Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Lãnh đạo trường đại học Ngoại ngữ Huế bác bỏ quan điểm cho rằng mình vi phạm luật cạnh tranh vì nhà mạng Vinaphone “tài trợ” chứ không phải “mua bán”.
Đại học Ngoại ngữ Huế. Ảnh Đăng Hậu |
Chiều 5/11, trả lời báo điện tử Người Đưa Tin, ông Trần Quyết Chiến, Phó Phòng Công tác sinh viên cho hay Vinaphone đã tài trợ cho trường hơn 4000 sim của nhà mạng này.
Ông Chiến cũng nói thêm, Vinaphone cũng tài trợ luôn 20 ngàn đồng phí để kích hoạt tài khoản sim nếu sinh viên có nhu cầu sử dụng.
Lãnh đạo trường Đại học Ngoại ngữ – Đại học Huế hôm 26/10 đã khiến dư luận bất ngờ và sinh viên bức xúc khi ban hành văn bản yêu cầu gần 4.000 sinh viên của trường mua thêm sim Vinaphone để nhận thông báo liên quan đến học tập.
Tuy nhiên, để dùng sim, nhà trường cũng yêu cầu mỗi sinh viên phải nộp 20.000 đồng tiền kích hoạt.
Qui định này ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của sinh viên. Dư luận xã hội cũng cho rằng nhà trường không thể dùng mệnh lệnh hành chính để “ép” sinh viên phải sử dụng dịch vụ của bất kỳ nhà mạng nào.
Thông báo của Trường đại học Ngoại ngữ Huế. |
Trao đổi với Người Đưa Tin chiều 5/11, ông Trần Quyết Chiến, Phó phòng Công tác sinh viên cho biết do cách chuyển tải nội dung chưa rõ ràng nên đã có sự “hiểu nhầm”.
“Thông báo ngày 26/10 vừa qua đến các sinh viên chưa được mạch lạc, cụ thể nên một số sinh viên đã hiểu sai là nhà trường ép buộc các em phải đóng tiền 20 ngàn đồng/em để dùng sim tài khoản học vụ trên,” – ông Chiến nói.
Để khắc phục, ông Chiến cho biết, ngày 30/10, lãnh đạo trường đã ra thông báo chi tiết về quản lý, sử dụng tài khoản học vụ.
“Nhà trường khuyến khích sinh viên toàn trường đăng ký sử dụng tài khoản chứ không phải bắt buộc,”
“Em nào không dùng thì phải có trách nhiệm truy cập thường xuyên vào website của trường và báo số điện thoại cá nhân để trường liên hệ trong trường hợp cần thiết,” ông Chiến nói thêm.
Trước câu hỏi việc “khuyến khích” này có thể khiến sinh viên phải thay đổi sim cũ hoặc mua thêm máy mới sẽ phát sinh chi phí, hoặc những sinh viên không có điều kiện mua máy mới, không sử dụng sim VinaPhone có thể bị thiệt thòi về tiếp cận thông tin, ông Phạm Anh Huy – Trưởng phòng Công tác sinh viên cho hay nhà trường đã tính đến khả năng này và có phương án giải quyết.
“Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đang hưởng các chính sách của nhà nước, có mong muốn sử dụng sim Vinaphone nhưng chỉ có một máy điện thoại đang dùng sim mạng khác, thì có thể làm đơn. Nhà trường sẽ phối hợp với VNPT xét duyệt tặng máy điện thoại cho sinh viên.” – ông Huy nói.
Trước thông tin cho rằng nhà trường yêu cầu sinh viên dùng sim Vinaphone đã vi phạm luật cạnh trạnh giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ, ông Chiến “bác” quan điểm này vì cho rằng đây là sim tài trợ chứ không mua bán.
“Vinaphone đã tài trợ sim cho sinh viên chứ không hề có sự mua bán. Đơn vị nào tài trợ thì chúng tôi đều tiếp nhận để phục vụ cho SV của trường được thuận lợi mà thôi,” ông Chiến khẳng định.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Xuân Thủy, giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT (Thừa Thiên – Huế) cho biết hơn 4000 sim trên là do Vinaphone tặng miễn phí.
“Số tiền 20.000 đồng mà sinh viên bỏ ra là để nạp thẻ và duy trì sử dụng. Nhà trường hoàn toàn không nhận bất kỳ một khoản nào từ VNPT,” ông Thủy nói.
Đăng Hậu