Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
(Tình hình chiến sự Syria) – Việc Nga phóng tên lửa hành trình hiện đại từ các tàu hộ vệ có lượng giãn nước tương đối nhỏ đã khiến giới chuyên gia quân sự nước ngoài bất ngờ.
Theo phân tích của tác giả Dave Majumdar trên tạp chí National Interest (Mỹ), chiến hạm Dagestan thuộc lớp Gepard với lượng giãn nước 1.900 tấn đã mở đầu đợt tấn công bằng tên lửa hành trình trên biển Caspi.
3 tàu còn lại bao gồm Grad Sviyazhsk, Uglich and Veliky Ustyug thuộc lớp Buyan-M đều có lượng giãn nước chỉ vào khoảng 950 tấn. Các tàu này đã tham gia tấn công chống khủng bố bằng các tên lửa hành trình tầm xa 3M-14T Kalibr.
Tàu hộ vệ tên lửa tàng hình Dagestan, lớp Gepard.
Tên lửa Kalibr phiên bản tấn công mặt đất có tầm bắn 2.500 km, đường bay tầm thấp ở độ cao khoảng 45 m và có độ chính xác chỉ sai lệch khoảng 3 m. Tên lửa này có thể mang theo đầu đạn nặng 500 kg.
Tác giả Majumdar phân tích, các tên lửa hành trình như Kalibr thường chỉ được trang bị cho các tàu chiến cỡ lớn. Nhưng Nga đã lắp đặt các bệ phóng tên lửa này lên tàu hộ vệ cỡ nhỏ như lớp Buyan-M. Điều này đã khiến giới chuyên gia quân sự Mỹ và phương Tây bất ngờ.
Tên lửa Kalibr trang bị trên các tàu Buyan-M đưa năng lực hải quân Nga đối với các tàu cỡ nhỏ vượt trội hoàn toàn so với Mỹ. Khinh hạm lớp Oliver Hazard Perry vốn đã được cho nghỉ hưu hay các tàu tác chiến gần bờ (LCS) của Mỹ đều không thể đối trọng với tàu chiến Nga. Washington hiện đã có kế hoạch nâng cấp năng lực tấn công tầm xa trên các tàu LCS nhưng chưa rõ vũ khí sẽ được trang bị là loại nào.
Hiện Mỹ chỉ có các tàu khu trục lớp Arleigh Burke và tàu tuần dương mang tên lửa lớp Ticonderoga được trang bị tên lửa hành trình tương đương của Nga nhưng chi phí sản xuất tốn kém hơn và lượng giãn nước cũng lớn hơn.
Các tàu này mang tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk nhưng chỉ có một số được trang bị thêm các tên lửa chống hạm Harpoon tầm ngắn. Theo tác giả Majumdar, ngay cả khi được trang bị “sát thủ diệt hạm” Harpoon, hải quân Mỹ rõ ràng đã đánh giá thấp sức mạnh của các tên lửa chống hạm.
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Buyan-M thuộc hạm đội Caspian.
Hệ quả là các tàu chiến Mỹ đang trở nên yếu thế trước các tàu cùng loại của Nga hay Trung Quốc. Trong tương lai, Washington sẽ triển khai tên lửa chống hạm mới và tên lửa hành trình thay thế Tomahawk trong chương trình Gia tăng Sức mạnh Tấn công Mục tiêu nổi (OASuW II).
Tác giả Majumdar cho rằng, lý do người Nga chọn biển Caspi làm nơi triển khai đợt tấn công bằng tên lửa hành trình hiện chưa rõ ràng. Đây cũng là nơi hạm đội biển Caspi được trang bị nhiều vũ khí tấn công mặt đất tầm xa.
Trên thực tế, tàu tuần dương tên lửa Moskva hiện diện ở Địa Trung Hải, ngoài khơi Syria không mang theo nhiều vũ khí tấn công mặt đất. Tàu chiến lớp Slava của Nga với lượng giãn nước 11.000 tấn chủ yếu đóng vai trò chống hạm và phòng không với 16 tên lửa P-500 Bazalt và 64 tên lửa đất-đối-không S-300.
Lớp tàu Slava được thiết phù hợp cho mục đích tấn công các nhóm tác chiến tàu sân bay trên đại dương hơn là tấn công mặt đất. Do vậy, hạm đội biển Caspi neo tại khu vực địa lý chiến lược phù hợp nhất đối với các hoạt động hỗ trợ tấn công từ xa ở Syria.
Cuối cùng, việc phóng tên lửa chống hạm từ biển Caspi cũng đem đến nhiều lợi ích cho Nga. Lần đầu tiên Moscow đã cho thế giới thấy sức mạnh và khả năng tấn công mục tiêu của các tên lửa Kalibr. Phiên bản xuất khẩu với tầm bắn giới hạn hiện đang được Nga chào bán cho các quốc gia nước ngoài.
Đây cũng là lời khẳng định của Moscow rằng, các đối tác không cần tàu tuần dương hay tàu khu trục mới có thể trang bị tên lửa hành trình.
Các tàu hộ vệ lớp Buyan-M hoàn toàn có thể vận hành tên lửa Kalibr với chi phí ở mức thấp, phù hợp với những quốc gia muốn tăng cường sức mạnh hải quân nhưng không có ngân sách quốc phòng lớn.
Đăng Nguyễn