Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Giới phân tích cho rằng tuyên bố, đồng ý để Nhật, Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân của Ngoại trưởng Mỹ Tillerson có thể làm gia tăng căng thẳng ở Triều Tiên.
Trong bài trả lời phỏng vấn tuần trước khi thăm châu Á, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được hỏi: “Liệu ông có thay đổi quan điểm phản đối Tokyo và Seoul sở hữu vũ khí hạt nhân như trước đây, khi mà tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng?”
“Chúng tôi đang xem xét mọi phương án, nhưng chúng tôi cũng không thể đoán trước được tương lai”, ông Tillerson trả lời.
“Điều quan trọng là mọi quốc gia trong khu vực cần hiểu rằng, tình hình có thể tiến triển tới mức độ cần có hoạt động phòng thủ song phương. Đây là phương án chúng tôi đang cân nhắc”, ông Tillerson chia sẻ.
Tuy nhiên, ông Tillerson cũng cho biết, thời điểm để đưa ra quyết định thành lập hệ thống phòng thủ song phương là điều chưa được ấn định. Với Mỹ, chính sách kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên mà Washington hướng tới lâu nay không thay đổi.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong cuộc gặp ở Tokyo hôm thứ Năm tuần trước. |
“Một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân sẽ không cần tới việc trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản”, ông Tillerson chia sẻ với tạp chí Independent Journal Review. Đây là bình luận duy nhất của Ngoại trưởng Mỹ với truyền thông bên ngoài sự kiện chính thức.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích vì đề nghị cắt giảm 1/3 ngân sách của bộ Ngoại giao cũng như chậm chạp trong bổ nhiệm các vị trí chủ chốt. Bản thân ông Tillerson cũng đối mặt với những chỉ trích khi quyết định không cho phóng viên Mỹ đi cùng trong chuyến thăm châu Á.
Ông Bonnie Glaser, chuyên gia nghiên cứu châu Á tại viện Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận định việc ông Tillerson cho rằng Mỹ có thể để Nhật Bản sở hữu vũ khí hạt nhân cho thấy, Ngoại trưởng Mỹ đang thay đổi quan điểm so với trước đây.
Ông Glaser cho rằng, cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush cũng từng cảnh báo Trung Quốc, đồng minh thân thiết nhất của Triều Tiên, nếu Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân thì Nhật Bản, Hàn Quốc…cũng sẽ được trang bị năng lực hạt nhân.
Ông Trump và ông Tillerson đều đã đưa ra tuyên bố thay đổi chiến lược “kiên nhẫn” đối với Triều Tiên của cựu Tổng thống Barack Obama.
Giới phân tích cho rằng, những tuyên bố gây tranh cãi của ông Tillerson đơn giản là sự thiếu kinh nghiệm và chính quyền mới của Mỹ có thể làm gia tăng những động thái gây tranh cãi.
Jeffrey Lewis, chuyên gia kiểm soát vũ khí thuộc trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury ở California cho biết, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ đơn giản là sự thiếu kinh nghiệm. “Tôi không nghĩ có bất cứ điều gì đằng sau tuyên bố này”, ông Jeffrey Lewis cho biết.
Tổng thống Donald Trump muốn tăng cường kho hạt nhân của Mỹ lên “hàng đầu thế giới”. |
Phó Giáo sư Van Jackson tại trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc bộ Quốc phòng Mỹ nhận định, tuyên bố của ông Tillerson đã làm căng thẳng thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên.
Ông Jackson cũng nhận định phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ có thể chỉ là sự thiếu kinh nghiệm.
“Nhưng nếu tuyên bố của Tillerson về việc trang bị vũ khí hạt nhân cho Nhật Bản là sự thật, Mỹ chỉ có hai con đường để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên là tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu, hoặc thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân”, ông Jackson chia sẻ.
Theo ông Jackson, cả hai phương án trên đều tạo ra những mối rủi ro.
Trong những tuyên bố đầu tiên kể từ sau khi chính thức nhậm chức Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump cho biết muốn tăng cường kho hạt nhân của Mỹ lên “hàng đầu thế giới”.
“Thật tuyệt vời nếu thế giới này không có vũ khí hạt nhân. Nhưng nếu các nước đều có vũ khí hạt nhân thì Mỹ phải giữ vị trí số 1″, ông Trump cho biết. Tuyên bố của ông Trump bị đánh giá là có nguy cơ phát động một cuộc đua vũ trang mà đặc biệt là ở khu vực châu Á.
Trong một diễn biến khác, hôm 20/3, Triều Tiên khẳng định tiếp tục phát triển năng lực phòng thủ hạt nhân để chống lại chính sách thù địch của Mỹ.
“Trong bối cảnh giới chức cấp cao Mỹ tiếp tục cố chấp và theo đuổi chính sách thù địch với Triều Tiên, quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ tiếp tục biện pháp chế ngự hạt nhân tự vệ, để đối phó với Washington”, tờ Yonhap trích dẫn nhận định của một bài báo có tiêu đề “Nguyên nhân làm gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên” cho hay.
Theo bài báo, sở hữu những loại vũ khí hạt nhân hiện đại là “cách duy nhất” để đưa quan hệ Mỹ – Triều Tiên vào trật tự và “đảm bảo tuyệt đối” cho nền hòa bình cũng như an ninh ở bán đảo Triều Tiên.
Xem thêm >> Lý do TT Donald Trump không bắt tay bà Merkel trong cuộc gặp đầu
Thanh Hiền
2017-03-20 20:00:14