Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cảnh báo quan hệ Mỹ-Thổ có thể bị tổn hại trừ khi Washington đồng ý dẫn độ giáo sĩ Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính thất bại ngày 15/7.
Theo RT, ông Cavusoglu đưa ra tuyên bố này ngay trước chuyến thăm đến Mỹ. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nói sẽ bàn bạc lại về mối quan hệ Mỹ-Thổ trong chuyến thăm.
Washington từng nhiều lần khẳng định, Thổ Nhĩ Kỳ cần phải đưa ra được bằng chứng rõ ràng về mối liên hệ giữa cuộc đảo chính thất bại với giáo sĩ Gulen trước khi hai bên bắt đầu thảo luận đến việc dẫn độ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Ngay cả khi Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận, việc dẫn độ giáo sĩ Gulen có thể kéo dài trong nhiều năm, các luật sư cho biết.
Ông Cavusoglu cũng cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ có thể nhắm các biện pháp trừng phạt vào một số đại sứ mà nước này tin là có liên hệ với âm mưu đảo chính và Liên minh châu Âu (EU) “không thể đe dọa Thổ Nhĩ Kỳ”.
“Chúng tôi luôn bảo vệ giá trị của châu Âu. Giới chức EU thường nói những điều họ nghĩ, nhưng khi điều đó trở thành mối đe dọa, nó rõ ràng là không mang tính xây dựng”, ông Cavusoglu nói.
Trước đó, cũng trong ngày 25/7, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói trên kênh France 2 của Pháp rằng, “Thổ Nhĩ Kỳ, với tình hình hiện tại, không phù hợp để trở thành một thành viên của EU dù là trong thời gian ngắn hay trong giai đoạn lâu dài”.
Chủ tịch EC nhấn mạnh, một quốc gia có án tử hình trong khung hình phạt sẽ không có chỗ trong Liên minh châu Âu.
Sau cuộc đảo chính thất bại, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không loại trừ khả năng khôi phục lại án tử hình ở quốc gia này. Ông Erdogan nói “đây là yêu cầu do người dân Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bãi bỏ án tử hình vào năm 2004 bởi đây là một trong những điều kiện quan trọng để quốc gia này có thể gia nhập EU. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đã không tuyên án tử hình kể từ năm 1984.
Kể từ sau cuộc đảo chính thất bại hôm 15/7, đã có ít nhất 265 người thiệt mạng, hơn 10.000 người đã bị bắt giữ, đa số là các binh sĩ quân đội, và một số người khác làm việc trong lĩnh vực tư pháp hoặc nhân viên chính phủ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ, sa thải hoặc đình chỉ công tác gần 60.000 binh lính, cảnh sát, thẩm phán, giáo viên, công nhân viên chức và nhiều đối tượng khác do cáo buộc ủng hộ phong trào của giáo sĩ Gulen.
Đăng Nguyễn
2016-07-25 15:00:03