Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik cảm thấy sốc khi bị tạm giữ và thẩm vấn tại sân bay quốc tế Mỹ vì từng tới thăm Iran năm 2014.
Theo The Guardian, cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik từ châu Âu sang Mỹ tham dự Hội nghị quốc tế về nhân quyền National Prayer Breakfast được tổ chức tại Mỹ, song khi tới sân bay quốc tế Mỹ, ông đã bị tạm giữ.
Cựu Thủ tướng Na Uy Kjell Magne Bondevik. |
“Tôi rất ngạc nhiên với những gì đã xảy ra. Uy tín của nước Mỹ là gì nếu điều này không chỉ xảy ra với tôi mà còn các lãnh đạo quốc tế khác”, ông Bondevik nói.
Cựu Thủ tướng Na Uy khẳng định ông hoàn toàn hiểu nỗi lo sợ về việc để các phần tử khủng bố xâm nhập vào Mỹ.
“Đáng lẽ tôi không nên bị đối xử như vậy khi đã mang hộ chiếu ngoại giao đồng thời còn là một cựu Thủ tướng. Họ nên hiểu rằng tôi không đại diện cho bất cứ mối đe dọa nào đối với đất nước này và để tôi đi ngay lập tức, nhưng họ lại không làm vậy”, ông Bondevik nhấn mạnh.
Theo Washington Post, tại sân bay quốc tế Dulles ở thủ đô Washington, cựu Thủ tướng Na Uy bị tạm giữ khoảng 1 giờ sau khi các nhân viên hải quan kiểm tra hộ chiếu của ông và phát hiện ông từng tới Iran năm 2014. Ông Bondevik đã bị tạm giữ tại 1 phòng với các hành khách đến từ Trung Đông và châu Phi. Theo ông Bondevik, hộ chiếu ngoại giao của ông cũng ghi rõ thông tin ông từng là Thủ tướng Na Uy.
Giới chức sân bay Dulles nói với cựu Thủ tướng Na Uy rằng ông bị tạm giữ vì một đạo luật năm 2015 do cựu Tổng thống Barack Obama ký, trong đó hạn chế những người tới từ 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen hoặc người ở nước khác từng tới thăm 7 quốc gia đó.
Song, cựu Thủ tướng Na Uy cho biết ông không gặp vấn đề gì khi tới Mỹ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Barack Obama.
Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh di trú gây tranh cãi, tạm dừng toàn bộ chương trình tiếp nhận người tị nạn trong vòng 4 tháng, đồng thời cấm công dân của 7 nước gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày.
Sắc lệnh này đã gây ra sự hỗn loạn các sân bay trên khắp nước Mỹ và làm dấy lên các cuộc biểu tình, lên án trên toàn thế giới. Theo thống kê, đã có hơn 100.000 thị thực bị thu hồi sau lệnh cấm nhập cảnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với công dân từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số.
Ngày 27/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh di trú gây tranh cãi đối với công dân từ 7 nước có người Hồi giáo chiếm đa số. |
Rất nhiều người đang trên đường đến Mỹ, bao gồm cả những người có thẻ xanh đều bị tạm giữ khi vừa đến sân bay Mỹ hoặc bị từ chối lên các chuyến bay mà phía Mỹ ràng buộc.
Trước đó vào ngày thứ Sáu (3/2), Iran đã có hành động “trả đũa” khi từ chối cấp visa các vận động viên Mỹ đến Iran tham dự giải vô địch vật tự do thế giới sau khi Tổng thống Donald Trump cấm công dân của bảy nước Hồi giáo nhập cảnh.
Phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Iran Bahram Ghasem nói rằng: “Chính sách do chính quyền mới của Mỹ mới ban hành không cho Iran một sự lựa chọn nào khác ngoài việc cấm các đô vật Mỹ tới nước này”.
Trong một diễn biến liên quan, CNN/ORC ngày 4/2 công bố kết quả thăm dò cho thấy sau 2 tuần kể từ khi tuyên thệ nhậm chức, đa số người dân Mỹ không hài lòng với cách thức điều hành công việc của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo kết quả thăm dò, tỷ lệ không ủng hộ ông Trump điều hành đất nước chiếm 53%, mức không ủng hộ cao nhất trong lịch sử đối với một tân Tổng thống Mỹ kể từ khi bắt đầu cuộc thăm dò. Đa số dân Mỹ không ủng hộ cách thức ông Trump xử lý trong nhiều vấn đề như nhập cư (56%), đối ngoại (55%) và khủng bố (53%).
Xem thêm >>> Hòn đá’ cản bước tân Ngoại trưởng Mỹ dỡ bỏ cấm vận Nga
Xem thêm >>> Lãnh đạo Triều Tiên bất ngờ sa thải Bộ trưởng An ninh quốc gia?
Xem thêm >>> Kiev tăng cường tấn công Donbass vì hết hy vọng vào Mỹ?
Phương Anh
2017-02-04 00:56:22