Lượt xem | |
Hiện tại: | |
1h trước: | |
24h trước: | |
Tổng số: |
Báo cáo lập luận rằng sự đàn áp của chính quyền Trung Quốc sớm hay muộn cũng sẽ “gậy ông lại đập lưng ông”
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên đài phát thanh, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve đã giải thích tại sao các lực lượng chống khủng bố của nước này không thể bắt những kẻ tấn công tòa soạn tạp chí Charlie Hebdo gần đây, mặc dù những kẻ này đã từng bị theo dõi: với hàng ngàn kẻ bị tình nghi ở Pháp, đơn giản là không thể cử 8 hay 10 điệp viên để theo dõi từng người một.
Nhưng với cảnh sát ở Trung Quốc thì khác. “Với chính quyền Trung Quốc thì số lượng điệp viên đó không phải là nhiều. Dù số lượng người cần theo dõi lớn hơn 5.000 người rất rất nhiều thì họ vẫn có thể cắt cử 8-10 cảnh sát để theo dõi từng người một, và những người khác trong xã hội thậm chí không hề biết về việc này”, Giáo sư Andrew Nathan của Đại học Columbia, gần đây phát biểu tại Đại học Fordham ở thành phố New York.
“Khi Đảng Cộng sản phải tăng cường trấn áp và dùng các chiến thuật thẳng tay, họ bắt đầu từ bỏ những biện pháp họ từng dùng để duy trì tính hợp pháp của mình”.
- Sarah Cook, nhà nghiên cứu Trung Quốc
Áp bức tiếp diễn
Bình luận trên được đưa ra tại buổi thảo luận về một báo cáo gần đây của Sarah Cook, một nghiên cứu viên của tổ chức Ngôi nhà Tự do (Freedom House), nơi cung cấp một sự đánh giá toàn diện về sự thay đổi chính sách hay các diễn tiến của bộ máy đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong vài năm qua.
Jerome A.Cohen, một giáo sư luật của Đại học New York và là một nhân vật kỳ cựu về hoàn cảnh nhân quyền ở Trung Quốc, nhận xét về báo cáo của bà Cook rằng: “Tôi ngạc nhiên một cách vui sướng khi đọc báo cáo này, bởi vì nó cho thấy một sự hiểu biết toàn diện về những điều đang diễn ra ở Trung Quốc trong những năm gần đây”.
Bản báo cáo cũng cho rằng những chính sách bạo lực mà ĐCSTQ cảm thấy buộc phải dùng khi đối diện với những khủng hoảng về quản trị đang nảy sinh, có thể sẽ tạo ra hiệu ứng phản kháng từ đa số người dân.
Bà Cook viết: “Cảm giác bất an sâu sắc và nhận định rõ ràng rằng Đảng đang mất đi sự trung thành của nhân dân và của chính một số các thành viên của mình đã buộc Đảng phải gia tăng đàn áp nói chung”.
Ở Trung Quốc, thông tin nào là bị kiểm duyệt chặt chẽ nhất? “Đó là tin tức về sức khỏe và an ninh cộng đồng”.
“Vòng luẩn quẩn”
Tại sự kiện ở Fordham, bà Cook nói : “Những hành động của ban lãnh đạo đang củng cố một cái vòng luẩn quẩn”. Và trong số những người ngày càng bất mãn với hiện trạng này có chính các Đảng viên.
Một nhân viên kiểm duyệt nội bộ đã nghỉ hưu giấu tên của tờ báo tự do nổi tiếng Tuần báo Phương Nam, đã tuyên bố trong một bài viết được truyền rộng trên Internet rằng: “Nhìn lại 4 năm qua, tôi đã phạm nhiều sai lầm. Tôi đã hủy đi một số tài liệu mà đáng ra tôi không nên hủy, tôi đã xóa đi một số nội dung mà lẽ ra tôi không nên xóa, nhưng cuối cùng tôi đã tỉnh ngộ. Thà tôi không thực hiện nhiệm vụ chính trị đó còn hơn là làm trái với lương tâm của mình. Tôi không muốn trở thành tội đồ của lịch sử”.
Một trong những chiến dịch đàn áp tàn bạo và bất thường nhất của ĐCSTQ – cuộc bức hại môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công – đã diễn ra liên tục xuyên suốt ba thế hệ lãnh đạo và trong 15 năm qua. Nhưng, trong khi đó vẫn là một chính sách chính thức, thì nhiều quan chức địa phương đơn giản là đã thất bại trong việc thực thi cuộc đàn áp này, phần lớn là vì sự phản kháng của nhân dân.
Báo cáo trích dẫn lời một luật sư nhân quyền ở Trung Quốc: “Dường như chính sách từ trung ương vẫn như vậy, luôn muốn đàn áp. Nhưng do những người tập Pháp Luân Công đã nói chuyện với các quan chức địa phương, nên một số đã thay đổi thái độ và nhận ra rằng những người tập Pháp Luân Công không đáng sợ như thế, vì vậy họ không bắt những người này nữa. Lệnh bắt giữ tiếp tục từ chính quyền cấp cao giáng xuống, nhưng đôi khi những nhân viên của Sở Công an [địa phương] sẽ từ chối: [chúng tôi sẽ không bắt giữ họ], họ chỉ luyện tập để được khỏe mạnh mà thôi”.
Bàn chủ tọa tại Đại học Fordham ngày 15/1, từ trái sang phải: Giáo sư Đại học Columbia Andrew Nathan, nhà nghiên cứu Sarah Cook của Tổ chức Freedom House, Giáo sư Jerome A.Cohen của Đại học New York, Giáo sư Martin Flaherty của Đại học Fordham, Luật sư nhân quyền Trung Quốc Lưu Vĩ. (Tianna Ren/Thời báo Đại Kỷ Nguyên).
Theo đó, khi chính quyền càng tấn công vào các nhóm và cá nhân vô hại, thì càng có nhiều người kháng cự một cách tiêu cực, hoặc thẳng thừng phản đối cuộc đàn áp.
Báo cáo của bà Cook đề cập đến tuyên bố của Chu Chí Hành, biên tập viên của hai tạp chí Đảng, than vãn về việc bắt giữ luật sư nhân quyền nổi tiếng Phố Chí Cường: “Gia nhập đảng từng là việc thiêng liêng, nhưng giờ đây đó là việc bị phỉ báng; đến trường từng là niềm vui sướng, nhưng giờ đây trở thành nỗi buồn; đi tù từng bị coi là đau khổ, nhưng giờ lại là vinh quang”.
Phản kháng từ người dân
Bà Cook nói tại cuộc thảo luận ở thủ đô Washington, ngày 13/1 rằng: “Không một chế độ độc tài nào có thể chỉ dựa vào đàn áp để mà tồn tại. Họ cần có các công cụ khác. Nhưng khi ĐCSTQ ngày càng gia tăng đàn áp và dùng các chiến thuật thẳng tay, họ bắt đầu từ bỏ các biện pháp mà họ đã từng dùng để duy trì tính hợp pháp của họ”.
Bà kết luận: “Vì vậy mà có sự phản kháng này từ xã hội dân sự và những người vỡ mộng cảm thấy guồng máy này càng ngày càng phình ra và nhiều người hơn nữa sẽ chiến đấu với nó.”
Đây là một trong số những tình thế tiến thoái lưỡng nan của bộ máy kiểm soát thông tin và an ninh của Đảng.
“Sẽ luôn đến thời điểm trong đời mà một người không muốn bị áp bức nữa … loài người là rắc rối như vậy đấy”.
– Giáo sư Andrew Nathan, Đại học Columbia
Một ẩn số lớn là liệu hệ thống có thể duy trì một sự cân bằng nhất định, hay là nó đã đi trên con đường bất ổn.
Giáo sư Nathan nói: “Đàn áp sẽ tạo ra phản kháng. Mọi người đều phản đối nó … họ có thể lưu ý đến những lời khuyên thông thái hơn và cố không rơi vào rắc rối, nhưng sẽ luôn đến một thời điểm trong đời mà một người không muốn bị áp bức hơn nữa … loài người là rắc rối như vậy đấy”.
Ông Nathan nói thêm: “Người dân sợ phản kháng cho đến khi họ không còn sợ phản kháng nữa. Và chúng ta không biết tại sao nút chuyển này xảy ra. Nhưng nó đã xảy ra ở Thiên An Môn năm 1989, và bất ngờ xảy ra ở Đông Đức”.
“Tính toán động”
Dương Kiến Lợi, một nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng, trong một cuộc phỏng vấn sau diễn đàn ở Washington, đã gọi tình trạng này là “tính toán động” – và nó ảnh hưởng tới dân chúng cũng nhiều như là ảnh hưởng đến một số lớn quan chức trong hệ thống. Thuật ngữ đó có nghĩa là những người hành động có thể nhanh chóng thay đổi đánh giá về lợi ích của họ khi môi trường chính trị và xã hội chung thay đổi”.
Ông Dương nói: “Khi nhìn thấy hy vọng, tính toán của họ sẽ thay đổi. Họ đã khát khao nền dân chủ suốt hàng thế kỷ – phần lớn người dân không phải là lực lượng dẫn dắt, họ sẽ đợi. Nhưng khi có thay đổi, tất cả họ sẽ nhanh chóng nhảy vào”.
Tianna Ren đưa tin.
Matthew Robertson, Epoch Times
Theo daikynguyenvn.com