính chuyện trả vay ngân hàng. Mấy bữa nay phải đi mượn gạo bà con để ăn rồi”.
Bỏ làng đi tứ xứ
Về thôn Tân Thuận. Cả thôn gần như vắng người. Ông Trần Tiến Bon – trưởng thôn, đưa chúng tôi ra bãi biển. Hơn ba chục con thuyền được kéo hẳn trên bờ. Dưới góc cây phi lao là mấy đống lưới to tướng được chằng đậy cẩn thận. “Gần hai trăm lao động của thôn đều bỏ đi làm ăn tứ xứ hết rồi. Người về Đồng Hới phụ hồ, người đi vô các tỉnh phía Nam làm thuê. Tui mà không làm trưởng thôn cũng đi luôn rồi”, ông Bon bộc bạch.
Cũng theo ông Bon thì còn lại vài chục người với nhiều lý do khác nhau mà không đi làm thuê được nên ra biển cầm cự. Mà biển giả tệ lắm. Đi sáng đêm về được vài chục cân cá phải kêu hết lái buôn này đến lái buôn khác để bán. Thương lái phải hỏi tìm có chỗ nhập hàng mới mua cho bà con.
Nếu mình tự đi bán cũng không ai mua. Bà Diện (vợ ông Bon) cũng chen vô góp chuyện: “Thấy bà con mang cá vô chợ là bị gác chợ xua đuổi vì họ cũng sợ cá bị ô nhiễm. Hôm qua đây, tui cũng mới bị đuổi”.
Chủ đi làm thuê, nhà bỏ hoang vắng
Thấy vợ nước mắt dân dấn, ông Bon tặc lưỡi nói huề: “Ừ thì họ cũng lo chớ. Mình vì cái ăn cũng liều. Vừa rồi Bộ Tài nguyên Môi trường công bố nước biển chứ chưa công bố tôm cá đã ăn được hay chưa nên họ đuổi mình cũng có cái lý của họ”. Nghe vậy, bà Diện cũng thôi tủi, nhưng lại dấm dứt: “Hay là tui với ông khóa trái nhà vô miền Nam kiếm việc, kiếm chút tiền. Ngó đó chứ Tết nhất gần tới rồi”. Ông Bon trầm ngâm: “Trưởng thôn mà cũng bỏ đi thì còn chi làng nữa”.
Sát đường chạy lên trụ sở UBND xã, có căn nhà cấp bốn mới xây nhưng cửa đóng im lìm. Mấy bức cửa được đóng tạm bằng cây luồng kẹp với mấy tấm tôn chắp vá. Cỏ dại mọc đến tận bậc cửa, úa vàng vì nắng hạn. Anh Phong cho biết đây là nhà của vợ chồng anh Đoàn. “Cặp ni lấy nhau có một đứa con rồi. Vay mượn làm được căn nhà thì xảy ra chuyện cá biển chết. Đi biển cũng chẳng có chi nên cả nhà kéo nhau đi miền Nam từ đó đến giờ, không biết khi mô về”, anh Phong kể thêm.
Ba xã biển gồm Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung và Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) được chia tách ra từ xã Ngư Thủy vốn khó khăn từ lâu. Đặc thù đây là vùng biển bãi ngang nên bà con sinh sống bằng nghề biển ven bờ chứ không có đội tàu xa bờ. Nghề cá vùng lộng chỉ đủ ăn là cũng may rồi chứ không thể nói đến của ăn, của để.
“Cả ba xã có trên 1.000 thuyền bờ nan (loại thuyền gắn máy có công suất nhỏ) đánh cá cách bờ vài chục sải nước bà thường cứ tối đi sáng hôm sau về hoặc tùy theo con nước, luồng cá mà sáng rạng đi, tối chiều về. Hiện tinh thần bà con ổn định, nhưng biển không còn tôm cá như trước nên thu nhập quá bấp bênh”, ông Nguyễn Quang Cả – Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Thủy Bắc nói.
Bài viết được đăng bởi http://www.zeronews.us
Nghiên cứu về khoa học huyền bí, tâm linh, ufo, chính trị, tôn giáo