Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Trong cuộc sống hàng ngày, người tiêu dùng Việt luôn đau đầu khi phải lựa chọn sản phẩm chất lượng mà giá cả hợp túi tiền, sử dụng hợp lý để tiết kiệm điện hay chờ đợi mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu.
Nghịch lý giá sữa
Gần đây, mặc dù giá nguyên liệu sữa trên thị trường thế giới giảm mạnh từ 12-20%, đặc biệt tại thị trường Úc, có những thời điểm giá sữa giảm tới 30-35%. Dù vậy, nghịch lý là giá sữa tại Việt Nam lại vẫn giữ nguyên, thậm chí một số sản phẩm còn có xu hướng tăng nhẹ từ 3.000-10.000 đồng/hộp.
Nhiều phụ huynh đang nuôi con nhỏ có dùng sữa đều cho biết có nghe nói giá sữa nguyên liệu thế giới giảm nhưng số tiền chi hằng tháng để mua sữa cho con không hề giảm. Chị Minh Hằng, ngụ Q.7, TP.HCM, có hai con nhỏ, cho biết mỗi tháng chỉ riêng tiền sữa đã ngốn hơn 3 triệu đồng chi tiêu của gia đình.
Phụ huynh đắn đo khi mua sữa cho con em
“Số tiền này không giảm so với cách đây hơn một năm cho dù tôi đã chuyển qua một dòng sữa rẻ tiền hơn để tiết kiệm khi bé đầu đã lớn hơn. Thậm chí gần đây, sau khi thị trường có biến động tỉ giá, loại sữa tôi đang cho con uống còn tăng thêm 15.000 đồng/hộp” – chị Hằng nói.
Trước thông tin sữa “neo giá” trong bối cảnh giá sữa nguyên liệu trên thế giới giảm, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cho biết, qua theo dõi, cập nhật thông tin giá (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, báo cáo của Bộ Công Thương), giá chào bán một số loại nguyên liệu (sữa bột gầy, sữa nguyên kem) của thị trường Tây Âu, Châu Úc tăng liên tục trong 3 tháng đầu năm nhưng từ tháng 4 có xu hướng giảm khoảng 20%.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, mức giá này là mức giá chào bán, trên thực tế các doanh nghiệp sản xuất sữa phải thực hiện việc giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng nên đều có độ trễ từ khi mua nguyên liệu đến sản xuất, lưu thông sữa thành phẩm ra thị trường.
Điều chỉnh giá xăng dầu
Từ 15h ngày 18/9, giá xăng đồng loạt tăng theo thông báo về việc điều chỉnh giá bán xăng dầu từ liên bộ Công thương – Tài chính.
Cụ thể, xăng RON 92 tăng thêm 612 đồng/lít lên 17.950 đồng/lít; xăng E5 tăng 612 đồng/lít lên 17.455 đồng/lít.
Đây là đợt thứ 12 điều chỉnh giá xăng dầu và là lần đầu tiên tăng giá sau nhiều lần liên tục giảm giá trong 2 tháng gần đây. Trước khi có đợt điều chỉnh giá này, giá xăng đã có 7 lần giảm giá với tổng mức giảm là 5.590 đồng và 4 lần tăng giá với tổng mức tăng là 5.040 đồng.
Giá xăng ảnh hưởng tới giá của nhiều mặt hàng khác
Theo chu kỳ 15 ngày điều chỉnh giá xăng dầu tại Nghị định 83, liên Bộ Công thương – Tài chính sẽ thông báo điều chỉnh giá xăng dầu. Người tiêu dùng lại thấp thỏm chờ đợi thông tin giá xăng tăng hay giảm vì giá xăng ảnh hưởng không nhỏ tới các chi phí sinh hoạt thường ngày.
Anh Trần Phương Đông nhân viên của một công ty trong lĩnh vực Công nghệ thông tin trên phố Tôn Thất Thuyết (Hà Nội) cho biết: “Khi xăng tăng giá, tâm lý chung của mình và mọi người là không hài lòng vì điều này ảnh hưởng trực tiếp tới túi tiền của người tiêu dùng. Ngoài ra, mình thấy băn khoăn về tính minh bạch, không rõ ràng trong quản lý xăng dầu khi giá xăng tăng chỉ các đại lý được hưởng còn người tiêu dùng chịu thiệt khi gánh giá tăng thêm lẫn cả thuế Bảo vệ môi trường nữa”.
Trang Globalpetrolprices cập nhật giá xăng dầu của các quốc gia đến ngày 24/8. Theo đó, giá xăng trung bình của thế giới đang là 1,09 USD một lít. Riêng tại Việt Nam, mỗi lít xăng bán ra hiện có giá tương đương 0,86 USD, xếp thứ 46 trên thế giới và thứ 4 tại khu vực ASEAN.
So với thời điểm tháng 2/2015, giá xăng Việt Nam đã lùi 11 bậc trong bảng xếp hạng (xếp theo giá thấp nhất đến cao nhất), từ vị trí thứ 35 lên 46.
Đề xuất tính giá điện
Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa hoàn tất Đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện nhằm lấy ý kiến của các đơn vị liên quan. Theo đó, ngoài phương án giữ nguyên cách tính 6 bậc thang như hiện hành, EVN cũng đề xuất biểu giá điện sinh hoạt có thể được tính theo 2 cách khác là tính giá điện sinh hoạt đồng nhất một mức là 1.747 đồng/kWh hoặc giảm từ 6 bậc về 3-4 bậc.
Cuộc thảo luận cách tính giá điện nhận được sự quan tâm lớn từ người dân vì quyết định cuối cùng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh hoạt mọi người.
Giá điện được tính theo nhiều bậc
Mở đầu tại hội thảo lấy ý kiến sửa đổi cơ cấu giá điện bán lẻ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức sáng 22/9, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả, Bộ Tài chính nhấn mạnh: “Giá điện mới vừa được duyệt từ 16/3. Tại sao vừa thực hiện được 6 tháng mà đã gây bức xúc xã hội? Gốc gác vấn đề chỗ nào thì phải tìm”.
TS Long nhìn nhận: “Xu thế các nước, giá điện sinh hoạt bao giờ cũng rẻ hơn giá điện sản xuất, công nghiệp, còn ta thì ngược lại. Qua 7 lần tăng giá kể từ năm 2009, cứ mỗi điều chỉnh giá điện là không tạo được sự đồng thuận trong xã hội”.
Cũng theo ông Long, với cách tính hiện nay, “thực ra, nhiều bậc cũng không sao, 6 bậc thang hay 15 bậc thang cũng được vì đưa vào phần mềm máy tính đều xử lý được chính xác. Nhưng người tiêu dùng khó theo dõi”.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS Trần Đình Thiên cho biết, chi phí sản xuất cho điện gắn liên thông với thế giới, nhưng người mua ở Việt Nam phải trả tiền điện, là bộ phận được nhận tiền lương theo nguyên lý khác. Sự giao thoa đó, ngành điện phải xử lý ra sao, Nhà nước phải hỗ trợ ra sao? Nếu ta chỉ bàn giá điện mà những thứ khác không thay đổi thì cũng không giải quyết được tận gốc vấn đề.
Kiều Hương (T.H)