Profile image
Tác giả: phannguyenkhanhdan
Trang tin cá nhân | Bài đã đăng
Lượt xem

Hiện tại:
1h trước:
24h trước:
Tổng số:
CHỨNG SỢ HÃI KHI KHÔNG CÓ ĐIỆN THOẠI DI ĐỘNG – Đặc điểm nhận diện và cách điều trị
Tuesday, January 10, 2017 20:15
% of readers think this story is Fact. Add your two cents.
0

[ Bài viết được đăng và lên trang bìa báo Sức Khỏe & Đời Sống
số 940 ngày 06.01.2017 ]

Nomophobia” là thuật ngữ được dùng để miêu tả tình trạng lo sợ của con người mỗi khi không có khả năng kết nối bằng điện thoại di động. Thuật ngữ này được rút gọn từ cụm từ “no-mobile-phone-phobia” (“nỗi sợ không có điện thoại”), được gọi tên lần đầu bởi các nhà khoa học Anh trong một công trình nghiên cứu của họ vào năm 2010. Được đặt hàng bởi công ty nghiên cứu thị trường YouGov có trụ sở đặt tại Anh Quốc, cuộc nghiên cứu này khảo sát 2163 người dân Anh với chủ đề những nỗi lo sợ liên quan đến việc sử dụng điện thoại di động. Kết quả khảo sát cho thấy 53% người dùng điện thoại (58% nam giới và 47% nữ giới) cảm thấy lo lắng bất an mỗi khi họ “mất điện thoại, điện thoại hết pin, không hoạt động hoặc không kết nối được.” 9% số người được phỏng vấn trả lời rằng họ cảm thấy lo sợ tột độ khi điện thoại của mình không hoạt động. Khi được hỏi về nguyên nhân vì sao họ cảm thấy lo sợ trong những trường hợp kể trên, 55% số người tham gia khảo sát nhất trí rằng việc mất điện thoại hoặc điện thoại bị trục trặc khiến họ không thể giữ liên lạc với người thân và bạn bè.

Ngày nay, việc nhiều người dân đô thị không thể sống thiếu chiếc smartphone đã trở thành một hiện tượng phổ biến đến nỗi nhiều nhà tâm lý học đang đề xuất bổ sung “Nomophobia” – hay “Chứng sợ hãi khi không có điện thoại di động” – vào Danh mục Chẩn đoán và Thống kê các Chứng Rối Loạn Tâm Lý (Diagnostic and Statistic Manual of Mental Disorders – DSM) – cuốn tài liệu chuẩn mực của giới bác sĩ và chuyên gia về tâm lý học. “Chúng ta không thể phủ nhận rằng những thành tựu gần đây của công nghệ như sự ra đời của mạng xã hội, truyền thông xã hội và vô vàn những phần mềm hiện đại… đã giúp cho con người tiết kiệm được nhiều thời gian và làm việc hiệu quả hơn,” – nhận định của hai bác sĩ Nicola Luigi Bragazzi và Giovanni Del Puente từ Đại học Genoa (Ý) trong văn bản đề xuất của họ – “Nhưng mặt khác, các thiết bị công nghệ này cũng đang gây ra nhiều tác động tiêu cực lên cuộc sống con người.”

Vì sao chúng ta lo sợ mỗi khi chiếc điện thoại không hoạt động?

Theo bác sĩ David Greenfield – giáo sư tâm thần học đến từ Khoa Y Đại học Connecticut, tình trạng một người thường xuyên “dính chặt” với chiếc smartphone của mình cũng tương tự như mọi chứng nghiện khác của con người – chúng đều liên quan đến sự rối loạn dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh có vai trò điều phối phần não bộ quản lý các hành vi được tưởng thưởng của con người. Nói một cách dễ hiểu, dopamine có tác dụng kích thích con người thực hiện những hành động sẽ mang lại phần thưởng hoặc có tính chất thỏa mãn một nhu cầu của bản thân.

“Mỗi khi chiếc điện thoại của bạn bật lên âm thanh quen thuộc thông báo có tin nhắn, tin tức, cập nhật hoặc e-mail mới, lượng dopamine trong não của bạn sẽ tăng lên một ít khiến bạn có cảm giác như thể bị thúc giục,” Greenfield giải thích. “Trong khoảnh khắc đó, bạn không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho đến khi mình mở khóa chiếc điện thoại, và chính điều này liên tục giục bộ não mong muốn kiểm tra điện thoại càng nhiều càng tốt. Cách hoạt động của bộ não chúng ta khi đó không khác gì một chiếc máy đánh bạc thường thấy trong các sòng bài.”

Bài viết được đăng trên trang 17 và 18 báo Sức Khỏe & Đời Sống số 940 tháng 01/2017 (Click vào ảnh để đọc).

Các triệu chứng 

Người mắc phải chứng sợ hãi khi không có điện thoại di động thường mang điện thoại bên mình mọi lúc mọi nơi, bất kể đang ở nhà hay ở cơ quan, dù đang làm việc hay đang ở trong nhà tắm. Họ luôn để điện thoại ở chế độ mở một cách cực đoan, không chịu tắt điện thoại kể cả khi đó là việc cần thiết. Họ thường xuyên lo lắng một cách thái quá về nguy cơ mất điện thoại kể cả khi nó đã được cất giữ ở nơi an toàn. Mỗi khi điện thoại hết pin, không thể kết nối được hoặc khi làm mất điện thoại, những người này có nhiều biểu hiện tiêu cực như lo sợ, hoảng loạn, chóng mặt, khó thở, run rẩy, bỗng dưng tim đập nhanh, đổ mồ hôi nhiều, đau ngực hoặc cảm thấy muốn nôn ói. Những triệu chứng này diễn ra một cách thường xuyên và kéo dài đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và sinh hoạt hàng ngày của người sử dụng điện thoại.

Điều trị và khắc phục

Việc điều trị chứng sợ hãi khi không có điện thoại di động bao gồm các liệu pháp tư vấn tâm lý được thiết kế trên cơ sở mức độ trầm trọng của nỗi sợ và nguyên nhân gây ra nỗi sợ ở mỗi người. Để đảm bảo hiệu quả điều trị, bước đầu tiên mà người mang nỗi sợ không có điện thoại cần phải thực hiện được chính là thừa nhận nỗi sợ của bản thân. Với những người thường xuyên lo sợ mất điện thoại, bác sĩ tâm lý có thể yêu cầu họ nỗ lực sinh hoạt trong một thời gian nhất định mà không có điện thoại bên người. Các liệu pháp cần phải nhằm mục đích giúp người sử dụng điện thoại đập tan được nỗi sợ mất liên lạc với những người xung quanh và loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực khiến cho nỗi sợ tái phát. Những kỹ thuật thư giãn như hít thở sâu, yoga, thiền, và các bài tập thể dục hàng ngày có thể giúp người sử dụng điện thoại cân bằng cảm xúc của bản thân và khắc phục dần các triệu chứng tiêu cực.

Tuy vậy, theo giáo sư Greenfield, chúng ta hoàn toàn có thể tự mình loại bỏ nỗi sợ không có điện thoại bằng những phương pháp và kỹ thuật tự giúp (self-help techniques) với một quyết tâm nghiêm túc. “Việc bạn luôn lo sợ rằng mình sẽ bỏ lỡ hoặc đánh mất điều gì đó nếu không kiểm tra điện thoại chỉ là một ảo giác – phần lớn những sinh hoạt quan trọng của con người không hề cần đến sự hiện diện của chiếc điện thoại,” Greenfield khẳng định.

“Những gì diễn ra trên màn hình các thiết bị công nghệ của bạn không hề có tính chất phản ánh cuộc sống thực của bạn,” bác sĩ Dale Archer đến từ Hiệp Hội Tâm Thần Học Hoa Kỳ nhấn mạnh. Ông khuyên chúng ta nên tự mình đề ra những quy định tích cực liên quan đến thói quen sử dụng điện thoại di động của mình, chẳng hạn như không sử dụng điện thoại khi không thực sự cần thiết. “Không nhắn tin khi đang lái xe. Không mang điện thoại vào nhà tắm. Không chúi mũi vào điện thoại trong khi đang trò chuyện hoặc sinh hoạt cùng người thân và bạn bè. Nếu bạn đang hẹn hò, hãy mạnh dạn đề ra quy định rằng mỗi người chỉ được kiểm tra điện thoại không quá 5 phút cứ sau mỗi 90 phút hẹn hò,” Archer đề xuất – “Hãy làm chủ thói quen sử dụng điện thoại của mình, bằng cách đặt ra quy định và tuân thủ quy định một cách nghiêm túc!”

.

~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN
Thạc sĩ Kinh Doanh Quốc Tế (Master of International Business)
Giám đốc công ty phát hành sách Con Đường Tri Thức
Website: http://conduongtrithuc2015.wordpress.com

.

BÌNH LUẬN

Lời bình của bạn
Question   Razz  Sad   Evil  Exclaim  Smile  Redface  Biggrin  Surprised  Eek   Confused   Cool  LOL   Mad   Twisted  Rolleyes   Wink  Idea  Arrow  Neutral  Cry   Mr. Green

Tin nổi bật trong ngày
Tin mới nhất

Register

Newsletter

Email this story
Share This Story:
Print this story
Email this story
Digg
Reddit
StumbleUpon
Share on Tumblr
GET ALERTS:

If you really want to ban this commenter, please write down the reason:

If you really want to disable all recommended stories, click on OK button. After that, you will be redirect to your options page.