Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Jakarta Globe đề xuất, chính phủ của ông Jokowi phải làm điều gì đó “phi thường” nhưng vẫn nằm trong chuẩn mực các quy tắc quốc tế để đảm bảo chủ quyền lãnh thổ cho Indonesia.
Vài tuần trước Tổng thống Joko “Jokowi” Widodo của Indonesia tổ chức họp nội các ngay trên một chiếc tàu quân sự gần quần đảo Natuna, nơi đang bị Trung Quốc liên tục quấy nhiễu.
Tờ Jakarta Globe cho rằng đó là một sự kiện quan trọng để tập trung sự chú ý của mọi người về vấn đề Biển Đông và là hành động mang tính biểu tượng để nói nên sự quyết tâm của Indonesia trong việc chống lại thái độ hung hăng của Trung Quốc gây ra ở vùng biển nước này.
Tổng thống Jokowi lên tàu chiến ở đảo Natuna. |
Tác giả bài viết Arizka Warganegara đến từ Đại học Lampung nêu ra 2 câu hỏi: Thứ nhất, động cơ đằng sau các hoạt động đáng ngờ của Trung Quốc liên quan đến các tàu đánh cá trong lãnh thổ Indonesia là gì? Thứ hai, Chính phủ Indonesia sẽ phản ứng chính thức đối với vấn đề này như thế nào?
Để giải quyết những câu hỏi này, tờ báo nhắc lại về một tình huống tương tự với Malaysia trong hơn một thập kỷ trước đây khi sự thất bại của chính phủ Indonesia trong nhiều mặt đã khiến nước này mất hai hòn đảo: Sipadan và Ligitan.
Theo quan điểm địa chính trị, có ba yếu tố quan trọng liên quan đến sự tồn tại của bất kỳ quốc gia nào hiện nay bao gồm: sức mạnh, địa điểm và không gian. Đó là những biến số mà chính phủ cần xem xét khi thiết kế chính sách đối ngoại. Tuy nhiên các yếu tố này đã bị chính quyền Indonesia bỏ qua kể từ thời kỳ hậu cải cách.
Tờ báo cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đường biên giới ngày một bị xóa mờ dẫn đến việc chủ quyền nhiễu loạn, chính phủ Indonesia phải nhận thấy tầm quan trọng của việc bảo vệ lãnh thổ thông qua nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng các nước khác tuyên bố chủ quyền đối với lãnh thổ của Indonesia.
Có 4 chiến lược có thể thực hiện để đối phó với một tình huống như vậy trong tương lai:
Đầu tiên, ngoại giao có thể là biện pháp hiệu quả nhất trong việc giải quyết các vấn đề như vậy. Indonesia phải cho thấy vai trò quan trọng của mình trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với tư cách là một trong những thành viên sáng lập.
Bằng cách tham gia và tăng cường thông tin liên lạc với Phillipines cùng các nước ASEAN. Jakarta sẽ đảm bảo có được một vị thế chính trị mạnh mẽ để chống lại chính phủ Trung Quốc và thu hút sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Một cách tiếp cận về mặt ngoại giao là luôn luôn thích hợp hơn và hiệu quả hơn so với hành động quân sự. Tuy nhiên, dù không phải là ý hay nếu lấy quân sự ra làm phương thức giải quyết tranh chấp Biển Đông, nhưng nếu cần thiết, Jakarta phải sẵn sàng để làm điều đó.
Thứ hai, để tránh một kết quả đau đớn như việc mất hai đảo Sipadan và Ligitan, Indonesia cần nghiên cứu kỹ lưỡng về các điểm mấu chốt trong lịch sử và các vấn đề địa lý liên quan tới các đảo và biên giới chủ quyền của Indonesia để các học giả trong khu vực không thể phủ nhận được điều này.
Ngoài ra nghiên cứu lịch sử về các đảo là điều cần thiết nếu gặp phải tranh chấp tại Tòa án Quốc tế.
Thứ ba, ngoài việc nghiên cứu nói trên, chính phủ Indonesia cũng nên để mắt và ưu tiên hơn cho các cộng đồng sống ở các khu vực đảo xa bằng cách hỗ trợ cho họ về y tế và giáo dục.
Cuối cùng, Jakarta Globe đề xuất, chính phủ của ông Jokowi phải làm điều gì đó “phi thường” nhưng vẫn nằm trong chuẩn mực các quy tắc quốc tế để đảm bảo rằng Indonesia không mất bất kỳ lãnh thổ nào nữa trong tương lai.
Đọc thêm>>> Trung Quốc dùng chiêu bài mới, dụ Philippines chối bỏ phán quyết
Minh Vũ